Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH VÀ BỘ SƯU TẬP KỶ VẬT CHIẾN TRANH -tác giả Nguyễn Anh Ngọc

38 năm cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đã lùi xa; đó cũng là 38 năm người cựu chiến binh-thương binh Nguyễn Văn Đổng ở xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường miệt mài gom góp, sưu tầm những kỷ vật gắn bó với người lính trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ xâm lược. Đến nhà ông, chúng ta mới mới hiểu được ý nghĩa nâng niu, trân trọng những kỷ vật của “một thời đạn bom” mà ông luôn trăn trở sưu tầm. Bên cạnh các giá gỗ bày hàng 1.000 cổ vật gốm sứ cổ như bình hoa, bát, đĩa,....Ông giành riêng một gian phòng để trưng bày trang trọng hơn 200 kỷ vật chiến tranh mà ông kỳ công sưu tập trong vòng 38 năm qua; các kỷ vật được sắp đặt khoa học theo từng loại: Ba lô, mũ cứng sao vàng, dép cao su, mũ chống đạn, giày, vải dù, cờ đỏ sao vàng, thắt lưng, võng bạt, bi đông, bát sắt, ca uống nước, rađiô, bút máy, la bàn và cả các đồ dùng (lược chải đầu, ca uống nước, đèn dầu, bình hoa,….) được bàn tay khéo léo của người lính chiến trường tự chế từ những mảnh xác máy bay, pháo sáng, cắt tút đạn của giặc Mỹ. Càng ngắm các kỷ vật càng cảm phục sự sáng tạo mang đầy chất lính, mộc mạc mà chân thành. Đặc biệt đáng chú ý trong bộ sưu tập của ông là chiếc bình hoa đúc từ xác chiếc máy bay F-111 của Mỹ bị bắn rơi tại Tiền Châu, Phúc Yên năm 1972, hay chiếc ca có vẽ bộ đội giải phóng quân và dòng chữ “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ...Các hiện vật đều được ông dán nhãn, ghi lại tỉ mỉ những thông tin (như tên người lính từng gắn bó với kỷ vật, quê quán, đơn vị từng tham gia chiến đấu hay tên người tặng kỷ vật,..v.v..) một cách rất khoa học, phần nào giúp người xem hình dung và hiểu hơn về ký ức chiến tranh, cùng ý nghĩa lớn lao của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Ông tâm sự “là người lính tham gia bộ đội từ năm 1967 tại Đoàn 2642, tỉnh Long An; đến năm 1971 trong một trận chiến đấu với giặc ông bị thương tật 57% và được đơn vị đưa ra Bắc; và cũng từ sau ngày Đất nước thống nhất năm 1975, ông bắt đầu ấp ủ gìn giữ những kỷ vật một thời đã gắn với ông và cả những sưu tập kỷ vật của đồng đội ông” Cầm từng hiện vật, ông nói: "Mỗi kỷ vật đều ẩn chứa một câu chuyện, đó là chuyện về chủ nhân của nó, có người đã ngã xuống, có người giờ đang âm thầm sống ở một làng quê hẻo lánh. Rồi cả chuyện người lính đã mang chúng từ chiến trường về nhà”. Trải qua cuộc sống bươn chải từ thời kỳ bao cấp sang nền kinh tế thị trường; trong khi nhiều người cất công sưu tầm những món cổ vật gốm sứ cổ có giá trị kinh tế cao thì ông lại miệt mài sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật của “một thời máu lửa”; ban đầu mọi người rất ngạc nhiên nhưng khi hiểu ý định của ông với mục đích gìn giữ những kỷ vật đó để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng, về lòng tự hào dân tộc, về truyền thống đánh giặc giữ nước bất khuất của cha anh, thì ai cũng vui vẻ ủng hộ. Khi chúng tôi hỏi về điều này, ông Đổng tâm sự: “sưu tầm kỷ vật chiến tranh không phải để làm cuộc chơi, mà mục đích tập hợp chúng lại để chúng có ý nghĩa như một minh chứng giúp cho lớp trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đồng thời biết yêu quý hoà bình hơn”. Theo ông sưu tầm được kỉ vật đã khó nhưng tìm hiểu và giải thích lí lịch từng kỉ vật còn khó hơn; vì quá trình này làm cho kỷ vật sống lại và phải “biết nói”. Không chỉ sưu tầm những kỷ của bộ đội ta, ông còn ý tưởng sưu tầm cả những đồ dùng của binh lính Mỹ, để làm phong phú hơn cho bộ sưu tập. Ông Đổng giải thích: “Quá khứ rồi sẽ trở thành lịch sử và chỉ ở trong sách vở, nhưng nếu lưu lại những kỷ vật thì lịch sử sẽ sống động hơn trong lòng thế hệ trẻ’’. Chính vì ý nghĩa lớn lao đó, đã thôi thúc ông vượt qua những khó khăn về kinh tế để sưu tầm gìn giữ các kỷ vật chiến tranh. Phát huy giá trị bộ sưu tập; hy vọng một ngày gần, bộ sưu tập “Kỷ vật chiến tranh” của ông sẽ được giới thiệu đông đảo tới nhân dân, thông qua đó sẽ góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước, niềm tự hào của dân tộc; nhất là trong lớp trẻ để góp phần hăng say xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.