Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

NĂM RỒNG NÓI CHUYỆN TỲ HƯU

                                                                  
          Nguồn gốc Tỳ Hưu bắt nguồn từ những bí mật trong hoàng cung rồi dần truyền ra dân gian Trung Quốc cách ngày nay mấy thế kỷ; còn ở Việt Nam vật linh (Tỳ Hưu) này cũng chỉ được du nhập rõ nét nhất vào khoảng một thập niên trở lại đây, nhưng phổ biến được giới sành chơi (kinh doanh, nhà giàu,..) truyền tai nhau dùng bài trí trong nhà, văn phòng làm việc hoặc gắn trên mặt nhẫn, dây chuyền với ý niệm chiêu tài-tiến bảo cho thân chủ. Thế nhưng Tỳ Hưu là gì? nguồn gốc và ý nghĩa của vật linh này ra sao thì ít người rõ, hoặc có hiểu cũng đôi chút mà thôi.
          Theo truyền thuyết Trung Quốc, Tỳ Hưu là một trong chín con của Rồng sinh ra nhưng không giống rồng, nếu có giống cũng chỉ đôi nét nhỏ, thứ tự tên gọi các linh thú như sau:
          Tỳ Hưu (tên gọi khác là Tu Lỳ): có đặc điểm đầu giống Kỳ Lân, có một sừng hoặc hai sừng, thân gấu trắng, có cánh trên lưng, thường đứng ở tư thế cuộn tròn, há miệng, lưỡi cong, răng sắc nhọn, thân không có hậu môn. Tỳ Hưu một sừng được coi là giống cực kỳ hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu ma (dùng trấn tà); loại hai sừng có tên gọi là khác là Tu Lỳ, sở thích chuyên ăn vàng, bạc, châu báu trong trời đất nên được coi là vật linh chiêu tài-tiến bảo cho người dùng.
          Nhai Xế (Nhai tí): loài mình rồng, đầu chó sói, cương liệt hung dữ, khát máu hiếu sát, thích chém giết chiến trận. Vì thế Nhai Xế được khắc ở thân vũ khí: ngậm lưỡi phủ, lưỡi gươm đao, trên vỏ gươm, chuôi cầm khí giới để thêm phần sát khí.
          Trào Phong: có thân phượng, có thể hóa thành chim, đặc điểm thích sự nguy hiểm, nhìn ra vọng rộng. Do đó Trào Phong được tạc ngồi trên nóc nhà, đầu mái nhà nhìn về phía xa.
          Bồ Lao: thích tiếng động lớn, âm thanh vang dội, vì thế quai chuông khắc hình Bồ Lao hai đầu quay ra hai bên ôm chặt quả chuông.
          Toan Nghê: hình thù giống sư tử, thích khói lửa, mùi thơm, nuốt khói phun sương. Do đó Toan Nghê được khắc trên các lư hương, đỉnh trầm, ngồi trầm mặc trên đỉnh hay bám hai bên.
          Bí Hí (còn gọi là Quy Phu): giống con rùa, thích mang nặng, có thể cõng được tam sơn ngũ nhạc không bao giờ mỏi. Vì thế Bí Hí cõng bia, trụ đá, nhiều người nhầm với rùa.
          Bệ Ngạn (Bệ hãn) còn gọi là Hiến chương: như con hổ, thích nghe phán xử, phân định; vì thế Bệ Ngạn được tạc ở công đường, nhà ngục, trên các tấm biển công đường.
          Phụ Hí: mình dài giống rồng, thích văn chương thanh nhã, lời văn hay chữ tốt. Vì thế Phụ hí tạc trên đỉnh hoặc hai bên thân bia đá.
          Si Vẫn (Li vẫn, Si vĩ): miệng trơn họng to, rất thích nuốt các vật lớn, lại có thể phun nước làm mưa. Vì thế Si Vẫn được tạc trên nóc nhà để phòng hỏa hoạn, khác với Trào Phong là đầu quay vào trong, nuốt lấy xà nhà hoặc bờ nóc.
          Ngoài chín con vật nêu trên; trong một truyền thuyết khác còn giải thích thêm ba linh vật có cùng nguồn gốc với Tỳ Hưu. Đó  là:
          Thao Thiết: sở thích ăn uống, càng nhiều đồ ăn càng tốt. Vì thế được khắc trên các vạc lớn, lại tượng trưng cho việc thu lấy tài lộc giống Tì Hưu.
          Công Phúc có tên khác Bát phúc, Bát hạ): thích nước, nên được khắc tạc ở chân cầu, đê đập, cống nước để canh giữ.
          Tiêu Đồ (Thúc đồ, Phô thủ): đầu giống sư tử, thích sự kín đáo yên tĩnh. Vì thế được tạc ngoài cửa, ngụ ý giữ yên cho ngôi nhà. Đầu Phô Thủ ngậm thêm cái vòng để khách đến dùng nó mà gõ.
          Như vậy trong mười hai con vật có cùng nguồn gốc với Tỳ Hưu, chúng ta thấy ở hình tượng mỗi con, dân gian lại gán cho nó một đặc điểm, tính cách và tác dụng khác nhau, nên người dùng cũng dựa trên các đặc điểm đó để dùng cho phù hợp như trang trí trên nóc nhà, cửa cổng, bia đá, quả chuông, gươm kiếm..v.v..
          Trong giới hạn bài viết, tác giả xin trở lại giải thích vài nét về linh vật Tỳ Hưu qua  nguồn gốc, hình tượng, và ý niệm cát tường trong dân gian.
          Tỳ Hưu có đặc điểm đầu giống Kỳ Lân, miệng dài và rộng, lưỡi cong, răng sắc nhọn, đầu có một sừng hoặc hai sừng, thân gấu trắng, có cánh trên lưng, thân không có hậu môn. Tỳ Hưu một sừng chỉ có tác dụng trấn trạch, trừ tà vì nó được là giống cực kỳ hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu ma; loại hai sừng có tên gọi là Tu Lỳ, sở thích chuyên ăn vàng, bạc, châu báu trong trời đất nên được dân gian ưa dùng để chiêu tài-tiến bảo.
         
          Vì sao Tỳ Hưu không có hậu môn? dân gian giải thích Tỳ Hưu là con thứ chín của Long Vương, thức ăn của nó là kim ngân, châu báu, vì thế toàn thân nó toát lên bảo khí một cách tự nhiên, cho nên Ngọc Hoàng ưa thích Tỳ Hưu hơn cả cóc vàng. Được sống trên Thiên đình, Tỳ Hưu ăn nhiều nặng bụng cho nên có lần nó đã đi bậy khiến Ngọc Hoàn tức giận cho nó một cái tát vào mông, khiến cho hậu môn của nó bị bịt kín lại, từ đó kim ngân châu báu nó ăn vào và không thể ra. nên dân gian tin rằng nó chính là vật chiêu tài tiến bảo
          Tại sao Tỳ Hưu phải được tạc bằng đá ngọc quý mới linh nghiệm, vì theo người Trung Hoa, chữ vương có một dấu chấm thành chữ ngọc; hiểu nghĩa là ai dùng ngọc sẽ là người vương giả giàu sang.
          Hướng đặt phong thuỷ: Tỳ Hưu phải được đặt trên cung tài lộc của gia chủ, và hướng mắt ra ngoài để cho nó ăn vàng bạc trong trời đất, nếu đặt ngược lại nó sẽ ăn hết của cải trong nhà gia chủ. Nếu đã đặt trong nhà, thì nên đặt một đôi, con đực tượng trung cho tài vận (vận tiền tài), con cái tượng trưng cho tài khố (kho tiền) vì quan niệm có tiềng thì phải có kho để lưu trữ. Còn nếu đeo trên người (mặt dây chuyền hoặc nhẫn) thì nên chọn một con, tránh đeo hai con vì chúng sẽ đánh nhau không tốt cho người dùng.
          Điều đặc biệt là kiêng kỵ không được chạm vào miệng Tỳ Hưu, vì làm như thế nó sẽ hút hết tài lộc của người sờ. Tuy nhiên để phát huy tác dụng, mỗi ngày, gia chủ cần xoa chơi một lúc nhằm đánh thức linh vật dậy, vì dân gian tin rằng “xoa đầu Tỳ Hưu một cái vận trình thịnh vượng, xoa tiếp một cái tài vận cuồn cuộn, xoa ba cái bình bộ thanh vân”. còn nếu gia chủ không đánh thức Tỳ Hưu sẽ ngủ triền miên, không phát huy tác dụng như ý.

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

HÌNH TƯỢNG RỒNG TRONG ĐIÊU KHẮC
ĐÌNH LÀNG VĨNH PHÚC

                                                                                        

          Nằm trong nghệ thuật điêu khắc đình làng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, đình làng Vĩnh Phúc (từ TK XVII-XIX) có một vị trí đặc biệt, nơi lưu giữ mảng đề tài điêu khắc gỗ phong phú, đặc sắc; hầu như trên các thành phần kiến trúc như bức cốn, ván nong, cái kẻ, chiếc bảy, con rường,...đều được nhà điêu khắc xưa trang trí làm mềm mại và đẹp hơn cho phần kết cấu kiến trúc vốn cứng cáp, thô mộc. Bên cạnh đề tài mô phỏng cuộc sống thường nhật của người dân lao động như: Gia đình hạnh phúc, Lễ hội xuống đồng, Đi săn về, Đến hát nhà quan, Đấu vật, Đua thuyền, Đá cầu...Còn có các đề tài trang trí Tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), Tứ linh (long, ly, quy, phượng); trong đó hình tượng Rồng luôn được đề cao và chú ý khắc hoạ nổi bật hơn trong các mảng đề tài trang trí kiến trúc đình làng; bởi xuất phát từ quan niệm dân gian Rồng mang biểu trưng của sức mạnh vũ trụ, với uy quyền “mưa thuận, gió hoà” mang đến cho cư dân nông nghiệp lúa nước mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, sung túc.
          Từ các ngôi đình làng có mặt sớm ở Vĩnh Phúc như Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường (Bình Xuyên), Thổ Tang, Bích Chu (Vĩnh Tường) đến các ngôi đình có niên đại muộn hơn như Đình Nam, Hoà Loan, (Vĩnh Tường), Đồng Văn (Yên Lạc), Đình Chu, Sen Hồ (Lập Thạch),.v.v..Chúng ta có thể thấy số lượng mảng nghệ thuật trang trí Rồng khá nhiều, hình như hình tượng rồng không thể thiếu trong ý tưởng trang trí của các nhóm thợ làm đình; và thông qua sáng tác các ý tưởng nghệ thuật luôn được đề cao qua nội dung thể hiện như: Phụ nữ cưỡi Rồng, Rồng mẹ con, Rồng mẹ dạy con đi mây về gió, Rồng hút nước, Cá hoá Rồng..v.v..Qua đó cho thấy, các mảng đề tài chính về hình tượng Rồng trang trí trong kiến trúc đình làng Vĩnh Phúc nằm ở hai dạng. Thứ nhất: đề tài Rồng và con người thường gặp trong trang trí ở những ngôi đình thời Lê; thứ hai: đề tài Rồng và phượng, lân, rùa; hoặc Rồng và cá chép; Rồng và cây thường gặp ở cả những ngôi đình niên đại thời Lê và Nguyễn (tk XVII- XIX). Nói như thế, hình tượng rồng vốn mang biểu tượng sức mạnh siêu tự nhiên và xã hội nhưng trong điêu khắc đình làng hình tượng rồng được các thợ điêu khắc xưa phác hoạ sinh động, linh vật rồng cao xa mà gần gũi với đời sống thực, tất cả được bố cục ngẫu hứng trên các thành phần kiến trúc nhưng lại mang ẩn chứa các cặp phạm trù triết lý âm dương, cùng những khát vọng cuộc sống no đủ hạnh phúc và chinh phục thiên nhiên của cư dân nông nghiệp xưa trên đất Vĩnh Phúc.
          Bức chạm Phụ nữ cưỡi rồng ở đình làng Tiên Canh (Bình Xuyên) là đại diện cho hình ảnh đẹp và cao quý của người phụ nữ - tiên cưỡi trên lưng rồng, đầu đội mũ, khuôn mặt trái xoan, mình cởi trần mặc váy thật gợi cảm; hai cánh tay tròn lẳn giơ lên ngang vai như đang múa. Sự kết hợp khéo léo giữa hình tượng rồng (dương) với tiên nữ (âm) thể hiện khát vọng yêu đương, muôn loài sinh sôi nảy nở theo quan niệm của cư dân lúa nước; nhưng ở một ý nghĩa khác hình tượng rồng mang biểu tượng sự linh thiêng, quyền lực của vua chúa mà người thợ lại khéo léo đặt cô gái-nàng tiên khoả thân ngồi lên mình rồng là điều chế giễu của người nông dân đối với giai cấp thống trị. Nằm chung với mảng đề tài khắc hoạ rồng - phụ nữ, chúng ta còn gặp bức chạm Múa rồng đình Hương Canh (Bình Xuyên) được người thợ xưa chú ý khắc hoạ nổi bật, ở vị trí trung tâm bức chạm là cô gái độ tuổi đôi tám, mặc trang phục mỏng manh đang say sưa trong vũ điệu đầy sức gợi cảm, uyển chuyển bên cạnh hình tượng rồng; đầu rồng nhô nghiêng, bờm râu uốn nhịp, lưng lượn cong như muốn ôm lấy thân hình cô gái; hình tượng này đủ gợi nên ước vọng âm dương hoà hợp, mưa thuận, gió hoà của người xưa.
          Bức “Cưỡi rồng” ở đình Ngọc Canh lại đề cao khát vọng chinh phục thiên của con người qua nội dung diễn tả phối cảnh trung tâm là một con rồng, bên cạnh rồng là một người đội mũ, dáng vẻ quyền quý qua các vật trang sức; bên dưới có một người hầu mình cởi trần, đóng khố đang quỳ, tay giơ lên như muốn nâng đỡ người kia lên lưng rồng. Xung quanh bức chạm là một không gian ước lệ với những đám mây được chạm chổ cách điệu các ngọn lửa hình đao mác bay bổng. Cùng chung với đề tài “Cưỡi Rồng” chúng ta còn gặp trên thân bẩy hiên đình Thổ Tang còn chạm cả một đầu rồng to, mắt mở, miệng há, nanh dài, các râu, ria bay cong vút, chân phải rồng có móng, cầm chặt một chú rồng. Chú rồng con đang ngóc đầu nhìn ngược lên phía trên có ba người; khuôn mặt mõi người rất vui tươi, có hai người đang cầm tay nhau như múa, còn người kia ngồi khoanh chân ngắm nhìn. Toàn cảnh bức chạm vốn tính động lại động hơn, gợi cho người xem như đứng trước một chú rồng mạnh mẽ cùng gia đình kia vừa bay từ chín tầng mây xuống vậy.
          Ngược lại với chủ đề “Cưỡi rồng” ở đình Ngọc Canh, Thổ Tang trên là một bức chạm khác trên đình Tiên Canh, người thợ đục con rường trên thành một con rồng có hình đao lửa, thân mình trơn, không vảy; tiếp đến người thợ đục một người đang ngồi, đầu đội mũ kiểu vương miện, hai tay giang ngang vai, xung quanh có hình đao mác tua tủa; ở phần dọc của bức cốn chạm nổi một đầu rồng miệng phun ngọc, bờm tóc được chạm chổ uốn cong gợi tả như rồng đang bay ngược chiều gió. Qua hình tượng trên có thể thấy bức chạm mang ẩn ý sự đề cao quyền lực của giai cấp phong kiến xưa, mà đại diện cho nó không gì khác ngoài chiếc “vương miện” người kia đang đội trên đầu và hình tượng rồng mạnh mẽ mang biểu tượng quyền lực.
          Bức chạm cảnh “Táng mả hàm rồng” trong đình Ngọc Canh lại thể hiện rõ hơn quan niệm phong thuỷ của người xưa qua khung cảnh gợi tả một chiếc đầu rồng to choán ngợp không gian thực, miệng rồng đang há, mắt mở to, các ria, râu, tóc xoắn hình lưỡi mác hất sang ngang; hai bên có người đang đứng, một người tay cầm một chiếc hộp đưa vào miệng rồng. Hình tượng người trong bức chạm mang nét mô phỏng, không chú ý về tỷ lệ cân xứng, mà vẫn có thể cảm nhận vẻ đẹp, cũng như dụng ý của nội dung miêu tả ước vọng tìm nơi đất cát vượng trong quan niệm phong thuỷ để táng thân chủ gia đình hay dòng họ với hy vọng cầu phúc trạch muôn đời.
          Bên cạnh các đề tài khắc hoạ đặc sắc về hình tượng rồng với con người, là những bức chạm cảnh Rồng trong tứ linh (long, ly, quy, phượng), Cá hoá Rồng, hoặc Rồng hoá trúc,..v.v..là mô tuýp quen thuộc thường gặp trên trang trí các công trình kiến trúc công cộng dân gian Vĩnh Phúc. Tuy nhiên trong đó có những bức chạm khá tiêu biểu như “Tứ linh quần tụ” trên đình Ngọc Canh được nhà điêu khắc xưa phác hoạ chính giữa là hình tượng một con Rồng oai phong đang gồng mình, đầu ngẩng cao, mắt lộ to, các bờm tóc bay ngược về phía sau, miệng há rộng hút ngọn nước cuồn cuộn chảy; trong dòng nước một chú cá chép cong đuôi tung mình nhảy, như cố thoát ra khỏi cột nước đang bị rồng cuốn. Ở phía trên bức chạm phác hoạ hình chim phượng mềm mại, đang sải cánh bay lượn, miệng cắp cuốn sách; phía đối xứng là một khóm sen, ẩn khuất dưới chiếc lá kia là một rùa vàng đang rất bình tâm trước những con nước đang bị Rồng hút cuồn cuộn chảy;  và phía đối xứng bên phải là một chú lân, đầu nghểnh cao trước khung cảnh kỳ thú với bao la sóng nước vần vũ. Bức chạm được người nghệ nhân xưa chạm lộng, bong gợi đường nét bay bổng, tinh tế kết hợp với kỹ thuật sơn son thếp vàng tạo tác phẩm lung linh, huyền diệu trước ánh sáng.
          Ở bức khác miêu tả cảnh “Rồng mẹ dạy con đi mây về gió” được khắc hoạ đẹp với lối bố cục đồng hiện, Rồng mẹ được phác hoạ với chiếc đầu to, các ria, bờm hình lưỡi mác hất sáng hai bên, gợi cảm giác choán ngợp cả không gian thực và ảo, bên dưới có một chú rồng con đang thò đầu ra từ đám mây cuồn cuộn, đầu nghiêng nghiêng như thể đang lắng nghe và thực hiện động tác hướng dẫn của rồng mẹ. Hình tượng rồng mẹ to lớn, bên cạnh rồng con bé nhỏ đủ gợi cho người xem cảm nhận một tình cảm chở che của người mẹ đối với con; hay hình ảnh người mẹ đang dạy con học hành. Bức chạm tuy diễn tả tình cảm mẹ con rồng mà cảm nhận ngỡ như con người vậy.
          Bức chạm “Rồng-Phượng” đình Thứa Thượng (Tam dương) mang ý nghĩa âm dương giao hoà. Phượng (âm) đang trong tư thế bay, đôi cánh sải rộng, hướng nhìn xuống phía rồng (dương). Hình rồng được miêu tả cách điệu qua chiếc đầu to lớn, nhô lên khỏi hình mây lá cách điệu, tay trước rồng bám trên một cuồng mây, các bờm râu uốn lượn bay bổng như gặp gió, miệng rồng ngậm ngọc như thể muốn dâng lên cho chim phượng; hoạt cảnh gợi tả cảnh âm duơng giao hoà, hay cảnh tình yêu nam nữ,...Tất cả đều mang ước vọng mong cầu cuộc sống sinh sôi nảy nở, trời đất mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Nếu như bức chạm Phượng Rồng ở đình Thứa Thượng mang hình ảnh âm dương (nam nữ) giao hoà; thì ở bức chạm đình Hùng Vĩ (Yên Lạc) lại miêu tả cảnh chống thiên tai của người xưa qua hình tượng một con rồng dữ tợn - mang biểu tượng của tự nhiên (mây, mưa, gió...) đang há miệng, gồng mình thổi gió, phun mưa cuồn cuộn chảy; trên cột nước có một chú cá chép (biểu tượng con người) đang gồng mình như đề kháng trước cột nước đang muốn cuốn trào kia. Hình tượng cá chép qua bức chạm là một ẩn ý sâu sắc gợi cho người xem liên tưởng tới sức mạnh phi thường của người nông dân trong phòng chống thiên tai, lũ lụt thường tác động xấu tới cuộc sống và canh tác nông nghiệp.
          Từ các bức chạm rồng mang tính cường điệu hoá, ta lại gặp không ít những bức chạm đơn, thuần phác nhưng ẩn chứa quan niệm về phương hướng, sắc màu qua bốn đầu dư ở đình Nam (Lũng Ngoại-Vĩnh Tường), mỗi đầu dư chạm một đầu rồng dữ tợn với đôi mắt to, miệng há nhe nanh, bờm tóc hất ngược sang hai bên. Điều đáng chú ý là các chi tiết trên bốn đầu rồng lại được tô màu chủ đạo của bốn hướng đông (xanh), tây (trắng), nam (đỏ), bắc (đen) theo quan niệm màu sắc, phương hướng của xưa về kiến trúc xây dựng. Hoặc trên bức cốn đình Hoà Loan lại chạm chổ rồng hoá lá sinh động qua gốc rễ khóm hoa là chiếc đầu rồng, còn phần thân, cành lá, hoa lại diễn tả rất thực như toàn bộ khóm hoa vừa được thoát thân từ thân rồng vậy.
          Điều đặc biệt về hình tượng rồng lại nằm ở bộ cửa võng đình Tiên Canh trang trí dày đặc rồng trên cột, cửa cả thảy có đến hàng trăm con rồng ngắm trông dữ tợn, uy nghiêm với hàng nghìn đao mác tua tủa; phía trên bộ cửa võng người thợ chạm lưỡng long chầu nguyệt phóng đạt, uyển chuyển; qua đây có thể thấy rõ các thủ pháp chạm chổ đã được người thợ phát huy tối đa, kết hợp kỹ thuật với sơn son, thếp vàng truyền thống làm nổi bật chủ đề phản ánh sinh động, lôi cuốn gợi cho người xem cảnh “Quần long tụ hội-thiên hạ thái bình”, hay ước mơ thi cử đỗ đạt của các nho sinh - con em của cư dân nông nghiệp vùng đất Hương Canh xưa.
          Song song với mạch đề tài về hình tượng rồng trang trí trên các đình làng Vĩnh Phúc còn nhiều, song nét chính các đề tài trang trí thường giống nhau; nếu có khác cũng chỉ là đôi chút khác về phong cách thể hiện của từng nhóm thợ làm đình mà thôi; còn hình tượng, nội dung, sự chuẩn mực thì vẫn chung nhất trong một quan niệm của người Việt. Bên cạnh đó, rồng còn xuất hiện ở một số trang trí tiêu biểu như Tháp Bình Sơn, tháp sứ chùa Trò, chùa tháp Kim Tôn (tk XIV), bậc thềm đền đá Phú Đa, đình Hoà Loan (tk XVIII), đao đình Nam-Lũng Ngoại (đầu tk XIX)..v.v..Tất cả cùng góp phần làm phong phú thêm cho hình tượng rồng trên đất Vĩnh Phúc nói riêng và hình tượng rồng Việt Nam nói chung.
          Ngày xuân năm Rồng, nêu vài nét về hình tượng Rồng trong nghệ thuật điêu khắc đình làng Vĩnh Phúc, âu cũng là điều mong muốn năm mới ai cũng được như Rồng bay.


PHÚC LỘC THỌ
Từ dân gian đến chân dung lịch sử
                                                                                                               

Mỗi khi Tết đến Xuân về, mọi nhà thường trang hoàng nhà cửa cho cảnh sắc thêm xuân; bên cạnh những bức tranh Tết, chữ đại tự, câu đối  mang nội dung cát tường, nhiều gia đình còn chú trọng bài trí hình tượng Phúc-Lộc-Thọ.
          Theo quan niệm tín ngưỡng văn hoá dân gian, Phúc-Lộc-Thọ được hiểu nghĩa:
          Phúc (福)  = tốt lành, con đàn cháu đống
          Lộc (禄) = làm quan, hưởng bổng lộc, có địa vị xã hội, tiền của
          Thọ (壽) = sống khoẻ, sống lâu
          Trải qua thời gian, quan niệm về Phúc-Lộc-Thọ không chỉ dừng lại ở thuật ngữ dân gian mà nó còn được tô vẽ, gán ghép với những nhân vật có thực trong xã hội Trung Quốc, tuy ba ông từng giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử nhưng qua phác hoạ chân dung, ba ông đều có cách nghĩ, cách làm, cũng như lối ứng xử khác nhau trong cuộc sống, chính vì lẽ đó mà dân gian ghép nên bộ ba Phúc-Lộc-Thọ để chiêm nghiệm:
Ông Phúc: tên thật là Quách Tử Nghi làm quan đời Đường, ông là vị quan thanh liêm, gia cảnh nghèo túng, thanh bạch. Hai vợ chồng ông bằng tuổi nhau, suốt đời luôn lấy tâm, đức làm việc thiện. Cả gia đình đều quý trọng, thương yêu nhau, trong ấm ngoài êm. Năm ông bà bước sang tuổi 83 thì có chút ngũ đại (cháu đích tôn ở đời thứ năm - quen gọi là ngũ đại đồng đường). Ông Quách Tử Nghi sung sướng quá ôm đứa chút nội trên tay. Ông bà cùng cười lên một tiếng dài rồi ''qui tiên''. Việc ''qui tiên' của ông bà thật là ''nhàn du tiên cảnh''. Người đời ai ai cũng ao ước cuối đời được như ông bà.
Ông Lộc:  tên là Đậu Từ Quân, làm quan đời nhà Tấn. Ông luôn ra sức tìm mọi cách xoay xở cho mình thật nhiều bổng lộc, cuộc đời giàu sang; vẻ bề ngoài trông ông lúc nào cũng oai vệ, bụng to, cân đai xệ xuống. Nhưng về già thì thật buồn thay, năm ông 80 tuổi vẫn chưa có cháu đích tôn để nối dõi tông đường. Dân gian nhìn vào gia cảnh như thế thì cho rằng, làm được nhiều lộc, hưởng không hết vậy để cho ai?
Ông Thọ:  tên là Đông Phương Sóc, làm quan nhà Hán. Ông luôn tìm lời nói thật hay, cử chỉ thật khéo để làm vừa lòng Thiên tử cho nên được nhà vua ban nhiều bổng lộc. Mỗi lần được vàng lụa vua ban, Đông Phương Sóc lại cưới đem về một mỹ nữ. Thê thiếp của ông nhiều vô kể. Có người khuyên bảo ông: “Làm quan đại phu phải lấy lời nói thẳng can vua chứ không nên lấy lời nói đẹp để làm vui lòng vua mà thu bổng lộc''. Ông Sóc cười, nói rằng: Làm quan để có nhiều bổng lộc mà tận hưởng lạc thú. Nếu không, làm quan chi cho mệt xác. Ông Phương Sóc sống lâu đến 125 tuổi, râu tóc bạc phơ, lưng còng hẳn xuống. Đến lúc chết, cháu bốn đời phải thay ông, thay bố mà làm ma chay. Người đời đánh giá sống thọ như thế để  làm gì?
Người xưa đã khéo xếp ba ông lại với nhau cũng là điều hiển nhiên, bởi Phúc-Lộc-Thọ là ba điều mơ ước trong cuộc sống thường nhật của mỗi người, mỗi nhà; tuy nhiên theo đạo lý truyền thống dân tộc thì thời nào cũng vậy, người ta thường cầu Phúc đầu tiên, còn Lộc và Thọ thì biết bao giờ cho đủ. Chẳng thế mà ông Phúc được đặt lên vị trí thứ nhất trong ba vị tam đa. Bởi xuất phát từ quan niệm: có Phúc thì có phần, có phúc đức để lại cho con còn hơn để lại của cải. Suy ngẫm điều răn dạy ấy của người xưa hẳn ngày nay vẫn còn nguyên giá trị./.


         
TỤC NGỮ CA DAO VỀ CON RỒNG                           
                  Đức Quang

          Từ xa xưa những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao,...được hình thành nên từ nếp nghĩ, phép ứng xử của mỗi người trong cộng đồng sinh hoạt, lao động; lâu dần những câu nói được tu từ, gọt rũa để trở thành ngôn ngữ mang nội hàm nói bóng, ví von, so sánh,..nhằm ám chỉ một đối tượng trong mối quan hệ, thay cho lời nói trực tiếp, cụ thể tới đối tượng. Bởi trong quan niệm ứng xử của người Việt xưa “Nói thực thì mất lòng”.
Vậy để đạt được mục đích khen- chê, khuyên- can....đối tượng, mà không sợ nói quá, hay sự phản ứng trực tiếp; người xưa đã mượn hình tượng những con vật ngay trong cuộc sống thường nhật như trâu, bò, lợn, gà, chuột và cả nhưng con vật không có thật như con Rồng để gọt rũa thành những ngôn ngữ, mang nội hàm nói ví theo ngữ cảnh, hoàn cảnh khác nhau của từng đối tượng. Tuy nhiên điều đặc biệt, những ngôn ngữ sử dụng hình tượng (rồng, chó, mèo, lợn,...) trong tục ngữ, ca dao lại phác hoạ khá rõ nét về đặc tính con vật khiến người nghe thoảng cũng thấy vui, nhưng suy ngẫm ý nghĩa thật sâu sắc, thi vị.
Trên cơ sở các câu ca dao, tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, người viết chọn lọc những câu hay về Rồng; kết hợp với ngôn ngữ chủ quan để giải nghĩa từ và câu nhằm ngõ hầu giúp bạn đọc thư giãn với những tiếng cười trào lộng trong ngày xuân.
          Để khen người gặp phải sự may mắn đặc biệt trong cuộc sống, nhất là trong việc kết hôn: Làm trai lấy được vợ hiền/Như cầm đồng tiên mua được của ngon hoặc: Phận gái lấy được chồng khôn/Xem bằng ca vượt vũ môn hoá rồng.
          Chỉ sự gặp gỡ tương phùng trong tình yêu nam nữ như duyên trời đã định trước: Tình cờ ta gặp mình đây/ Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
          Ngụ ý chỉ con nhà ai, giống nhà ấy hoặc ám chỉ sự xuất thân của một người từ thành phần xã hội nào: Trứng rồng lại nở ra rồng/Lưu đưu lại nở ra dòng lưu đưu.
          Quan niệm dân gian của người Việt xưa về quan sát các hiện tượng thiên nhiên (trời, mây, mưa,...) để đoán định việc canh tác nông nghiệp thuận lợi: Rồng đen lấy nước được mùa/Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày. Bởi quan niệm rồng đen cái gọi “vòi rồng” xuất hiện ngoài biển khơi, báo hiệu mưa thuận gió hoà, làm tốt tươi ruộng đồng. Còn rồng trắng báo hiệu thời tiết nắng làm khô hạn ruộng đồng, sẽ dẫn đến mất mùa đói kém; đến vua cũng phải rời ngai vàng để đi kiếm ăn, huống hồ là người nông dân.
          Hoặc đôi khi những lúc chuyện vui, đùa vui người ta lại nói ngược ý quan niệm thời tiết: Rồng đen lấy nước thì nắng/Rồng trắng lấy nước thì mưa.
          Ý chê bai những người sống kệch cỡm không tương xứng hay đua đòi nhưng không phù hợp với mình: Đầu rồng đuôi tôm hoặc Đầu rồng đuôi phụng le te/Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con.
          Ám chỉ một người có địa vị xã hội hoặc giàu sang vì một lý do nào đó mới đến nhà người không bằng vai, phải nứa trong xã hội: Rồng đến nhà tôm.
          Trách người không biết việc hoặc không có lập trường, bảo làm việc này ra việc khác: Vẽ rồng nên giun.
          Chỉ người hay phô trương vẻ bên ngoài hoặc ám chỉ người có tính cầu kỳ, loè loẹt quá mức: Thêu rồng, vẽ phượng hoặc Chạm rồng chổ phượng.
          Khen hoặc khuyên người tìm nơi đất tốt để táng thân chủ, gia quyến: Mả táng hàm rồng.
          Chỉ sự gặp gỡ cơ duyên trong cuộc sống: Như cá gặp nước, như rồng gặp mây.
          Ý nói người có biểu hiện tài năng xuất chúng: Rồng bay phượng múa.
          Khen người ăn uống khoẻ mạnh, hay làm việc gì cũng nhanh nhẹn: Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo.
          Ám chỉ hai kẻ mạnh tranh giành nhau một công việc hoặc một miếng mồi ngon: Lưỡng long tranh châu.
          Ngụ ý về một cách sống gấp, sống hưởng thụ; hay hy vọng được sống một cuộc sống vương giả: Một ngày dựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài.
          Để chế giễu mỉa mai kẻ bất chính, không có thực tài nhưng lại ăn trên ngồi chốc:  Rồng nằm bể bắc phơi râu/ Đến khi nước cạn hở đầu hở đuôi.
          Hoặc ở một câu khác lấy ý từ câu trên, nhưng lại là lời trách cứ của người con gái đối với người con trai: Rồng nằm bể cạn phôi râu/Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi.
          Ám chỉ người con gái nhà giàu, kén chọn chồng môn đăng hộ đối nhưng chưa gặp, vẫn mãi ở thì: Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng/Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư.
          Ý khen một cặp đôi nào đó khéo léo, phối hợp ăn ý trong cuộc sống hay ứng xử: Rồng giao đầu, phụng giao đuôi.
          Chỉ nơi đất kinh đô xưa (kinh thành Huế thời Nguyễn): Rồng chầu ngoài Huế.
          Ý chỉ một tình bạn, một mối quan hệ xã hội muôn lòng như một: Rồng mây tụ hội.
          Ám chỉ người ăn nói lập lờ không chỉ rõ vấn đề hay muốn dấu đố một việc gì đó: Rồng thiên uốn khúc.
          Chỉ người dám chấp nhận ở với một người không hợp mình; hoặc ám chỉ một người cao sang vì một lý do nào đó phải sống chung với người bần hàn: Rồng ở với giun.
          Ám chỉ người ngồi không nhưng thường xuyên nghĩ ra việc không đâu vào đâu để bắt người khác làm: Vẽ rồng, vẽ rắn.
          Ý chỉ một người giàu có; hoặc thông minh nhưng vì một lý do hoàn cảnh nào đó mà phải chấp nhận sống, hoặc sống cùng một người kém cỏi: Rồng vàng tắm nước ao tù/Người khôn ở với người ngu bực mình
          Ý chỉ sẽ mang lại kết quả thành công to lớn sau một chuyến đi phiêu lưu; đặc biệt chỉ sự quyết tâm thi cử đỗ đạt của các nho sinh: Mồng một cá đi ăn thề/Mồng tám cá về cá vượt vũ môn.
          Nói nên trong tình yêu thì dù người kia có những nhược điểm xấu cũng được coi là đẹp: Gánh mũi em tám gánh lông/Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
          So sánh cái đẹp nội tâm, hình thức của tình yêu đôi nứa: Thân em như trến mít chạm rồng/Thân anh như kèo chua chạm phụng, đẹp vô cùng anh ơi.
          Mỗi câu tục ngữ, ca dao mang hình ảnh Rồng đọc qua thấy vui, mà thư giãn; hay suy ngẫm về phép đối nhân xử thế của người xưa để lại; ngày Xuân xem qua, ngẫm nghĩ từng câu chữ âu cũng là dịp giúp mỗi chúng ta biết cách hành xử sao cho đẹp, ích nước-lợi nhà, hướng tới chân-thiện-mỹ trong cuộc sống thường nhật./.
                                                      

TỤC CHƠI ĐÀO NGÀY TẾT XƯA & NAY
                                                     
                            
                                                                  
          Xưa trong những ngày Tết Nguyên Đán, người Việt thường trang hoàng nhà cửa cho cảnh sắc thêm Xuân với mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, đôi câu đối đỏ và những bức tranh Tết; nhưng tiêu biểu hơn trong không gian ngôi nhà ngày Tết là cành đào trên bàn thờ gia tiên mang thông điệp báo tin Tết đến, Xuân về.
Theo quan niệm của người xưa, cành đào ngày Tết không những mang vẻ đẹp  tượng trưng của sắc Xuân mà nó còn ngụ ý như một bùa chú bảo hộ bình an, mang niềm cát tường đến cho gia đình.
          Tục cắm cành đào ngày Tết của người Việt hôm nay bắt nguồn từ một quan niệm về vũ trụ, cùng thế giới linh thần, yêu ma và phép ứng xử của loài người trong thuở hồng hoang, giữa tồn tại và phát triển của ý thức hệ tín ngưỡng thờ thần. Chuyện rằng: “Xưa trên ngọn núi Sóc ở phía Đông Bắc Việt, có một cây đào cổ thụ, cành lá toả rộng đến 3000 dặm; trên núi có hai vị thần núi là Thần Đô và Uất Luỹ lấy bóng cây làm nơi trú ngụ và cai quản nước quỷ, đế chúng khỏi quấy nhiễu cuộc sống dân lành. Nếu phát hiện tên quỷ nào có dấu hiệu gieo tai hoạ cho trần gian là hai vị thần bắt ngay, rồi treo cổ lên cây đào cho đến chết và vứt xác cho thần Hổ ăn thịt; bởi vậy mà bọn quỷ cứ hễ nhìn thấy bóng hai vị thần là sợ hãi, sợ luôn cả hình bóng của cây đào. Nhưng thường đến đầu năm (Tết Nguyên Đán) hai vị Thần Đô và Uất Luỹ phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng; trong thời gian đi vắng bọn quỷ thường tác yêu, tác quái dưới trần gian. Để ma quỷ khỏi quấy phá, đến cuối năm dân chúng khắp vùng lên núi Sóc bẻ cành đào về để yểm trong nhà; còn những ai không có cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị Thần Đô và Uất Luỹ dán ở cổng, cửa nhà để trấn áp tà khí, xua đuổi ma quỷ”.
          Theo thời gian, tục cắm đào với một ý niệm sâu sắc như thế đã đi vào tâm thức dân gian người Việt, trở thành một nét đẹp văn hoá ứng xử mỗi độ Xuân về.
          Ngày nay, quan niệm cành đào ngày Tết được gán với bùa chú có lẽ cũng không còn; và hẳn câu chuyện về hai vị Thần Đô và Uất Luỹ vẫn nằm sâu trong điển tích. Thay vào đó là những hình ảnh cành đào mang ý nghĩa biểu trưng khác như: Ngũ phúc (phú-quý-thọ-khang-ninh); Tam Đa (phúc-lộc-thọ); lưỡng long phun châu (hai rồng nhả ngọc); long hạ phúc đáo (rồng xuống phúc đến),...được mọi người ưa chuộng, nó vừa mang ý nghĩa cầu chúc cát tường trong năm mới; nhưng đồng thời còn thể hiện tình yêu yêu thiên nhiên, vẻ đẹp tượng trưng của sắc Xuân và sự trang nhã của người thưởng ngoạn;  quan niệm được chuyển hoá trong cuộc sống cũng là quy luật phát triển của muôn đời./.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Tranh thờ Cao Lan-Vĩnh Phúc


GIẢI MÃ BỨC TRANH CỔ
Nguyễn Anh Ngọc
Tranh thờ trong tín ngưỡng Đạo giáo có mối quan hệ mật thiết với thầy cúng (mo, tào) và hệ thống đồ thờ khác như: mũ, áo, ấn, kiếm, mặt nạ, bùa chú,…phục vụ các nghi lễ theo phong tục, tập quán của cộng đồng người dân tộc. Gắn liền với lễ cúng ấy tranh thờ đóng vai trò quan trọng về mặt diễn tả hình thức tín ngưỡng thể hiện khát vọng, lối tư duy, cách hành xử giữa con người và các vị thần linh.Tuy nhiên ở mỗi nội dung đề tài trong tranh thờ nó chỉ phục vụ theo từng mục đích mang tính riêng biệt trong các nghi lễ của gia đình hay cộng đồng xã hội.
Tranh thờ Nam Tào (giấy dó, tk XIX) (Sưu tập của Nguyễn Anh Ngọc)
Quá trình tìm hiểu tín ngưỡng tranh thờ của dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô người viết sưu tầm được bức tranh cổ khá còn nguyên vẹn, hình vẽ và màu sắc tươi nguyên trên giấy dó, nội dung hấp dẫn, lôi cuốn sự giải mã ý cổ nhân. Trên cơ sở so sánh nội dung, nhân vật, chữ viết, có thể phỏng đoán đây là bức vẽ quan Nam Tào, niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX; và rất có thể bức vẽ chỉ là một trong bộ tranh đôi Nam Tào - Bắc Đẩu. Theo lai lịch các vị thần trong Đạo giáo, hai vị quan giúp việc Ngọc Hoàng thượng đế là quan Nam Tào chuyên coi sự sinh và ghi chép những việc tốt, còn quan Bắc Đẩu theo dõi việc tử (chết) và ghi chép cái xấu.
Về nghệ thuật bức tranh được bố cục, diễn tả theo ba lớp chiều dọc (30x70cm) các nhân vật trong tranh được sắp xếp thể hiện theo cấu trúc tranh thờ Phật, Tam toà, Tứ phủ,… nhưng phảng phất mô típ, màu sắc các dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội) hay tranh làng Sình (Huế). Tuy nhiên các nét vẽ trên tranh thờ Nam Tào có phần nghiêng về tả thực, tinh tế với lối vẽ công bút, dầm bút tạo nên mảng khối, màu sắc trong tranh thật uyển chuyển, sinh động dàn trải theo ba tầng nhân vật dựa trên mô phỏng kiến trúc thượng tầng (thiên đình- hạ giới- âm phủ) được diễn ý theo quy tắc cao thấp, chức sắc trong xã hội biểu thị trên một vùng không gian, thời gian thực ảo khác nhau bằng các mảng khối màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng,.. tự nhiên mang tính ước lệ biểu trưng hơn tả thực.
Ở tầng trên quan Nam Tào với khuôn mặt bầu tròn nghiêm nghị, đầu đội mũ kiểu cánh chuồn, xung quanh đầu có vòng hào quang, thân mặc áo thụng trước ngực có hình tròn thêu vân mây, bụng thắt đai, tay phải cầm bút, tay trái cầm sổ theo dõi sự sinh tồn và ghi chép những việc tốt của con người dưới hạ giới. Để biểu đạt hình tượng vị thần chủ, người hoạ công xưa đã dụng ý vẽ to hình ảnh quan Nam Tào nổi bật ở vị trí cao nhất; phía sau có một văn quan đứng hầu, thân hơi cúi khum, hai tay chắp lễ như chờ sự chỉ bảo.
Tầng giữa là hình vẽ ba vị văn quan đứng xếp hàng ngang, khuôn mặt hiền từ, râu dài, đầu đội mũ tròn, áo thụng, sắc phục mỗi vị quan có khác nhau, hai tay chắp lễ trước ngực với dáng vẻ nghiêm trang, cung kính. Ở chi tiết các nhân vật thần phụ, nét chung được vẽ nhỏ giống nhau không cụ thể ở đặc tính nhân vật, trang phục, có lẽ người hoạ công vẽ tranh thờ đã giữ nghiêm ý tưởng tôn giáo nhằm tôn vinh vị thần chủ. Đó là nét chung trong cách thể hiện tranh thờ.
Tầng cuối nội dung được khắc hoạ rõ nét qua nhân vật thần Sấm với khuôn mặt dữ tợn, râu quai nón, mình cởi trần, mặc quần thụng bó gối, chân đứng trên tầng mây cuộn nổi, người hơi cúi như dùng lực kéo ngược vòng tròn luân hồi đang chạy tuần tự theo chiều kim đồng hồ để thực hiện lệnh trừng phạt của thiên đình với những người phạm tội dưới hạ giới. Vòng tròn luân hồi được thể hiện với năm dải mây có hình người, trâu, bò, lợn, gà, cá, tôm,… nối tiếp quay vòng; phải chăng những linh hồn đó còn phải ở lại kiếp sống trần gian để tu chính quả. Đối diện với mảng không gian trầm luân là một dải mây trắng có chữ Thiên Sinh (Hán) bay từ giữa vòng luân hồi lên cao đưa linh hồn ba người ăn mặc đẹp, khuôn mặt an nhàn phúc hậu, tay cầm lệnh bài đi về phía thiên đàng tiêu dao nơi cảnh bụt.
Với lối biểu đạt logic theo một trật tự từ thiên đình-hạ giới-âm phủ người hoạ công vẽ tranh thờ đã rất thành công ở cả lĩnh vực hình thức và nội dung thể hiện. Làm cho bức tranh thờ Nam Tào không chỉ đẹp mà còn hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc tới mọi thành viên trong cộng đồng xã hội, thông qua nghệ thuật miêu tả nhân vật (Nam Tào, thần Sấm, kiếp người, thiên đàng, âm phủ) theo quan niệm dân gian đã truyền tải ngôn ngữ đượm chất tâm linh giáo huấn, nhằm khuyến khích cái thiện, cái công bằng, ai ăn ở phúc đức sau khi thác (chết) sẽ được lên thiên đàng, còn người sống bất nhân, thất đức sẽ bị Diêm Vương (Vua địa ngục) trừng phạt đầu thai nơi kiếp khác để cải tà, qui chính.
Nội dung bức tranh như dàn trải ra một bộ phận thế giới thần linh trong Đạo giáo, từ cao tới thấp, chính đến phụ, từ gần tới xa như được cộng hưởng với nhau bằng một tư duy nghệ thuật và giáo dục đậm tính tôn giáo, khiến hệ thần Đạo giáo trong tranh được thăng hoa một cách trực tiếp có hậu ở hồi kết; người xem tranh thông qua đó mà tự răn mình, xét lại những việc mình đã làm và sống để tu nhân tích đức, tránh xa mọi thói hư tật xấu, đẩy lùi cái ác trong xã hội, hướng cuộc sống vươn tới thân-thiện-mỹ.
Từ giải mã bức tranh, chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa thờ tranh Nam Tào của đồng bào người Cao Lan ở Vĩnh Phúc nói riêng và dòng tranh thờ nói chung; hoặc giả thiết nếu đặt bức tranh thờ Nam Tào ra ngoài tín ngưỡng Đạo giáo, ta vẫn gặp những tư duy giáo dục con người sâu sắc chứa đựng trong nội dung tranh thờ mà mỗi người xem dù ở trình độ nào đều có thể cảm được. Đó là tính dân gian cộng hưởng với tín ngưỡng thờ thần trong ý niệm vẽ tranh thờ hay thờ tranh (có nội dung) của người xưa./.

Người tôi tâm đắc

ANH NÔNG DÂN MÊ ĐỒ CỔ
                                                                                                                   Nguyễn Anh Ngọc

          Nhận thức trước các giá trị văn hoá làng quê đang ngày dần mai một; từ những năm 90 của thế kỷ XX, anh nông dân Nguyễn Văn Trường ở xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã ấp ủ, cóp nhặt, sưu tầm các đồ gốm, sứ cổ trong xóm ngoài làng với một ý nghĩ “gìn giữ văn hoá cho làng”.
          Với bản chất của người nông dân, nhưng lại mang nặng niềm đam mê tìm tòi nghiên cứu đồ cổ; chính vì vậy cứ hễ có thời gian rảnh dỗi ngoài giờ đi cày, đi cấy, anh lại say mê tìm hiểu, hay đạp xe đi sưu tầm; dù là mảnh gốm sứ vỡ hay sứt mẻ anh đều gom góp đem về nâng niu, gìn giữ, bởi với anh “các hiện vật cổ đều có hồn và đượm chứa nét văn hoá, lịch sử,  ngôn ngữ, hơi thở của một xã hội” chính vì vậy các hiện vật đối với anh đều có giá trị nghiên cứu.
          Qua không gian trưng bày của anh mới cảm nhận hết được mục đích “gìn giữ văn hoá” thật lớn lao, thi vị, cùng ý nghĩa. Để thoả lòng đam mê thưởng ngoạn và tiện bề cho bà con dân làng đến tìm hiểu văn hoá, lịch sử hay tìm lại hình ảnh đồ vật xưa trong gia đình; anh trưng bày tất cả cổ vật mà anh sưu tầm được lên cổng, tường rào, vách nhà, hòn non bộ,..v.v...Cả không gian choán ngợp bởi trên 4.000 nghìn cổ vật, từ rìu đồng Đông Sơn, mảnh gốm Gò Mun, Phùng Nguyên, vò, hũ thời Hán (tk I-II) đến bát, đĩa, ấm,...thời Lý, Trần, Lê (từ tk X-XVIII), độc bình, chum, vại,...thời Nguyễn (tk XIX-XX), và cả cối giã gạo của người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Nhưng có lẽ nổi bật hơn trong không gian trưng bày của anh là bộ sưu tập đa dạng đĩa gốm, sứ ước khoảng 3.800 chiếc phần lớn có niên đại thời Lê Mạc (tk XVII-XVIII), Nguyễn (tk XIX), và đời Thanh (Trung Quốc). Bộ sưu tập đĩa nổi bật ở các mảng trang trí mỹ thuật; về chủ đề thiên nhiên khá phong phú với đề tài: Hoa điểu (chim hoa), Thạch trúc (tre trúc và đá), Tam hữu (hoa mai, cúc, trúc), Tùng hạc (chim hạc và cây tùng), Lý ngư (cá chép), Phượng vũ (chim phượng)..v.v..Bên cạnh đó còn có mảng đề tài vẽ người trong tích truyện như Thất hiền trúc lâm, Lã Vọng, Trà tổ, Phúc lộc thọ..v.v...
          Nhưng điều ngạc nhiên hơn khi tiếp xúc với anh nông dân Nguyễn Văn Trường lại nằm ở sự am tường về đồ cổ, từ chất liệu, kỹ thuật chế tác, nung lửa, và nghệ thuật trang trí gốm, sứ,...rồi công dụng của từng đồ vật, niên đại lịch sử, xuất xứ từ lò gốm sứ trong nước hay nước ngoài, anh đều tường tận, giảng giải cho khách tham quan hay bà con dân làng mỗi lần đến xem hoặc tìm hiểu. Khi chia sẻ và đặt câu hỏi, người chơi cổ vật ắt hẳn phải có kinh tế. Anh chỉ cười và giải thích “Người chơi cổ vật cũng có năm bảy đường, nhưng theo anh hiện nay có ba loại: loại thứ nhất là chơi gia truyền nghĩa là hiểu biết, có kinh tế nên họ chơi theo sưu tập, đồ vật đẹp, lành lặn. Loại thứ hai có hiểu biết, ý thức lưu giữ nhưng không có kinh tế (tôi thuộc loại này), nên thường chỉ sưu tầm được đồ vỡ, sứt mẻ, hoặc cả mảnh vụn,.. Loại thứ ba là vừa chơi, vừa buôn bán cả đồ thật và giả”. Anh tâm sự “trước đây nhìn những cổ vật có giá trị văn hoá trong làng theo chân người buôn ra đi, anh cảm thấy xót sa, nhưng lực bất tòng tâm”; chính vì điều này mà anh luôn cố gắng lao động để giành giụm những đồng tiền ít ỏi cho việc bổ sung vào bộ sưu tập “nhằm góp phần gìn giữ  văn hoá cho làng”. Hiện nay tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng anh luôn trăn trở làm giàu thêm bộ sưu tập của mình; và anh hy vọng các hiện vật của anh sẽ có ý nghĩa giúp thế hệ mai sau hiểu hơn về lịch sử, văn hoá; nhất là văn hoá làng quê đang ngày dần mai một.
          Trước việc làm mang đầy ý nghĩa của anh, nhiều người dân trong xóm, ngoài làng biết chuyện còn mang đến biếu không những đồ vật gốm, sứ trong gia đình mà trước đó nhiều lái buôn đồ cổ đã ngã giá bằng con lợn hoặc vài tạ thóc; nhằm góp vốn làm giàu thêm “bộ sưu tập” của  anh nông dân mê đồ cổ.
Dù theo anh các đồ cổ trong bộ sưu tập anh sở hữu có giá trị kinh tế không cao, nhưng hẳn giá trị lịch sử, văn hoá của nó khó bề mà đo được. Việc làm của anh nông dân Nguyễn Văn Trường mang đầy ý nghĩa văn hoá; khi mà cuộc sống đô thị đang từng ngày len lỏi, tác động tới cuộc sống, sinh hoạt ở các làng quê, thì vấn đề bảo tồn văn hoá thật đáng quan tâm gìn giữ.
Hy vọng trong tương lai gần, không gian trưng bày cổ vật của anh sẽ là điểm du lịch văn hoá hấp dẫn; đồng thời là địa chỉ góp phần nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hoá lịch sử của dân tộc nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng./.

         
 


         

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Tranh thờ Mẫu ở Vĩnh Phúc

TRANH THỜ TRONG PHỦ MẪU
                                        Nguyễn Anh Ngọc
Tín ngưỡng thờ Mẫu tam toà, tứ phủ ở vùng đồng bằng Bắc bộ có từ thuở sơ khai, khởi nguồn từ tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thuỷ cổ đại của người Việt.
Quá trình hình thành, tồn tại của tín ngưỡng thờ Mẫu là một chuỗi dung hợp hài hoà giữa ý thức tín ngưỡng bản địa với hệ tôn giáo, đạo giáo mang yếu tố ngoại lai để trở thành một phức hệ Phật-Đạo-Mẫu cùng phát triển trong xã hội.
Bộ tranh thờ cổ dưới đây là một phác hoạ tiêu biểu chuyển tải tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa.
Để hiểu hơn về tục thờ Mẫu; tác giả giới thiệu đôi nét về tín ngưỡng qua Bộ tranh thờ trong phủ Mẫu thuộc sưu tập của Nguyễn Anh Ngọc. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Tam giáo (Phật-Đạo-Mẫu):
Tranh: Tam giáo (Phật - Đạo - Mẫu) chất liệu gỗ, sơn khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX
 Là bức vẽ dung hợp Phật-Đạo-Mẫu theo quan niệm tín ngưỡng-tôn giáo của người Việt xưa; được các hoạ công vẽ tranh thờ dân gian hình tượng hoá khái niệm và ước lệ thu gọn vũ trụ, Phật-Đạo-Mẫu trong bức tranh này.
Qua khái quát tầng không gian ước lệ, giữa thực và ảo: Khi trời đất khai sinh, vũ trụ bao la được phân định thành những cõi khác nhau: Cõi Phật ( Tam thế: Quá khứ-Hiện tại-Tương lai), cõi Trời (Ngọc Hoàng), (Mẫu Thượng thiên) cõi Rừng (Chúa Thượng ngàn), cõi Nước (Mẫu Thuỷ), cõi Đất (Mẫu Địa),...ngự trị vũ trụ.
Theo quan niệm: người Việt xưa luôn coi đây là các vị chân tiên, thần phật trị vì các cõi, miền nên họ thấu hiểu mọi việc trong vũ trụ; và họ luôn gia ân, giang tay cưu mang, giúp đỡ mọi người dưới cõi đời.
Chúa Thượng ngàn: 
Tranh: Chúa Thượng ngàn (gỗ, sơn) khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX
Với quan niệm vũ trụ bao la được phân chia thành nhiều miền, cõi khác nhau; nhưng quan niệm sơ khai rõ nét nhất là bốn cõi:Trời-Rừng-Nước-Đất.
 Mẫu Thượng Ngàn là vị thánh mẫu toàn năng, trông coi miền rừng, núi (Nhạc phủ); được vẽ thành bức Động Sơn Trang độc lập, thờ bên trái trong phủ Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.
Hình tượng Mẫu được vẽ với khuôn mặt trái xoan, nhân hậu, bao dung, đầu đội vương miện, có tia hào quang toả sáng; thân mặc trang phục màu xanh, thường ngồi võng đào, tay trái cầm quạt, tay phải bắt quyết; hai bên có các tỳ nữ đứng hầu, dâng hương hoa, đăng, trà,....
Theo quan niệm “rừng vàng, biển bạc” người Việt xưa luôn đặt niềm tin ở miền giàu có tự nhiên – nơi rừng núi sản sinh ra hoa, trái, chim, muông,...nuôi sống con người từ thời hồng hoang, nguyên thuỷ.
Trần Triều Đại vương: 
Tranh: Trần Triều Đại Vương (gỗ, sơn) khoảng cuối thế kỷ XIX đầu XX
Là bức vẽ Quan Phủ Trần triều, tức là Hưng Đạo Vương-Trần Quốc Tuấn (Vị tướng văn, võ song toàn tk XIII-XIV) được dân gian tôn vinh là Cha (Tháng tám giỗ Cha/Tháng ba giỗ Mẹ) phối thờ bên phải trong phủ Mẫu .
Trong tranh Hưng Đạo Vương ngồi oai phong dưới trướng thêu lưỡng long trầu nguyệt; mặt ngài hồng hào, râu dài, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc triều phục màu đỏ, đeo cân đai bối tử; tay phải cầm kiếm, tay trái cầm lệnh bài. Bên tả, hữu có hai bộ tướng đứng hầu, vị đứng bên phải (hữu) mặt mày dữ tợn, mặc áp giáp, tay cầm đoản kiếm là quan võ; vị đứng bên trái (tả) là quan văn khuôn mặt hiền từ, tay cầm ống văn-giấy tờ. Phía trước có hai người hầu, giúp việc.
Trong thực tế, Trần Hưng Đạo đã hiển linh trở thành vị Thánh (Đức Thánh Trần) với quyền pháp, uy lực thực thi hành pháp nơi cửa Mẫu,...trừ tà, diệt ma, chữa bệnh bằng phép thuật giúp đỡ dân làng.
Thần Ngũ Hổ:
Tranh: Thần Ngũ Hồ (gỗ, sơn) khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX
Theo quan niệm của người xưa, thần hổ là vị chúa tể sơn lâm (vùng rừng, núi) vị thần linh (đệ tử) gần gũi với Mẫu Thượng Ngàn; nên trong phủ thờ Mẫu thường bài trí ban thờ ngũ hổ - ngũ dinh. Hình vẽ trong bức tranh thờ là năm vị thần:
         Hoàng hổtướng quân: ngồi ở vị trí trung tâm, trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương-ứng với hành Thổ (vàng).
        Thanh hổ tướng quân: trấn giữ phương Đông - ứng với hành mộc (xanh).
        Bạch hổ tướng quân: trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim (trắng).
        Xích hổ tướng quân: trấn giữ phương Nam - ứng với hành hoả (đỏ).
       Hắc hổ tướng quân: trấn giữ phương Bắc - ứng với hành thuỷ (đen).
Xung quanh năm vị thần hổ còn có cờ thần, kiếm lệnh; các quan, quân giúp việc trấn áp tà khí năm phương, bảo vệ nơi linh thiêng cửa Mẫu.
 

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011


HÌNH TƯỢNG MÈO
TRONG TRANH ĐÁM CƯỚI CHUỘT
  Nguyễn Anh Ngọc

“Tết về nhớ bánh trưng xanh
Nhớ đám cưới chuột, nhớ tranh lợn gà”

          Nhắc tới dòng tranh Tết dân gian Đông Hồ, chúng ta như được trở lại với những đề tài quen thuộc Chăn trâu thổi sáo, Hứng Dừa, Đánh ghen, Gà đại cát, Lợn đàn, Vinh hoa phú quý,...Bởi nó mang thông điệp ước mơ, cùng niềm khát vọng của người dân lao động về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc; song bên cạnh còn có mảng đề tài mang tính phê phán những thói hư, tật xấu của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến xưa; mà đại diện tiêu biểu cho mảng đề tài đó là bức “Đám cưới chuột”, hài ước và châm biếm là hai giá trị cốt lõi để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem qua bao thế hệ.
          Nội dung tranh “Đám cưới chuột” dàn trải trên một vùng không gian ước lệ, bằng lối phân mảng bố cục biểu diễn đồng hiện; với các lớp chính, phụ đối tiếp. Bằng cái nhìn tinh tế, chân thực tác giả lấy chủ đề đám rước dâu của tầng lớp trung lưu trong xã hội phong kiến để phác hoạ một đám cưới chuột tưng bừng, nhộn nhịp diễn ra rất đúng nghi lễ, ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau. Chuột chàng (chú rể) cưỡi ngựa hồng đi trước, thân mặc áo gấm xanh, vẻ mặt hoan hỉ, ngoái lại nhìn chuột nàng (cô dâu) dịu dàng ngồi trên kiệu, theo sau là đoàn chuột vác lọng tía, và đám rước kiệu hoa với biển đề “nghênh hôn”. Song song với đoàn rước dâu là đoàn chuột khăn áo chỉnh tề, trịnh trọng với tiếng kèn, tiếng trống mang theo lễ vật chim, cá nghinh cống nạp “quan mèo” để cầu mong đám rước dâu của họ hàng được diễn ra yên ổn.
Hình ảnh vị “quan mèo” trong Đám cưới chuột  được người hoạ công vẽ tranh dân gian bố cục ngồi đối lập ở góc trái của bức tranh; sự bố trí nhân vật mèo ở vị trí này đủ gợi ý giúp người xem tranh nhận thức và liên tưởng tới bộ mặt trái của xã hội (tệ tham ô, ăn đút lót, hà hiếp dân lành,...) luôn hiện hữu; mà hình ảnh đó không gì khác ngoài vị “quan mèo” to béo đang ngồi bệ vệ, choán ngợp cả một góc trên cùng với hàm ý “quan” trên; còn họ hàng nhà chuột mang hình ảnh ẩn dụ của những người dân lao động cùng cực dưới xã hội phong kiến phải khúm núm phục dịch, tấu nhạc làm vui và dâng lễ vật chim, cá cho “quan mèo” để cầu mong mọi chuyện êm đẹp, cuộc sống yên bình. Qua đường nét diễn tả, khuôn mặt vị “quan mèo” tuy tỏ vẻ dò xét, thận trọng nhưng vẫn đưa tay nhận lễ biếu (chim câu, cá chép) từ họ hàng nhà chuột. Cử chỉ đồng thuận này cho thấy sự ngầm hiểu ý giữa kẻ dâng lễ và kẻ nhận lễ; để làm ngơ, bỏ qua cho một công việc, hoặc có thể bỏ qua cả một chuỗi quy luật vì ý thức phục tùng dâng lễ để được “quan mèo” gia ân bình an (ngày vu quy của vợ chồng chuột).
          Để biểu đạt rõ nét chủ đề nội dung, nhân vật; người hoạ công còn chú thích chữ: Nghênh hôn (đám cưới), Tác lạc (làm vui), Thử bối đệ ngư (đàn chuột dâng cá), Miêu nhi thủ lễ (chú mèo giữ lễ) giúp người xem tranh cảm nhận trực quan và thi vị trong tiếng cười trào lộng. Bởi trong thực tế, mèo là kẻ khắc tinh với họ hàng nhà chuột, và chuột luôn sợ hãi, cảnh giác mèo,...ấy vậy mà người hoạ công dân gian lại khéo sắp đặt hình ảnh tương phản để diễn tả mối quan hệ cộng sinh giữa mèo - chuột trong việc hệ trọng: Đám cưới. Đó là nét độc đáo, tính thời sự của bức tranh.
          Không biết bức tranh ra đời từ bao giờ, khoảng thời điểm nào. Nhưng suy diễn chắc hẳn nó được sáng tác dưới chế độ xã hội phong kiến hà khắc; nên khi hoàn thành, đúng lẽ bức tranh phải được đặt một cái tên bám sát với chủ đề phê phán tệ quan tham, ăn hối lộ, đút lót, nhũng nhiễu dân lành. Nhưng để tránh sự phản ứng trực tiếp từ phía giai cấp thống trị, bức tranh được đặt tên dưới vỏ bọc “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy” vui nhộn, hóm hỉnh; nhưng ẩn chứa mạnh mẽ lời phê phán tích cực của nhân dân lao động trước nạn tham ô, nhũng nhiễu của bọn quan lại, cường hào; đồng thời là tiếng cười chế giễu sâu cay của người dân lao động đối với giai cấp thống trị. Điều hơn nữa trong “Đám cưới chuột” đã giải quyết có tình, có lý bằng lối ứng xử mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp; là thông điệp của người xưa gửi lại cho muôn đời./.
                                                                                                          N.A.N