Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH VÀ BỘ SƯU TẬP KỶ VẬT CHIẾN TRANH -tác giả Nguyễn Anh Ngọc

38 năm cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đã lùi xa; đó cũng là 38 năm người cựu chiến binh-thương binh Nguyễn Văn Đổng ở xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường miệt mài gom góp, sưu tầm những kỷ vật gắn bó với người lính trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ xâm lược. Đến nhà ông, chúng ta mới mới hiểu được ý nghĩa nâng niu, trân trọng những kỷ vật của “một thời đạn bom” mà ông luôn trăn trở sưu tầm. Bên cạnh các giá gỗ bày hàng 1.000 cổ vật gốm sứ cổ như bình hoa, bát, đĩa,....Ông giành riêng một gian phòng để trưng bày trang trọng hơn 200 kỷ vật chiến tranh mà ông kỳ công sưu tập trong vòng 38 năm qua; các kỷ vật được sắp đặt khoa học theo từng loại: Ba lô, mũ cứng sao vàng, dép cao su, mũ chống đạn, giày, vải dù, cờ đỏ sao vàng, thắt lưng, võng bạt, bi đông, bát sắt, ca uống nước, rađiô, bút máy, la bàn và cả các đồ dùng (lược chải đầu, ca uống nước, đèn dầu, bình hoa,….) được bàn tay khéo léo của người lính chiến trường tự chế từ những mảnh xác máy bay, pháo sáng, cắt tút đạn của giặc Mỹ. Càng ngắm các kỷ vật càng cảm phục sự sáng tạo mang đầy chất lính, mộc mạc mà chân thành. Đặc biệt đáng chú ý trong bộ sưu tập của ông là chiếc bình hoa đúc từ xác chiếc máy bay F-111 của Mỹ bị bắn rơi tại Tiền Châu, Phúc Yên năm 1972, hay chiếc ca có vẽ bộ đội giải phóng quân và dòng chữ “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ...Các hiện vật đều được ông dán nhãn, ghi lại tỉ mỉ những thông tin (như tên người lính từng gắn bó với kỷ vật, quê quán, đơn vị từng tham gia chiến đấu hay tên người tặng kỷ vật,..v.v..) một cách rất khoa học, phần nào giúp người xem hình dung và hiểu hơn về ký ức chiến tranh, cùng ý nghĩa lớn lao của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Ông tâm sự “là người lính tham gia bộ đội từ năm 1967 tại Đoàn 2642, tỉnh Long An; đến năm 1971 trong một trận chiến đấu với giặc ông bị thương tật 57% và được đơn vị đưa ra Bắc; và cũng từ sau ngày Đất nước thống nhất năm 1975, ông bắt đầu ấp ủ gìn giữ những kỷ vật một thời đã gắn với ông và cả những sưu tập kỷ vật của đồng đội ông” Cầm từng hiện vật, ông nói: "Mỗi kỷ vật đều ẩn chứa một câu chuyện, đó là chuyện về chủ nhân của nó, có người đã ngã xuống, có người giờ đang âm thầm sống ở một làng quê hẻo lánh. Rồi cả chuyện người lính đã mang chúng từ chiến trường về nhà”. Trải qua cuộc sống bươn chải từ thời kỳ bao cấp sang nền kinh tế thị trường; trong khi nhiều người cất công sưu tầm những món cổ vật gốm sứ cổ có giá trị kinh tế cao thì ông lại miệt mài sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật của “một thời máu lửa”; ban đầu mọi người rất ngạc nhiên nhưng khi hiểu ý định của ông với mục đích gìn giữ những kỷ vật đó để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng, về lòng tự hào dân tộc, về truyền thống đánh giặc giữ nước bất khuất của cha anh, thì ai cũng vui vẻ ủng hộ. Khi chúng tôi hỏi về điều này, ông Đổng tâm sự: “sưu tầm kỷ vật chiến tranh không phải để làm cuộc chơi, mà mục đích tập hợp chúng lại để chúng có ý nghĩa như một minh chứng giúp cho lớp trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đồng thời biết yêu quý hoà bình hơn”. Theo ông sưu tầm được kỉ vật đã khó nhưng tìm hiểu và giải thích lí lịch từng kỉ vật còn khó hơn; vì quá trình này làm cho kỷ vật sống lại và phải “biết nói”. Không chỉ sưu tầm những kỷ của bộ đội ta, ông còn ý tưởng sưu tầm cả những đồ dùng của binh lính Mỹ, để làm phong phú hơn cho bộ sưu tập. Ông Đổng giải thích: “Quá khứ rồi sẽ trở thành lịch sử và chỉ ở trong sách vở, nhưng nếu lưu lại những kỷ vật thì lịch sử sẽ sống động hơn trong lòng thế hệ trẻ’’. Chính vì ý nghĩa lớn lao đó, đã thôi thúc ông vượt qua những khó khăn về kinh tế để sưu tầm gìn giữ các kỷ vật chiến tranh. Phát huy giá trị bộ sưu tập; hy vọng một ngày gần, bộ sưu tập “Kỷ vật chiến tranh” của ông sẽ được giới thiệu đông đảo tới nhân dân, thông qua đó sẽ góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước, niềm tự hào của dân tộc; nhất là trong lớp trẻ để góp phần hăng say xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

NGUYỄN KHẮC KHOAN

DI VẬT CỔ
TRONG ĐỀN NGUYỄN KHẮC KHOAN

                                                                          Nguyễn Anh Ngọc

          Đền thờ Nguyễn Khắc Khoan hay còn gọi là Gia Loan tự ở thôn Vĩnh Mỗ thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc có nét kiến trúc kiểu chữ đinh ( ) gồm 3 gian nhà tiền tế và 1 gian hậu cung được xây dựng trên gò đất hình quy phục (rùa nằm) giữa cánh đồng bằng, hướng mặt ra phía Nam nơi có dòng sông Loan chảy vòng cung bao quanh lấy ngôi đền tạo nên thế lưu thuỷ liên hoàn.
          Theo thuật phong thuỷ vị trí ngôi đền tuy không đủ thêm ba yếu tố thanh long, bạch hổ, chu tước nhưng người xưa đã biết chọn huyền vũ độc lập mà vẫn tạo được phúc trạch, bởi nhà phong thuỷ đã vận dụng gò cao (dương) phía sau lưng làm điểm tựa để mở hướng thuận ra sông Loan (âm), hai yếu tố kết hợp hài hòa sẽ sinh vượng khí bốn mùa. Đó là nét chung trong quan niệm chọn đất dựng nhà của người Việt xưa.
          Bên cạnh các giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh, phong thuỷ, trong ngôi đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ đặc sắc có giá trị nghiên cứu như: Hoành phi, câu đối và Khám thờ khắc phù điêu chân dung tướng quân Nguyễn Khắc Khoan và hai bộ tướng là những tác phẩm tuyệt tác của bàn tay lao động và trí óc sáng tạo được kết hợp với thẩm mỹ, kỹ thuật điêu khắc tài hoa của người nghệ sỹ năm xưa đã thể hiện sinh động đề tài trên chất liệu gỗ sơn son thếp vàng tạo nên sắc độ ngoạn mục, lung linh khi gặp ánh sáng tương phản từ đèn, nến làm tôn lên vẻ đẹp huyền bí, thâm nghiêm nơi thờ tự. Hơn nữa bằng bố cục cân xứng, đường nét tạo hình hài hoà, mềm mại nhưng tinh tế diễn tả được cái thần khí của nhân vật thần linh và ngôn ngữ ca ngợi tố chất anh hùng trước thế cuộc thời đại.
          Để từng bước hình dung và cảm nhận vẻ đẹp của Ngôn ngữ - Mỹ thuật qua các di vật cổ đặc sắc trong ngôi đền, người viết sắp xếp trình bày theo hai nhóm giá trị tiêu biểu sau:
          Nhóm Văn tự: Bên cạnh các thần tích, sắc thần (giấy) hiện trong đền còn lưu giữ hai bức Hoành phi và đôi Câu đối cổ bằng gỗ được chạm khắc lối chữ chân khoáng đạt, bay bổng và phụ hoạ với các nét trang trí hoa văn triện uyển chuyển, lấp lánh trong sắc thái sơn son thếp vàng truyền thống.
          Bức thứ nhất: Hoành phi đề bốn chữ Hán “Thiên hạ anh hùng” treo trang trọng ở gian giữa nhà tiền tế. Nội dung ngôn ngữ ca ngợi anh hùng thiên hạ Nguyễn Khắc Khoan tự xưng là Thái Bình trong thời thập nhị sứ quân (945-967) được các nghệ sỹ năm xưa chạm nổi nét chữ chân tinh tế, kết hợp với hoa văn chạy triện xung quanh bốn góc vuông tạo nên bố cục cân xứng, hài hoà, đồng thời tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm thờ tự.
          Bức thứ hai: Hoành phi có đề ba chữ Hán “Tối linh từ” nghĩa là ngôi đền linh thiêng, luôn bảo trợ phù hộ dân làng được treo ở chính giữa hậu cung, nơi đặt Khám thờ khắc phù điêu chân dung tướng quân Nguyễn Khắc Khoan.
          Ở phía dưới bức hoành phi treo đôi câu đối dọc hai bên hàng cột tiền hậu cung, mỗi vế đối gồm mười một từ, có thanh điệu bằng trắc.
          Vế mở: “Ngô vương kỷ dĩ hậu thiên biên dư niên vu kim”
               đối: “Nguyễn Gia Loan tri giang thập nhị sứ quan kỳ nhất
Tam dịch:     Ngô Vương Xí lấy khí tiết của trời đến nay còn chưa hết
                   Nguyễn Gia Loan biết việc nước mười hai sứ quân trông mong là một
Qua các dòng Hán tự ngắn gọn, xúc tích trên như chuyển tải được cái tinh tế trong sáng của ngôn từ ca ngợi thân thế, sự nghiệp của tướng quân Nguyễn Khắc Khoan trước bối cảnh lịch sử, xã hội phân tranh; đất nước bị chia cắt thành mười hai sứ (945-967) nhưng ở góc độ nào đó trong xã hội vẫn có thể ghi nhận công lao đóng góp của ông đối với công cuộc xây dựng dải Tam Đới rộng lớn, mà huyện Yên Lạc là một bộ phận của vùng đất cổ đó; và đồng thời đứng bên cạnh các giá trị về minh văn là sự góp mặt của người nghệ sỹ năm xưa đã thể hiện rất thành công trong tác phấm Văn tự kết hợp với yếu tố Mỹ thuật để làm nên tác phẩm tuyệt tác, qua đó có thể nói rằng các nghệ sỹ vừa là nhà điêu khắc tài hoa nhưng lại rất đỗi uyên bác về thư pháp.
          Nhóm mỹ thuật gồm 3 bức phù điêu.
          Bức thứ nhất: Phù điêu chân dung Nguyễn Khắc Khoan được tạc ngồi trong khám thờ có chiều cao khoảng 80cm. Đầu đội mũ xung thiên, khuôn mặt vuông, mắt én, mày ngài, đôi tai dài phúc hậu, thân mặc áo gấm in long vân, ở ngực thêu ô vuông có hình kỳ lân, bụng thắt đai có hoạ tiết rồng, mặt nguyệt. Tay phải cầm hốt bài (lệnh), tay trái đặt hờ trên đầu gối, chân đi hia. Ngắm tư thế tướng quân ngồi ung dung, tự tại trên long ngai chạm hình lưỡng long chầu nguyệt. Ở các đường nét chạm chân dung, rồng chầu được các nghệ sỹ xưa kia thể hiện tinh tế ở từng chi tiết nhỏ tạo nên cho bức chạm sinh động, hấp dẫn gợi cho người xem cảm nhận tướng quân như linh thần biểu tượng qua sức mạnh của đôi rồng ẩn mình, vươn đầu ra từ đám mây nước cuộn nổi gợi cho người xem liên tưởng tới bức tranh “long vân tụ hội”. Ở đường diềm trang trí đỉnh khám thờ có chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt và hoạ tiết hình triện được cách điệu trang trí hai bên diềm cánh. Toàn bộ chân dung và khám thờ được người nghệ sỹ năm xưa quét lớp sơn then, son rồi thếp vàng quỳ tạo cho bức chân dung lunh linh huyền ảo trước ánh sáng chợp chờn của ngọn đèn nến.
          Bức thứ hai: Phù điêu quan võ có tên là Ôn Nhời tướng quân (theo thần tích) được tạc đứng trong khám thờ có chiều cao khoảng 65cm được đặt thờ ở bên phải lối cửa ra vào hậu cung. Chân dung quan võ đầu đội mũ giáp trụ tròn, khuôn mặt nghiêm nghị, thân mặc hai lớp áo, lớp trong dài quá gối, lớp ngoài áo giáp ngắn có dạng tròn che trước ngực, ở cả hai lớp áo đều có điểm hoa văn gợn nởi, bụng thắt đai bệ vệ, tay phải cầm trường đao dựng đứng theo thân mình, tay trái đặt lên trước ngực như thể hiện lòng trung thực. Chân trái co, chân phải duỗi như đặt cả trọng tâm cơ thể lên cuồng mây cuộn nổi được các nghệ sỹ điêu khắc chạm bong nổi nhịp điệu, khoẻ khoắn cho cả bố cục.
Bức thứ ba: Phù điêu quan văn có tên là Nhẹ Nhời quân sư (theo thần tích) được tạc trong khám đặt thờ ở bên trái lối cửa ra vào hậu cung. Ở bức chạm này về cơ bản được tạc giống hình tượng tướng quân Ôn Nhời ở các chi tiết nét mặt, trang phục, thần thái,...và chỉ khác ở chi tiết tay trái cầm trường đao, tay phải đặt lên trước ngực thể hiện lòng tôn kính và trung thực với bề trên. Chân phải doãi, chân trái co lên đặt trên một đám mây cuộn nổi với các đường lượn mềm mại nhưng tạo mảng khối chắc khoẻ cho cả bố cục tạo hình. Xung quanh các diềm trang trí khám thờ có chạm nổi hình rồng và chữ triện.
Dưới góc độ mỹ thuật ba bức phù điêu sơn son thếp vàng chân dung tướng quân Nguyễn Khắc Khoan cùng hai bộ tướng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc trong dòng mỹ thuật dân gian Việt Nam. Ở nó có sự kế thừa và phảng phất phong cách thể hiện các bức chạm gỗ và sơn thếp ở đình Thổ Tang (tk XVII) và có nét tương đồng với các bức chạm gỗ văn quan, võ tướng bài trí trong đền Thính (xã Tam Hồng). Trên cơ sở nghiên cứu mỹ thuật thời Nguyễn và một số di vật thờ tự hiện còn lưu giữ trong đền có thể phỏng đoán ba bức phù điêu có niên đại vào khoảng thể kỷ XIX (?).
Từ hai nhóm giá trị tiêu biểu trong Đền thờ Nguyễn Khắc Khoan như gợi mở nội dung ẩn chứa các giá trị lịch sử, văn hoá tâm linh thật truyền cảm. Nếu như người xem cảm nhận ở mảng Văn tự là ngôn ngữ chuyển tải tới người đọc bằng sự ghi tạc thân thế, sự nghiệp và ngợi ca người anh hùng Nguyễn Khắc Khoan qua các bức Hoành phi, câu đối thì ở mảng Mỹ thuật lại lấy ngôn ngữ tạo hình để mô phỏng chân dung qua mảng khối, đường nét theo cảm nhận, suy tưởng để phác hoạ nên hình ảnh tướng quân có thần thái, oai phong lẫm liệt, để người đời chiêm nghiệm và thể hiện lòng ngưỡng mộ. Hai giá trị trong một di tích tuy là những mảng thể hiện theo ngôn ngữ rất riêng nhưng cùng đồng nhất thần bí, tôn vinh sự nghiệp anh hùng của tướng quân Nguyễn Khắc Khoan.
Như chúng ta thấy trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, kiến trúc ngôi đền có bị đổi thay nhưng các di vật cổ vẫn được nhân dân bảo toàn gìn giữ như một giá trị bất biến của linh hồn gắn kết với ngôi đền, gắn kết với dân làng, mong cầu “Quốc thái dân an”. Đó là cái làm nên nội dung văn hoá tâm linh đặc sắc mà ít nơi có được, và cũng chính từ những giá trị trên ngôi đền đã được UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.
Điều đặc biệt quan tâm hơn nữa khi nghĩ tới các di vật cổ có giá trị tiêu biểu trong ngôi đền là vấn đề quản lý bảo tồn; bởi hiện nay vị trí ngôi đền nằm giữa cánh đồng vắng, ngay bên cạnh đường liên huyện, việc quản lý trông nom còn mỏng và thưa thớt, nên chăng các cơ quan quản lý văn hoá ở cơ sở và chính quyền địa phương cần có phương án bảo vệ di tích và đặc biệt là các di vật cổ có giá trị nghiên cứu, bảo tồn. Để trong tương lai không xa, đền thờ Nguyễn Khắc Khoan sẽ là địa chỉ đỏ nằm trong tam giác gắn kết với Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu - Chùa Biện Sơn thành một quần thể di tích hấp dẫn các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, mỹ thuật và khách tham quan du lịch về vùng đất Yên Lạc nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung./.
                                                                                                                                                                            NAN

Năm 2012 - Nữ tướng Lê Ngọc Trinh

Phần I
SỰ TÍCH DANH TUỚNG LÊ NGỌC TRINH  (20 - 43 Sau CN)

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
(Hồ Chí Minh)

Chuyện xưa kể rằng: Vào những năm đầu công nguyên, ở làng Lũng Ngòi (nay là Lũng Ngoại, xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) có vị tổ 3 đời dòng họ Lê vốn quê gốc xứ Hải Dương lên định cư. Thời đó đất Kinh Môn chìm trong binh lửa tàn phá, ông tổ họ Lê chuyển lên làng Lũng Ngòi định cư làm nghề bốc thuốc chữa bệnh. Đến đời con trai ông là Lê Quang sinh được 2 người con trai. Một người là Lê Định, năm 23 tuổi sau khi lập gia đình lại trở về quê cũ sinh sống, giữ cơ nghiệp tổ tông; còn người con thứ là Lê Hoàn kết duyên với bà Nguyễn Thị Tấn người gốc ở xóm Ngòi. Ông làm nghề bốc thuốc, bà làm ruộng; hai ông bà là người sống có đạo đức lấy nhân nghĩa làm trọng, luôn giang tay giúp đỡ người nghèo quanh vùng, coi mạng người là quý mà không ham lợi nên mọi người đều kính trọng gọi là ông lang Lũng Ngòi.
          Vào một buổi chiều trên đường đi hái thuốc về, vợ chồng ông Lang ngồi nghỉ chân bên đầm sen ở Đàm Luân. Lúc đó trời đã sang quá chiều, cánh đồng lúa trải dài xanh ngát tới tận chận trời, gió đưa hương lúa, hương sen thơm ngát; những bông sen đua sắc thắm hồng xoè cánh phô nhị vàng khẽ lay động, mấy chú chim chích bông nhỏ xíu nhảy nhót trên những bông sen, làm lay động làn nước lấp lánh ánh chiều vàng. Lê Hoàn và vợ say mê trước khung cảnh đẹp thơ mộng, bịn dịn không nỡ cất bước. Ông thở dài và nói: " Giang sơn Âu Lạc ta thật gấm vóc, tiếc rằng bao lâu nay bị giặc ngoại xâm giày xéo tang thương ". Nghe lời ông nói, trong lòng bà vẫn biết ông có tâm sự nên chỉ nói: "Ông ạ, tối mãi cũng có lúc sáng, mưa mãi cũng có lúc nắng; biết đâu đến đời con chúng ta lại được thấy những sự đổi thay huy hoàng đó ". Bà nói xong lại chợt buồn vì nghĩ đến chuyện con cái; bởi vợ chồng làm bạn với nhau kể cũng đã lâu thế mà chưa sinh được một mụn con cho vui cửa vui nhà. Bà vừa rứt lời, bỗng trời nổi gió nhẹ, dưới ánh nắng ban chiều vàng như dát mật xuất hiện một đôi chim phượng từ đâu bay tới, trao lượn trên mặt đầm, sắc lông rực rỡ toả sáng quyện vào làn khói lam chiều, rồi lại sải cánh bay đi, chốc lát đã lẫn khuất trong những đám mây trời. Trước cảnh tượng lạ thường, ông khẽ vui: “Chim Phượng xuất hiện, thiên hạ thái bình; gặp chim phượng hôm nay hẳn rằng trời muốn báo cho chúng ta điềm vui mừng gì đây”. Bà thoảng cười, rồi nhìn sang ông nói nhỏ: “Điềm vui gì cũng chẳng bằng có một đứa con cho vui cửa vui nhà ông ạ”.
          Từ lúc gặp đôi chim phượng, về nhà bà Tấn thấy mình thụ thai, đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà sinh đôi được hai con gái. Ông Lê Hoàn vui mừng đặt tên người chị là Lê Ngọc Thanh, em là Lê Ngọc Trinh; dân làng quen gọi hai chị em là Ả Chàng và Ả Chạ.
          Thời gian thấm thót thoi đưa, hai chị em Ả Chàng và Ả Chạ giờ đã trở thành thiếu nữ xinh tươi, toả hương như đoá sen hồng. Lê Ngọc Thanh là chị, dung nhan đằm thắm, nết na hiền dịu, khéo may vá thêu thùa và giỏi việc đồng ruộng; còn Ngọc Trinh trái lại dung mạo sắc sảo, mắt sáng long lanh, môi như hoa lựu, không bao giờ yên chân yên tay, luôn cười nói vui nhộn và thích chơi đánh trận giả cùng lũ trẻ mục đồng. Trong cuộc chơi trận giả, Ngọc Trinh thường được lũ trẻ suy tôn làm thủ lĩnh, rồi chia hai phe để chơi; phe nào thua sẽ phải cống nạp cho bên thắng bắp ngô, củ khoai hoặc kiệu đội thắng trận đi dọc khắp làng.
          Năm Lê Ngọc Thanh 19 tuổi, một viên quan đô hộ người Hán cho người đến mai mối dạm hỏi Ngọc Thanh về làm tì thiếp, nhưng ông bà Lê Hoàn và Ngọc Thanh không thuận tình. Mấy hôm sau, viên quan đô hộ liền cậy thế cho lính đến bắt nàng về dinh sở. Từ ngày bị ép làm tỳ thiếp, Ngọc Thanh buồn phiền, ngày càng sinh bệnh vài tháng sau qua đời. Ông bà Lê Hoàn căm giận kẻ ngoại xâm thống trị ức hiếp dân lành, xót thương con gái ra đi ở tuổi xuân nên uất ức mang bệnh nặng rồi lần lượt qua đời. Trước khi lâm chung, Lê Hoàn cầm tay Ngọc Trinh căn dặn: "Con có tố chất anh hùng, không như hạng nhi nữ thường tình. Vì nước mất nên nhà mang nhục, con hãy ghi nhớ thù nhà, nợ nước phải trả".  
Sau ngày an táng cha mẹ. Ngọc Trinh sang ở cùng gia đình ông cậu; nhưng trong lòng không nguôi nhớ cha mẹ và chị cùng lời cha dặn lúc lâm chung. Hàng đêm dưới ánh trăng sao, Ngọc Trinh thường cùng trai tráng trong làng say mê luyện tập võ nghệ, ai cũng mong muốn một ngày được cầm gươm giết giặc. Một lần Ngọc Trinh đem chuyện hỏi ông cậu: “Kết bạn với người tuấn kiệt, anh tài rồi chiêu binh, luyện võ dựng cờ khởi nghĩa chống chống phu chống thuế cho dân làng, giặc đến thì đánh đuổi, việc đó là quan trọng nhất trong lúc này phải thế không cậu ? ". Ông cậu đáp: “Ý chí của cháu rất tốt, nhưng cần phải có sự chuẩn bị tốt; nếu không bước vội thì vấp, cháo nóng ăn ngay sẽ bị bỏng. Vả lại quân cần có lương, có lương mới đánh được lâu dài. Hơn nữa có lương cũng chưa đủ, lại nên chia quân thành đội ngũ, hiệu lệnh nghiêm minh, kỷ cương chặt chẽ, có thế mới tránh khỏi là quân ô hợp. Như vậy chúng ta không nên ham luyện tập mà lơi lỏng việc cày cấy, lại nên cử các đầu lĩnh, đội ngũ rõ ràng, cháu nghĩ thế nào ?". Lê Ngọc Trinh vui mừng đáp rằng: "Lời cậu dạy bảo làm cháu sáng ý ra nhiều. Bởi lúc này nghĩa binh chúng ta còn mỏng, lương thực còn ít, ta nên giữ kín hình tích, khỏi bị giặc Hán dẹp non  phải không cậu".
          Một chiều cuối thu, những cơn gió heo may mơn man trên ngọn cỏ, những bông lau trắng muốt khẽ bay như những hàng cờ trước gió. Ngọc Trinh viếng phần mộ cha mẹ và chị ở đồng Ngoài (), xúc động nén giọt nước mắt, Ngọc Trinh nghẹn ngào: "Ở dưới suối vàng, cha mẹ hãy về phù hộ giúp sức cho con sớm diệt kẻ thù, cho thỏa chí nguyện của cha mẹ và rửa hờn cho chị ". Khấn xong, nước mắt ướt nhoà đôi gò má. Chợt từ những bui cây phía sau có tiếng chân bước; Ngọc Trinh ngoảnh lại, thấy ông cậu đang tới, theo sau có hai người lạ mặt. Ngọc Trinh vội gạt nước mắt thì một người lạ mặt đã nói: "Thù nhà nợ nước, khóc có ích gì. Nước mắt đuổi sao được giặc ?". Ngọc Trinh nhìn người vừa nói, thấy người ấy đã đứng tuổi, mặc áo vải thô rách vai, người thấp và đậm, trán dô, miệng rộng, mắt sáng quắc. Đứng bên cạnh người đó là một người trẻ tuổi, gương mặt gầy gò, vai đeo một bọc nhỏ, lưng thắt dây thừng có gài con dao ngắn. Ngọc Trinh lễ phép cúi đầu chào rồi nói: "Tráng sĩ nói rất phải. Chẳng qua là lòng con nhớ cha mẹ nên mới có những giọt nước mắt ân tình. Các tráng sĩ tới đây gặp tôi, chắc hẳn có điều gì muốn trao đổi ". Hai tráng sỹ chưa kịp trả lời thì ông cậu đứng bên cạnh mới lên tiếng mời mọi người về nhà, cùng bàn việc.
          Dưới ánh sáng ngọn đèn dầu leo lắt cháy trong ngôi nhà tranh, vách nứa, bốn người ngồi uống trà bàn chuyện lúc to, lúc nhỏ. Lúc này Ngọc Trinh mới biết danh tích hai tráng sỹ lạ mặt, người nhiều tuổi là Nguyễn Hiển; còn người ....Hai tráng sỹ là những người có tài chí, thường ngày làm nghề chở đò dọc sông Hồng nên họ biết tin có một đoàn thuyền lương của giặc sắp đi từ sông Đáy ra sông Hồng tiếp tế cho đồn binh giặc ở ngã ba Hạc, nên đến bàn với Ngọc Trinh việc cướp lương thảo. Sau đó ta sẽ thừa thắng dựng cờ khởi nghĩa, rào làng đắp lũy, ra mặt chống giặc. Ông cậu nói: "Từ chuyện cướp lương thực ra chuyện khởi nghĩa, đó là việc lớn không dễ coi thường, chúng ta phải bàn cho kỹ mới được; bởi lúc này tình thế nhiều cuộc khởi nghĩa sôi sục lắm, nhưng vừa rồi Đặng tướng công chủ trưởng châu Bạch Hạc bị giặc sát hại vì đồng mưu với Thi Sách lật đổ nền đô hộ”. Ngọc Chinh liền thưa “Không khởi nghĩa, người dân vẫn bị giặc bắt, nhiều người bị giết; nên ai ai cũng hăng hái một lòng tham gia khởi nghĩa giết giặc, chống áp bức". Mọi người bàn bạc hồi lâu, rồi quyết định thừa dịp này tiến hành khởi nghĩa trong vùng, cướp lương giặc để gây thanh thế, bắt tướng giặc lấy máu tế cờ. Sau buổi bàn bạc lập tức Ngọc Trinh cho mời 18 trang chủ kết nghĩa đến cùng họp bàn việc đánh cướp thuyền lương giặc.
          Mấy ngày sau, đúng như lời dự đoán đoàn thuyền lương của giặc đã đến leo đậu ở bến làng Cao. Lúc này dưới sự chỉ huy của Ngọc Trinh, tất cả các cánh quân mai phục bên bờ sông đã sẵn sàng nhận lệnh. Đúng canh ba, gà gáy khi giặc đang say giấc ngủ, Ngọc Trinh phát lệnh nổi lửa, dân binh trên bộ dưới nước cầm dao, gậy, ào ào xông tới vây kín đoàn thuyền giặc, làm chúng không kịp chở tay. Nguyễn Hiển hai tay hai đao nhảy lên thuyền xông thẳng vào bắt sống tướng giặc Lưu Ứng Khâm. Bên ngoài kia Ngọc Trinh đôn đốc dân binh chuyển lương thực lên bờ, còn các bạn chèo giáp chiến với lính Hán. Những người dân Việt bị giặc bắt chèo thuyền lương lúc này cũng tham gia hợp sức với nghĩa quân đánh giết giặc Hán không còn một mống. Giữa lúc trận tổng tấn công giệt giặc, cướp luơng diễn ra; ông cậu từ đại bản doanh Đàm Luân liền dẫn một toán quân tinh nhuệ chặn đường bộ từ Bạch Hạc xuống làng Cao nhằm đề phòng giặc xuống cứu viện. Nhưng chờ mãi đến khi toàn bộ lương thực trên thuyền của giặc đã được dân binh chuyển xong, sau đó các thuyền giặc bị ta đánh chìm hết mà vẫn không thấy bóng quân Hán cứu viện, ông cậu mới rút quân về trại.
          Sáng hôm sau, Ngọc Trinh cùng 18 chủ trang trại làm lễ tế cờ khởi nghĩa, chém đầu Lưu Ứng Khâm lấy máu bôi cờ và bôi mặt trống đồng. Mọi người tôn Lê Ngọc Trinh làm nữ chủ soái, tôn ông cậu là phó soái, đặt trang sở ở Đàm Luân. Theo đó cả một vùng đất rộng lớn thuộc quản lý riêng, không phụ thuộc vào Phủ thái thú nhà Hán.
Nghe tin Lê Ngọc Chinh ở Đàm Luân dựng cờ khởi nghĩa, tên Thái thú Tô Định liền phái đại quân đến đánh dẹp cuộc khởi nghĩa; nhờ sự tập hợp sức mạnh của dân binh và đoán trước được mọi tình thế nên Ngọc Trinh đã cho phục binh đánh giáp một trận, gây tổn thất lớn cho giặc, buộc chúng thua và rút chạy. Sau trận thắng ấy, nhân dân càng thêm tin tưởng và hăng hái ủng hộ cuộc khởi nghĩa do Ngọc Trinh khởi xướng, nhiều trai tráng khắp vùng tới đầu quân góp sức xây thành, đắp luỹ phòng giặc.
          Một hôm Lê Ngọc Trinh tổ chức bàn kế chống giặc với tướng sỹ, ông cậu liền hiến kế: "Trước sau giặc tất sẽ đến đánh ta để dẹp cái lo của chúng. Nếu chúng ta tập trung cả quân tướng vào một nơi, lương thảo dồn một chỗ, có thể bị vây tuyệt đường bên ngoài, bị hãm vào thế cô lập. Nay ta nên tổ chức liên kết với các trang trại xung quanh cùng đào hào đắp lũy. Đàm Luân sẽ như nhị sen, còn các làng xung quanh là cánh sen, một trang bị vây thì các trang khác cùng tiến đánh, như thế mới là kế sách chống giặc lâu dài". Ngọc Trinh khen phải, liền đích thân đi bàn kế liên kết chống giặc với các trang chủ ở trong vùng, các trang chủ đều nhất trí nghe theo. Trước kế liên kết quân sự giữa các trang với nhau, quả nhiên mấy lần Tô Định cho quân tiến đánh Đàm Luân nhưng đều bị trong đánh ra ngoài đánh vào, gây tổn thất lớn cho giặc, buộc chúng phải lui quân.
          Thời đó, các phong trào khởi nghĩa chống giặc diễn ra ở khắp bốn quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), Nhật Nam (Trung Trung Bộ) và Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông, Trung Quốc) gây cho bọn quan lại, đô hộ hoang mang co cụm trong các thành trì.
          Đến đầu năm 1940, Hai Bà Trưng truyền hịch, phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn được nhiều nghĩa quân ở các quận hưởng ứng. Nghe tin đó, chủ soái Lê Ngọc Trinh liền dẫn nghĩa binh về tụ nghĩa được Bà Trưng phong làm Tả tướng quân.
Sau lễ tế cáo trời đất của Hai Bà Trưng tại Hát Môn, Lê Ngọc Trinh cùng các nghĩa binh tiến đánh Tô Định. Lê Ngọc Trinh tài giỏi bày mưu định kế, dũng cảm cùng cánh quân quân lập nhiều công trạng. Tướng quân Lê Ngọc Trinh một mình, một ngựa rong ruổi khắp Giao Chỉ, lấy cờ thêu chim phượng làm cờ hiệu, vó ngựa tới đâu, giặc tan tới đấy. Một vùng lưu vực các sông Lô, Đáy, Hồng,...đều sạch bóng giặc, hàng chục thành lũy quy thuộc về nghĩa quân. Sau những chiến thắng vang dội, Ngọc Trinh được Trưng nữ chủ phong Đại tướng quân và ban khen tám chữ vàng " Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần " cùng một chiếc trống đồng làm lệnh. Không bao lâu, các mũi tiến quân do Hai Bà Trưng chỉ huy tiến đánh Luy Lâu thủ phủ cuối cùng của 65 thành trì chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ bị hạ; tên Thái thú Tô Định và tàn quân chạy bán sống, bán chết về nước một cách nhục nhã.
          Đất nước sạch bóng quân thù, Bà Trưng lên ngôi vua xưng là Trưng Vương, đóng đô kỳ ở Mê Linh. Trưng Nữ Vương ra lệnh miễn thuế khoá cho dân, xóa bỏ chế độ lao dịch, phu phen, cống nạp và binh pháp cũ. Đồng thời Trưng Vương còn phong tước cho những người có công, giao quyền cai quản các huyện và chia các tướng lĩnh đi trấn giữ các vùng trọng yếu. Đại tướng Lê Ngọc Trinh được phong tước Ngọc Phượng công chúa, đại bản doanh đóng ở Đàm Luân (khu vực Lũng Ngoại, Hoà Loan ngày nay).
          Đất nước thanh bình chưa được bao lâu. Năm 43 Hán Quang Vũ sai Mã Viện làm chủ soái, Lưu Long làm phó soái dẫn 2 vạn binh mã và hàng nghìn thuyền chiến sang phục thù. Tiến vào đất Lĩnh Nam, Mã Viện hạ lệnh cho phó soái Lưu Long đích thân đem quân tiến đánh đồn trại Đàm Luân, và dặn rằng: "Người phải gắng sức, vì thành Đàm Luân là cái lá chắn bên sông vùng đồng bằng phía Tây và Nam Mê Linh, che chở các đồn trại thành lũy trung tâm của Trưng tặc. Phá được Đàm Luân, ngươi tiến quân thật nhanh về Mê Linh, hợp với ta từ Lãng Bạc dồn về, ắt Trưng tặc phải nguy khốn!". Lưu Long vâng lệnh điểm quân mã rầm rộ tiến đánh Đàm Luân bất ngờ. Hai quân giáp chiến từ lúc sáng sớm cho mãi sang chiều mà không phân thắng bại, trống đồng vẫn giục vang trời, giáo đâm dao phạt. Nữ tướng Ngọc Trinh một mình một ngựa tả xung hữu đột, quyết phá trận giặc. Càng đánh dũng khí Nữ tướng càng mạnh, chiến mã hí vang, dựng bờm tung vó. Giặc khiếp hãi oai thần phải rạt sang hai bên không tên nào dám lại gần. Tiếng trống đồng nổi lên oai hùng thúc giục, cờ phượng dương cao tám chữ vàng, quân Nam cùng hô một tiếng dậy đất vang trời tiến lên giết giặc. Tướng giặc Lưu Long giáp đẫm mồ hôi, mặt như chàm đổ, vội hô quân tháo chạy về bản doanh bên kia sông Đáy (thuộc vùng Sơn Đông, Triệu Đề huyện Lập Thạch ngày nay).
          Sau trận thất bại thảm hại của tướng giặc Lưu Long, đích thân lần này tên tướng lão luyện trận mạc Mã Viện kéo đại quân đến đánh Đàm Luân; Đại tướng quân Lê Ngọc Trinh chỉ huy cầm cự với quân Mã Viện ròng rã suốt năm trời, giặc không sao tiến đánh vào được nội địa. Mã Viện bị vua Hán Quang Vũ gửi thư quở trách. Hắn liền họp với các tướng lĩnh bàn kế phá cửa ải Đàm Luân. Mã Viện cho rằng dùng đại quân không thể thắng Lê Ngọc Trinh được, nên mới nghĩ kế nghi binh, cho quân rút hết ra vòng ngoài.
          Trong khoảng ba tháng không thấy giặc quấy nhiễu nên việc canh phòng của dân binh ở Đàm Luân có phần nơi lỏng, chủ quan. Một chiều mùa hè, Lê Ngọc Trinh đang tắm ở đầm sen, chợt có tin cấp báo quân giặc bất ngờ tập kích. Ngọc Trinh chỉ kịp mặc áo mỏng, cầm gươm lên ngựa ra giao chiến. Giặc dùng nỏ bắn tên như mưa về phía tướng quân Ngọc Trinh. Nữ tướng múa kiếm tả xung hữu đột, giết giặc; kiếm gẫy bà liền cởi dải dây lưng buộc đá đánh giặc nhằm khống chế để chờ các cánh quân ứng cứu. Lúc này tên tướng già Mã Viện đã đích thân chỉ huy vây kín các ngả đường, chia đánh nhiều mũi nhỏ, cắt xén trận địa quân ta làm nhiều mảnh. Quân ta bị chặn đánh khắp nơi không ứng cứu căn cứ Đàm Luân được. Tên tướng Mã Viện xông thẳng vào nơi Lê Ngọc Trinh bị vây hãm, thấy nàng quả là tiên nữ giáng trần, hai tay múa kiếm, khí phách anh hùng. Mã Viện bất giác cũng sinh lòng kính phục liền thét quân phải tìm cách bắt sống. Trước thế giặc mạnh như vũ bão, quân ta tan dã, Đại tướng Lê Ngọc Trinh bị thương nặng, biết đại sự đã hỏng liền ngước lên trời than rằng: "Cha mẹ thấy chim phượng ở đầm sen mà sinh thành ra ta, nay ta lại gửi thân ở Đầm Sen này", nói đoạn bà liền trẫm mình xuống đầm sen tuẫn tiết.
*Bài trích trong sách của tác giả Nguyễn Anh Ngọc.

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

NĂM RỒNG NÓI CHUYỆN TỲ HƯU

                                                                  
          Nguồn gốc Tỳ Hưu bắt nguồn từ những bí mật trong hoàng cung rồi dần truyền ra dân gian Trung Quốc cách ngày nay mấy thế kỷ; còn ở Việt Nam vật linh (Tỳ Hưu) này cũng chỉ được du nhập rõ nét nhất vào khoảng một thập niên trở lại đây, nhưng phổ biến được giới sành chơi (kinh doanh, nhà giàu,..) truyền tai nhau dùng bài trí trong nhà, văn phòng làm việc hoặc gắn trên mặt nhẫn, dây chuyền với ý niệm chiêu tài-tiến bảo cho thân chủ. Thế nhưng Tỳ Hưu là gì? nguồn gốc và ý nghĩa của vật linh này ra sao thì ít người rõ, hoặc có hiểu cũng đôi chút mà thôi.
          Theo truyền thuyết Trung Quốc, Tỳ Hưu là một trong chín con của Rồng sinh ra nhưng không giống rồng, nếu có giống cũng chỉ đôi nét nhỏ, thứ tự tên gọi các linh thú như sau:
          Tỳ Hưu (tên gọi khác là Tu Lỳ): có đặc điểm đầu giống Kỳ Lân, có một sừng hoặc hai sừng, thân gấu trắng, có cánh trên lưng, thường đứng ở tư thế cuộn tròn, há miệng, lưỡi cong, răng sắc nhọn, thân không có hậu môn. Tỳ Hưu một sừng được coi là giống cực kỳ hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu ma (dùng trấn tà); loại hai sừng có tên gọi là khác là Tu Lỳ, sở thích chuyên ăn vàng, bạc, châu báu trong trời đất nên được coi là vật linh chiêu tài-tiến bảo cho người dùng.
          Nhai Xế (Nhai tí): loài mình rồng, đầu chó sói, cương liệt hung dữ, khát máu hiếu sát, thích chém giết chiến trận. Vì thế Nhai Xế được khắc ở thân vũ khí: ngậm lưỡi phủ, lưỡi gươm đao, trên vỏ gươm, chuôi cầm khí giới để thêm phần sát khí.
          Trào Phong: có thân phượng, có thể hóa thành chim, đặc điểm thích sự nguy hiểm, nhìn ra vọng rộng. Do đó Trào Phong được tạc ngồi trên nóc nhà, đầu mái nhà nhìn về phía xa.
          Bồ Lao: thích tiếng động lớn, âm thanh vang dội, vì thế quai chuông khắc hình Bồ Lao hai đầu quay ra hai bên ôm chặt quả chuông.
          Toan Nghê: hình thù giống sư tử, thích khói lửa, mùi thơm, nuốt khói phun sương. Do đó Toan Nghê được khắc trên các lư hương, đỉnh trầm, ngồi trầm mặc trên đỉnh hay bám hai bên.
          Bí Hí (còn gọi là Quy Phu): giống con rùa, thích mang nặng, có thể cõng được tam sơn ngũ nhạc không bao giờ mỏi. Vì thế Bí Hí cõng bia, trụ đá, nhiều người nhầm với rùa.
          Bệ Ngạn (Bệ hãn) còn gọi là Hiến chương: như con hổ, thích nghe phán xử, phân định; vì thế Bệ Ngạn được tạc ở công đường, nhà ngục, trên các tấm biển công đường.
          Phụ Hí: mình dài giống rồng, thích văn chương thanh nhã, lời văn hay chữ tốt. Vì thế Phụ hí tạc trên đỉnh hoặc hai bên thân bia đá.
          Si Vẫn (Li vẫn, Si vĩ): miệng trơn họng to, rất thích nuốt các vật lớn, lại có thể phun nước làm mưa. Vì thế Si Vẫn được tạc trên nóc nhà để phòng hỏa hoạn, khác với Trào Phong là đầu quay vào trong, nuốt lấy xà nhà hoặc bờ nóc.
          Ngoài chín con vật nêu trên; trong một truyền thuyết khác còn giải thích thêm ba linh vật có cùng nguồn gốc với Tỳ Hưu. Đó  là:
          Thao Thiết: sở thích ăn uống, càng nhiều đồ ăn càng tốt. Vì thế được khắc trên các vạc lớn, lại tượng trưng cho việc thu lấy tài lộc giống Tì Hưu.
          Công Phúc có tên khác Bát phúc, Bát hạ): thích nước, nên được khắc tạc ở chân cầu, đê đập, cống nước để canh giữ.
          Tiêu Đồ (Thúc đồ, Phô thủ): đầu giống sư tử, thích sự kín đáo yên tĩnh. Vì thế được tạc ngoài cửa, ngụ ý giữ yên cho ngôi nhà. Đầu Phô Thủ ngậm thêm cái vòng để khách đến dùng nó mà gõ.
          Như vậy trong mười hai con vật có cùng nguồn gốc với Tỳ Hưu, chúng ta thấy ở hình tượng mỗi con, dân gian lại gán cho nó một đặc điểm, tính cách và tác dụng khác nhau, nên người dùng cũng dựa trên các đặc điểm đó để dùng cho phù hợp như trang trí trên nóc nhà, cửa cổng, bia đá, quả chuông, gươm kiếm..v.v..
          Trong giới hạn bài viết, tác giả xin trở lại giải thích vài nét về linh vật Tỳ Hưu qua  nguồn gốc, hình tượng, và ý niệm cát tường trong dân gian.
          Tỳ Hưu có đặc điểm đầu giống Kỳ Lân, miệng dài và rộng, lưỡi cong, răng sắc nhọn, đầu có một sừng hoặc hai sừng, thân gấu trắng, có cánh trên lưng, thân không có hậu môn. Tỳ Hưu một sừng chỉ có tác dụng trấn trạch, trừ tà vì nó được là giống cực kỳ hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu ma; loại hai sừng có tên gọi là Tu Lỳ, sở thích chuyên ăn vàng, bạc, châu báu trong trời đất nên được dân gian ưa dùng để chiêu tài-tiến bảo.
         
          Vì sao Tỳ Hưu không có hậu môn? dân gian giải thích Tỳ Hưu là con thứ chín của Long Vương, thức ăn của nó là kim ngân, châu báu, vì thế toàn thân nó toát lên bảo khí một cách tự nhiên, cho nên Ngọc Hoàng ưa thích Tỳ Hưu hơn cả cóc vàng. Được sống trên Thiên đình, Tỳ Hưu ăn nhiều nặng bụng cho nên có lần nó đã đi bậy khiến Ngọc Hoàn tức giận cho nó một cái tát vào mông, khiến cho hậu môn của nó bị bịt kín lại, từ đó kim ngân châu báu nó ăn vào và không thể ra. nên dân gian tin rằng nó chính là vật chiêu tài tiến bảo
          Tại sao Tỳ Hưu phải được tạc bằng đá ngọc quý mới linh nghiệm, vì theo người Trung Hoa, chữ vương có một dấu chấm thành chữ ngọc; hiểu nghĩa là ai dùng ngọc sẽ là người vương giả giàu sang.
          Hướng đặt phong thuỷ: Tỳ Hưu phải được đặt trên cung tài lộc của gia chủ, và hướng mắt ra ngoài để cho nó ăn vàng bạc trong trời đất, nếu đặt ngược lại nó sẽ ăn hết của cải trong nhà gia chủ. Nếu đã đặt trong nhà, thì nên đặt một đôi, con đực tượng trung cho tài vận (vận tiền tài), con cái tượng trưng cho tài khố (kho tiền) vì quan niệm có tiềng thì phải có kho để lưu trữ. Còn nếu đeo trên người (mặt dây chuyền hoặc nhẫn) thì nên chọn một con, tránh đeo hai con vì chúng sẽ đánh nhau không tốt cho người dùng.
          Điều đặc biệt là kiêng kỵ không được chạm vào miệng Tỳ Hưu, vì làm như thế nó sẽ hút hết tài lộc của người sờ. Tuy nhiên để phát huy tác dụng, mỗi ngày, gia chủ cần xoa chơi một lúc nhằm đánh thức linh vật dậy, vì dân gian tin rằng “xoa đầu Tỳ Hưu một cái vận trình thịnh vượng, xoa tiếp một cái tài vận cuồn cuộn, xoa ba cái bình bộ thanh vân”. còn nếu gia chủ không đánh thức Tỳ Hưu sẽ ngủ triền miên, không phát huy tác dụng như ý.

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

HÌNH TƯỢNG RỒNG TRONG ĐIÊU KHẮC
ĐÌNH LÀNG VĨNH PHÚC

                                                                                        

          Nằm trong nghệ thuật điêu khắc đình làng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, đình làng Vĩnh Phúc (từ TK XVII-XIX) có một vị trí đặc biệt, nơi lưu giữ mảng đề tài điêu khắc gỗ phong phú, đặc sắc; hầu như trên các thành phần kiến trúc như bức cốn, ván nong, cái kẻ, chiếc bảy, con rường,...đều được nhà điêu khắc xưa trang trí làm mềm mại và đẹp hơn cho phần kết cấu kiến trúc vốn cứng cáp, thô mộc. Bên cạnh đề tài mô phỏng cuộc sống thường nhật của người dân lao động như: Gia đình hạnh phúc, Lễ hội xuống đồng, Đi săn về, Đến hát nhà quan, Đấu vật, Đua thuyền, Đá cầu...Còn có các đề tài trang trí Tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), Tứ linh (long, ly, quy, phượng); trong đó hình tượng Rồng luôn được đề cao và chú ý khắc hoạ nổi bật hơn trong các mảng đề tài trang trí kiến trúc đình làng; bởi xuất phát từ quan niệm dân gian Rồng mang biểu trưng của sức mạnh vũ trụ, với uy quyền “mưa thuận, gió hoà” mang đến cho cư dân nông nghiệp lúa nước mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, sung túc.
          Từ các ngôi đình làng có mặt sớm ở Vĩnh Phúc như Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường (Bình Xuyên), Thổ Tang, Bích Chu (Vĩnh Tường) đến các ngôi đình có niên đại muộn hơn như Đình Nam, Hoà Loan, (Vĩnh Tường), Đồng Văn (Yên Lạc), Đình Chu, Sen Hồ (Lập Thạch),.v.v..Chúng ta có thể thấy số lượng mảng nghệ thuật trang trí Rồng khá nhiều, hình như hình tượng rồng không thể thiếu trong ý tưởng trang trí của các nhóm thợ làm đình; và thông qua sáng tác các ý tưởng nghệ thuật luôn được đề cao qua nội dung thể hiện như: Phụ nữ cưỡi Rồng, Rồng mẹ con, Rồng mẹ dạy con đi mây về gió, Rồng hút nước, Cá hoá Rồng..v.v..Qua đó cho thấy, các mảng đề tài chính về hình tượng Rồng trang trí trong kiến trúc đình làng Vĩnh Phúc nằm ở hai dạng. Thứ nhất: đề tài Rồng và con người thường gặp trong trang trí ở những ngôi đình thời Lê; thứ hai: đề tài Rồng và phượng, lân, rùa; hoặc Rồng và cá chép; Rồng và cây thường gặp ở cả những ngôi đình niên đại thời Lê và Nguyễn (tk XVII- XIX). Nói như thế, hình tượng rồng vốn mang biểu tượng sức mạnh siêu tự nhiên và xã hội nhưng trong điêu khắc đình làng hình tượng rồng được các thợ điêu khắc xưa phác hoạ sinh động, linh vật rồng cao xa mà gần gũi với đời sống thực, tất cả được bố cục ngẫu hứng trên các thành phần kiến trúc nhưng lại mang ẩn chứa các cặp phạm trù triết lý âm dương, cùng những khát vọng cuộc sống no đủ hạnh phúc và chinh phục thiên nhiên của cư dân nông nghiệp xưa trên đất Vĩnh Phúc.
          Bức chạm Phụ nữ cưỡi rồng ở đình làng Tiên Canh (Bình Xuyên) là đại diện cho hình ảnh đẹp và cao quý của người phụ nữ - tiên cưỡi trên lưng rồng, đầu đội mũ, khuôn mặt trái xoan, mình cởi trần mặc váy thật gợi cảm; hai cánh tay tròn lẳn giơ lên ngang vai như đang múa. Sự kết hợp khéo léo giữa hình tượng rồng (dương) với tiên nữ (âm) thể hiện khát vọng yêu đương, muôn loài sinh sôi nảy nở theo quan niệm của cư dân lúa nước; nhưng ở một ý nghĩa khác hình tượng rồng mang biểu tượng sự linh thiêng, quyền lực của vua chúa mà người thợ lại khéo léo đặt cô gái-nàng tiên khoả thân ngồi lên mình rồng là điều chế giễu của người nông dân đối với giai cấp thống trị. Nằm chung với mảng đề tài khắc hoạ rồng - phụ nữ, chúng ta còn gặp bức chạm Múa rồng đình Hương Canh (Bình Xuyên) được người thợ xưa chú ý khắc hoạ nổi bật, ở vị trí trung tâm bức chạm là cô gái độ tuổi đôi tám, mặc trang phục mỏng manh đang say sưa trong vũ điệu đầy sức gợi cảm, uyển chuyển bên cạnh hình tượng rồng; đầu rồng nhô nghiêng, bờm râu uốn nhịp, lưng lượn cong như muốn ôm lấy thân hình cô gái; hình tượng này đủ gợi nên ước vọng âm dương hoà hợp, mưa thuận, gió hoà của người xưa.
          Bức “Cưỡi rồng” ở đình Ngọc Canh lại đề cao khát vọng chinh phục thiên của con người qua nội dung diễn tả phối cảnh trung tâm là một con rồng, bên cạnh rồng là một người đội mũ, dáng vẻ quyền quý qua các vật trang sức; bên dưới có một người hầu mình cởi trần, đóng khố đang quỳ, tay giơ lên như muốn nâng đỡ người kia lên lưng rồng. Xung quanh bức chạm là một không gian ước lệ với những đám mây được chạm chổ cách điệu các ngọn lửa hình đao mác bay bổng. Cùng chung với đề tài “Cưỡi Rồng” chúng ta còn gặp trên thân bẩy hiên đình Thổ Tang còn chạm cả một đầu rồng to, mắt mở, miệng há, nanh dài, các râu, ria bay cong vút, chân phải rồng có móng, cầm chặt một chú rồng. Chú rồng con đang ngóc đầu nhìn ngược lên phía trên có ba người; khuôn mặt mõi người rất vui tươi, có hai người đang cầm tay nhau như múa, còn người kia ngồi khoanh chân ngắm nhìn. Toàn cảnh bức chạm vốn tính động lại động hơn, gợi cho người xem như đứng trước một chú rồng mạnh mẽ cùng gia đình kia vừa bay từ chín tầng mây xuống vậy.
          Ngược lại với chủ đề “Cưỡi rồng” ở đình Ngọc Canh, Thổ Tang trên là một bức chạm khác trên đình Tiên Canh, người thợ đục con rường trên thành một con rồng có hình đao lửa, thân mình trơn, không vảy; tiếp đến người thợ đục một người đang ngồi, đầu đội mũ kiểu vương miện, hai tay giang ngang vai, xung quanh có hình đao mác tua tủa; ở phần dọc của bức cốn chạm nổi một đầu rồng miệng phun ngọc, bờm tóc được chạm chổ uốn cong gợi tả như rồng đang bay ngược chiều gió. Qua hình tượng trên có thể thấy bức chạm mang ẩn ý sự đề cao quyền lực của giai cấp phong kiến xưa, mà đại diện cho nó không gì khác ngoài chiếc “vương miện” người kia đang đội trên đầu và hình tượng rồng mạnh mẽ mang biểu tượng quyền lực.
          Bức chạm cảnh “Táng mả hàm rồng” trong đình Ngọc Canh lại thể hiện rõ hơn quan niệm phong thuỷ của người xưa qua khung cảnh gợi tả một chiếc đầu rồng to choán ngợp không gian thực, miệng rồng đang há, mắt mở to, các ria, râu, tóc xoắn hình lưỡi mác hất sang ngang; hai bên có người đang đứng, một người tay cầm một chiếc hộp đưa vào miệng rồng. Hình tượng người trong bức chạm mang nét mô phỏng, không chú ý về tỷ lệ cân xứng, mà vẫn có thể cảm nhận vẻ đẹp, cũng như dụng ý của nội dung miêu tả ước vọng tìm nơi đất cát vượng trong quan niệm phong thuỷ để táng thân chủ gia đình hay dòng họ với hy vọng cầu phúc trạch muôn đời.
          Bên cạnh các đề tài khắc hoạ đặc sắc về hình tượng rồng với con người, là những bức chạm cảnh Rồng trong tứ linh (long, ly, quy, phượng), Cá hoá Rồng, hoặc Rồng hoá trúc,..v.v..là mô tuýp quen thuộc thường gặp trên trang trí các công trình kiến trúc công cộng dân gian Vĩnh Phúc. Tuy nhiên trong đó có những bức chạm khá tiêu biểu như “Tứ linh quần tụ” trên đình Ngọc Canh được nhà điêu khắc xưa phác hoạ chính giữa là hình tượng một con Rồng oai phong đang gồng mình, đầu ngẩng cao, mắt lộ to, các bờm tóc bay ngược về phía sau, miệng há rộng hút ngọn nước cuồn cuộn chảy; trong dòng nước một chú cá chép cong đuôi tung mình nhảy, như cố thoát ra khỏi cột nước đang bị rồng cuốn. Ở phía trên bức chạm phác hoạ hình chim phượng mềm mại, đang sải cánh bay lượn, miệng cắp cuốn sách; phía đối xứng là một khóm sen, ẩn khuất dưới chiếc lá kia là một rùa vàng đang rất bình tâm trước những con nước đang bị Rồng hút cuồn cuộn chảy;  và phía đối xứng bên phải là một chú lân, đầu nghểnh cao trước khung cảnh kỳ thú với bao la sóng nước vần vũ. Bức chạm được người nghệ nhân xưa chạm lộng, bong gợi đường nét bay bổng, tinh tế kết hợp với kỹ thuật sơn son thếp vàng tạo tác phẩm lung linh, huyền diệu trước ánh sáng.
          Ở bức khác miêu tả cảnh “Rồng mẹ dạy con đi mây về gió” được khắc hoạ đẹp với lối bố cục đồng hiện, Rồng mẹ được phác hoạ với chiếc đầu to, các ria, bờm hình lưỡi mác hất sáng hai bên, gợi cảm giác choán ngợp cả không gian thực và ảo, bên dưới có một chú rồng con đang thò đầu ra từ đám mây cuồn cuộn, đầu nghiêng nghiêng như thể đang lắng nghe và thực hiện động tác hướng dẫn của rồng mẹ. Hình tượng rồng mẹ to lớn, bên cạnh rồng con bé nhỏ đủ gợi cho người xem cảm nhận một tình cảm chở che của người mẹ đối với con; hay hình ảnh người mẹ đang dạy con học hành. Bức chạm tuy diễn tả tình cảm mẹ con rồng mà cảm nhận ngỡ như con người vậy.
          Bức chạm “Rồng-Phượng” đình Thứa Thượng (Tam dương) mang ý nghĩa âm dương giao hoà. Phượng (âm) đang trong tư thế bay, đôi cánh sải rộng, hướng nhìn xuống phía rồng (dương). Hình rồng được miêu tả cách điệu qua chiếc đầu to lớn, nhô lên khỏi hình mây lá cách điệu, tay trước rồng bám trên một cuồng mây, các bờm râu uốn lượn bay bổng như gặp gió, miệng rồng ngậm ngọc như thể muốn dâng lên cho chim phượng; hoạt cảnh gợi tả cảnh âm duơng giao hoà, hay cảnh tình yêu nam nữ,...Tất cả đều mang ước vọng mong cầu cuộc sống sinh sôi nảy nở, trời đất mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Nếu như bức chạm Phượng Rồng ở đình Thứa Thượng mang hình ảnh âm dương (nam nữ) giao hoà; thì ở bức chạm đình Hùng Vĩ (Yên Lạc) lại miêu tả cảnh chống thiên tai của người xưa qua hình tượng một con rồng dữ tợn - mang biểu tượng của tự nhiên (mây, mưa, gió...) đang há miệng, gồng mình thổi gió, phun mưa cuồn cuộn chảy; trên cột nước có một chú cá chép (biểu tượng con người) đang gồng mình như đề kháng trước cột nước đang muốn cuốn trào kia. Hình tượng cá chép qua bức chạm là một ẩn ý sâu sắc gợi cho người xem liên tưởng tới sức mạnh phi thường của người nông dân trong phòng chống thiên tai, lũ lụt thường tác động xấu tới cuộc sống và canh tác nông nghiệp.
          Từ các bức chạm rồng mang tính cường điệu hoá, ta lại gặp không ít những bức chạm đơn, thuần phác nhưng ẩn chứa quan niệm về phương hướng, sắc màu qua bốn đầu dư ở đình Nam (Lũng Ngoại-Vĩnh Tường), mỗi đầu dư chạm một đầu rồng dữ tợn với đôi mắt to, miệng há nhe nanh, bờm tóc hất ngược sang hai bên. Điều đáng chú ý là các chi tiết trên bốn đầu rồng lại được tô màu chủ đạo của bốn hướng đông (xanh), tây (trắng), nam (đỏ), bắc (đen) theo quan niệm màu sắc, phương hướng của xưa về kiến trúc xây dựng. Hoặc trên bức cốn đình Hoà Loan lại chạm chổ rồng hoá lá sinh động qua gốc rễ khóm hoa là chiếc đầu rồng, còn phần thân, cành lá, hoa lại diễn tả rất thực như toàn bộ khóm hoa vừa được thoát thân từ thân rồng vậy.
          Điều đặc biệt về hình tượng rồng lại nằm ở bộ cửa võng đình Tiên Canh trang trí dày đặc rồng trên cột, cửa cả thảy có đến hàng trăm con rồng ngắm trông dữ tợn, uy nghiêm với hàng nghìn đao mác tua tủa; phía trên bộ cửa võng người thợ chạm lưỡng long chầu nguyệt phóng đạt, uyển chuyển; qua đây có thể thấy rõ các thủ pháp chạm chổ đã được người thợ phát huy tối đa, kết hợp kỹ thuật với sơn son, thếp vàng truyền thống làm nổi bật chủ đề phản ánh sinh động, lôi cuốn gợi cho người xem cảnh “Quần long tụ hội-thiên hạ thái bình”, hay ước mơ thi cử đỗ đạt của các nho sinh - con em của cư dân nông nghiệp vùng đất Hương Canh xưa.
          Song song với mạch đề tài về hình tượng rồng trang trí trên các đình làng Vĩnh Phúc còn nhiều, song nét chính các đề tài trang trí thường giống nhau; nếu có khác cũng chỉ là đôi chút khác về phong cách thể hiện của từng nhóm thợ làm đình mà thôi; còn hình tượng, nội dung, sự chuẩn mực thì vẫn chung nhất trong một quan niệm của người Việt. Bên cạnh đó, rồng còn xuất hiện ở một số trang trí tiêu biểu như Tháp Bình Sơn, tháp sứ chùa Trò, chùa tháp Kim Tôn (tk XIV), bậc thềm đền đá Phú Đa, đình Hoà Loan (tk XVIII), đao đình Nam-Lũng Ngoại (đầu tk XIX)..v.v..Tất cả cùng góp phần làm phong phú thêm cho hình tượng rồng trên đất Vĩnh Phúc nói riêng và hình tượng rồng Việt Nam nói chung.
          Ngày xuân năm Rồng, nêu vài nét về hình tượng Rồng trong nghệ thuật điêu khắc đình làng Vĩnh Phúc, âu cũng là điều mong muốn năm mới ai cũng được như Rồng bay.


PHÚC LỘC THỌ
Từ dân gian đến chân dung lịch sử
                                                                                                               

Mỗi khi Tết đến Xuân về, mọi nhà thường trang hoàng nhà cửa cho cảnh sắc thêm xuân; bên cạnh những bức tranh Tết, chữ đại tự, câu đối  mang nội dung cát tường, nhiều gia đình còn chú trọng bài trí hình tượng Phúc-Lộc-Thọ.
          Theo quan niệm tín ngưỡng văn hoá dân gian, Phúc-Lộc-Thọ được hiểu nghĩa:
          Phúc (福)  = tốt lành, con đàn cháu đống
          Lộc (禄) = làm quan, hưởng bổng lộc, có địa vị xã hội, tiền của
          Thọ (壽) = sống khoẻ, sống lâu
          Trải qua thời gian, quan niệm về Phúc-Lộc-Thọ không chỉ dừng lại ở thuật ngữ dân gian mà nó còn được tô vẽ, gán ghép với những nhân vật có thực trong xã hội Trung Quốc, tuy ba ông từng giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử nhưng qua phác hoạ chân dung, ba ông đều có cách nghĩ, cách làm, cũng như lối ứng xử khác nhau trong cuộc sống, chính vì lẽ đó mà dân gian ghép nên bộ ba Phúc-Lộc-Thọ để chiêm nghiệm:
Ông Phúc: tên thật là Quách Tử Nghi làm quan đời Đường, ông là vị quan thanh liêm, gia cảnh nghèo túng, thanh bạch. Hai vợ chồng ông bằng tuổi nhau, suốt đời luôn lấy tâm, đức làm việc thiện. Cả gia đình đều quý trọng, thương yêu nhau, trong ấm ngoài êm. Năm ông bà bước sang tuổi 83 thì có chút ngũ đại (cháu đích tôn ở đời thứ năm - quen gọi là ngũ đại đồng đường). Ông Quách Tử Nghi sung sướng quá ôm đứa chút nội trên tay. Ông bà cùng cười lên một tiếng dài rồi ''qui tiên''. Việc ''qui tiên' của ông bà thật là ''nhàn du tiên cảnh''. Người đời ai ai cũng ao ước cuối đời được như ông bà.
Ông Lộc:  tên là Đậu Từ Quân, làm quan đời nhà Tấn. Ông luôn ra sức tìm mọi cách xoay xở cho mình thật nhiều bổng lộc, cuộc đời giàu sang; vẻ bề ngoài trông ông lúc nào cũng oai vệ, bụng to, cân đai xệ xuống. Nhưng về già thì thật buồn thay, năm ông 80 tuổi vẫn chưa có cháu đích tôn để nối dõi tông đường. Dân gian nhìn vào gia cảnh như thế thì cho rằng, làm được nhiều lộc, hưởng không hết vậy để cho ai?
Ông Thọ:  tên là Đông Phương Sóc, làm quan nhà Hán. Ông luôn tìm lời nói thật hay, cử chỉ thật khéo để làm vừa lòng Thiên tử cho nên được nhà vua ban nhiều bổng lộc. Mỗi lần được vàng lụa vua ban, Đông Phương Sóc lại cưới đem về một mỹ nữ. Thê thiếp của ông nhiều vô kể. Có người khuyên bảo ông: “Làm quan đại phu phải lấy lời nói thẳng can vua chứ không nên lấy lời nói đẹp để làm vui lòng vua mà thu bổng lộc''. Ông Sóc cười, nói rằng: Làm quan để có nhiều bổng lộc mà tận hưởng lạc thú. Nếu không, làm quan chi cho mệt xác. Ông Phương Sóc sống lâu đến 125 tuổi, râu tóc bạc phơ, lưng còng hẳn xuống. Đến lúc chết, cháu bốn đời phải thay ông, thay bố mà làm ma chay. Người đời đánh giá sống thọ như thế để  làm gì?
Người xưa đã khéo xếp ba ông lại với nhau cũng là điều hiển nhiên, bởi Phúc-Lộc-Thọ là ba điều mơ ước trong cuộc sống thường nhật của mỗi người, mỗi nhà; tuy nhiên theo đạo lý truyền thống dân tộc thì thời nào cũng vậy, người ta thường cầu Phúc đầu tiên, còn Lộc và Thọ thì biết bao giờ cho đủ. Chẳng thế mà ông Phúc được đặt lên vị trí thứ nhất trong ba vị tam đa. Bởi xuất phát từ quan niệm: có Phúc thì có phần, có phúc đức để lại cho con còn hơn để lại của cải. Suy ngẫm điều răn dạy ấy của người xưa hẳn ngày nay vẫn còn nguyên giá trị./.


         
TỤC NGỮ CA DAO VỀ CON RỒNG                           
                  Đức Quang

          Từ xa xưa những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao,...được hình thành nên từ nếp nghĩ, phép ứng xử của mỗi người trong cộng đồng sinh hoạt, lao động; lâu dần những câu nói được tu từ, gọt rũa để trở thành ngôn ngữ mang nội hàm nói bóng, ví von, so sánh,..nhằm ám chỉ một đối tượng trong mối quan hệ, thay cho lời nói trực tiếp, cụ thể tới đối tượng. Bởi trong quan niệm ứng xử của người Việt xưa “Nói thực thì mất lòng”.
Vậy để đạt được mục đích khen- chê, khuyên- can....đối tượng, mà không sợ nói quá, hay sự phản ứng trực tiếp; người xưa đã mượn hình tượng những con vật ngay trong cuộc sống thường nhật như trâu, bò, lợn, gà, chuột và cả nhưng con vật không có thật như con Rồng để gọt rũa thành những ngôn ngữ, mang nội hàm nói ví theo ngữ cảnh, hoàn cảnh khác nhau của từng đối tượng. Tuy nhiên điều đặc biệt, những ngôn ngữ sử dụng hình tượng (rồng, chó, mèo, lợn,...) trong tục ngữ, ca dao lại phác hoạ khá rõ nét về đặc tính con vật khiến người nghe thoảng cũng thấy vui, nhưng suy ngẫm ý nghĩa thật sâu sắc, thi vị.
Trên cơ sở các câu ca dao, tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, người viết chọn lọc những câu hay về Rồng; kết hợp với ngôn ngữ chủ quan để giải nghĩa từ và câu nhằm ngõ hầu giúp bạn đọc thư giãn với những tiếng cười trào lộng trong ngày xuân.
          Để khen người gặp phải sự may mắn đặc biệt trong cuộc sống, nhất là trong việc kết hôn: Làm trai lấy được vợ hiền/Như cầm đồng tiên mua được của ngon hoặc: Phận gái lấy được chồng khôn/Xem bằng ca vượt vũ môn hoá rồng.
          Chỉ sự gặp gỡ tương phùng trong tình yêu nam nữ như duyên trời đã định trước: Tình cờ ta gặp mình đây/ Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
          Ngụ ý chỉ con nhà ai, giống nhà ấy hoặc ám chỉ sự xuất thân của một người từ thành phần xã hội nào: Trứng rồng lại nở ra rồng/Lưu đưu lại nở ra dòng lưu đưu.
          Quan niệm dân gian của người Việt xưa về quan sát các hiện tượng thiên nhiên (trời, mây, mưa,...) để đoán định việc canh tác nông nghiệp thuận lợi: Rồng đen lấy nước được mùa/Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày. Bởi quan niệm rồng đen cái gọi “vòi rồng” xuất hiện ngoài biển khơi, báo hiệu mưa thuận gió hoà, làm tốt tươi ruộng đồng. Còn rồng trắng báo hiệu thời tiết nắng làm khô hạn ruộng đồng, sẽ dẫn đến mất mùa đói kém; đến vua cũng phải rời ngai vàng để đi kiếm ăn, huống hồ là người nông dân.
          Hoặc đôi khi những lúc chuyện vui, đùa vui người ta lại nói ngược ý quan niệm thời tiết: Rồng đen lấy nước thì nắng/Rồng trắng lấy nước thì mưa.
          Ý chê bai những người sống kệch cỡm không tương xứng hay đua đòi nhưng không phù hợp với mình: Đầu rồng đuôi tôm hoặc Đầu rồng đuôi phụng le te/Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con.
          Ám chỉ một người có địa vị xã hội hoặc giàu sang vì một lý do nào đó mới đến nhà người không bằng vai, phải nứa trong xã hội: Rồng đến nhà tôm.
          Trách người không biết việc hoặc không có lập trường, bảo làm việc này ra việc khác: Vẽ rồng nên giun.
          Chỉ người hay phô trương vẻ bên ngoài hoặc ám chỉ người có tính cầu kỳ, loè loẹt quá mức: Thêu rồng, vẽ phượng hoặc Chạm rồng chổ phượng.
          Khen hoặc khuyên người tìm nơi đất tốt để táng thân chủ, gia quyến: Mả táng hàm rồng.
          Chỉ sự gặp gỡ cơ duyên trong cuộc sống: Như cá gặp nước, như rồng gặp mây.
          Ý nói người có biểu hiện tài năng xuất chúng: Rồng bay phượng múa.
          Khen người ăn uống khoẻ mạnh, hay làm việc gì cũng nhanh nhẹn: Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo.
          Ám chỉ hai kẻ mạnh tranh giành nhau một công việc hoặc một miếng mồi ngon: Lưỡng long tranh châu.
          Ngụ ý về một cách sống gấp, sống hưởng thụ; hay hy vọng được sống một cuộc sống vương giả: Một ngày dựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài.
          Để chế giễu mỉa mai kẻ bất chính, không có thực tài nhưng lại ăn trên ngồi chốc:  Rồng nằm bể bắc phơi râu/ Đến khi nước cạn hở đầu hở đuôi.
          Hoặc ở một câu khác lấy ý từ câu trên, nhưng lại là lời trách cứ của người con gái đối với người con trai: Rồng nằm bể cạn phôi râu/Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi.
          Ám chỉ người con gái nhà giàu, kén chọn chồng môn đăng hộ đối nhưng chưa gặp, vẫn mãi ở thì: Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng/Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư.
          Ý khen một cặp đôi nào đó khéo léo, phối hợp ăn ý trong cuộc sống hay ứng xử: Rồng giao đầu, phụng giao đuôi.
          Chỉ nơi đất kinh đô xưa (kinh thành Huế thời Nguyễn): Rồng chầu ngoài Huế.
          Ý chỉ một tình bạn, một mối quan hệ xã hội muôn lòng như một: Rồng mây tụ hội.
          Ám chỉ người ăn nói lập lờ không chỉ rõ vấn đề hay muốn dấu đố một việc gì đó: Rồng thiên uốn khúc.
          Chỉ người dám chấp nhận ở với một người không hợp mình; hoặc ám chỉ một người cao sang vì một lý do nào đó phải sống chung với người bần hàn: Rồng ở với giun.
          Ám chỉ người ngồi không nhưng thường xuyên nghĩ ra việc không đâu vào đâu để bắt người khác làm: Vẽ rồng, vẽ rắn.
          Ý chỉ một người giàu có; hoặc thông minh nhưng vì một lý do hoàn cảnh nào đó mà phải chấp nhận sống, hoặc sống cùng một người kém cỏi: Rồng vàng tắm nước ao tù/Người khôn ở với người ngu bực mình
          Ý chỉ sẽ mang lại kết quả thành công to lớn sau một chuyến đi phiêu lưu; đặc biệt chỉ sự quyết tâm thi cử đỗ đạt của các nho sinh: Mồng một cá đi ăn thề/Mồng tám cá về cá vượt vũ môn.
          Nói nên trong tình yêu thì dù người kia có những nhược điểm xấu cũng được coi là đẹp: Gánh mũi em tám gánh lông/Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
          So sánh cái đẹp nội tâm, hình thức của tình yêu đôi nứa: Thân em như trến mít chạm rồng/Thân anh như kèo chua chạm phụng, đẹp vô cùng anh ơi.
          Mỗi câu tục ngữ, ca dao mang hình ảnh Rồng đọc qua thấy vui, mà thư giãn; hay suy ngẫm về phép đối nhân xử thế của người xưa để lại; ngày Xuân xem qua, ngẫm nghĩ từng câu chữ âu cũng là dịp giúp mỗi chúng ta biết cách hành xử sao cho đẹp, ích nước-lợi nhà, hướng tới chân-thiện-mỹ trong cuộc sống thường nhật./.