Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

NGUYỄN KHẮC KHOAN

DI VẬT CỔ
TRONG ĐỀN NGUYỄN KHẮC KHOAN

                                                                          Nguyễn Anh Ngọc

          Đền thờ Nguyễn Khắc Khoan hay còn gọi là Gia Loan tự ở thôn Vĩnh Mỗ thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc có nét kiến trúc kiểu chữ đinh ( ) gồm 3 gian nhà tiền tế và 1 gian hậu cung được xây dựng trên gò đất hình quy phục (rùa nằm) giữa cánh đồng bằng, hướng mặt ra phía Nam nơi có dòng sông Loan chảy vòng cung bao quanh lấy ngôi đền tạo nên thế lưu thuỷ liên hoàn.
          Theo thuật phong thuỷ vị trí ngôi đền tuy không đủ thêm ba yếu tố thanh long, bạch hổ, chu tước nhưng người xưa đã biết chọn huyền vũ độc lập mà vẫn tạo được phúc trạch, bởi nhà phong thuỷ đã vận dụng gò cao (dương) phía sau lưng làm điểm tựa để mở hướng thuận ra sông Loan (âm), hai yếu tố kết hợp hài hòa sẽ sinh vượng khí bốn mùa. Đó là nét chung trong quan niệm chọn đất dựng nhà của người Việt xưa.
          Bên cạnh các giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh, phong thuỷ, trong ngôi đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ đặc sắc có giá trị nghiên cứu như: Hoành phi, câu đối và Khám thờ khắc phù điêu chân dung tướng quân Nguyễn Khắc Khoan và hai bộ tướng là những tác phẩm tuyệt tác của bàn tay lao động và trí óc sáng tạo được kết hợp với thẩm mỹ, kỹ thuật điêu khắc tài hoa của người nghệ sỹ năm xưa đã thể hiện sinh động đề tài trên chất liệu gỗ sơn son thếp vàng tạo nên sắc độ ngoạn mục, lung linh khi gặp ánh sáng tương phản từ đèn, nến làm tôn lên vẻ đẹp huyền bí, thâm nghiêm nơi thờ tự. Hơn nữa bằng bố cục cân xứng, đường nét tạo hình hài hoà, mềm mại nhưng tinh tế diễn tả được cái thần khí của nhân vật thần linh và ngôn ngữ ca ngợi tố chất anh hùng trước thế cuộc thời đại.
          Để từng bước hình dung và cảm nhận vẻ đẹp của Ngôn ngữ - Mỹ thuật qua các di vật cổ đặc sắc trong ngôi đền, người viết sắp xếp trình bày theo hai nhóm giá trị tiêu biểu sau:
          Nhóm Văn tự: Bên cạnh các thần tích, sắc thần (giấy) hiện trong đền còn lưu giữ hai bức Hoành phi và đôi Câu đối cổ bằng gỗ được chạm khắc lối chữ chân khoáng đạt, bay bổng và phụ hoạ với các nét trang trí hoa văn triện uyển chuyển, lấp lánh trong sắc thái sơn son thếp vàng truyền thống.
          Bức thứ nhất: Hoành phi đề bốn chữ Hán “Thiên hạ anh hùng” treo trang trọng ở gian giữa nhà tiền tế. Nội dung ngôn ngữ ca ngợi anh hùng thiên hạ Nguyễn Khắc Khoan tự xưng là Thái Bình trong thời thập nhị sứ quân (945-967) được các nghệ sỹ năm xưa chạm nổi nét chữ chân tinh tế, kết hợp với hoa văn chạy triện xung quanh bốn góc vuông tạo nên bố cục cân xứng, hài hoà, đồng thời tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm thờ tự.
          Bức thứ hai: Hoành phi có đề ba chữ Hán “Tối linh từ” nghĩa là ngôi đền linh thiêng, luôn bảo trợ phù hộ dân làng được treo ở chính giữa hậu cung, nơi đặt Khám thờ khắc phù điêu chân dung tướng quân Nguyễn Khắc Khoan.
          Ở phía dưới bức hoành phi treo đôi câu đối dọc hai bên hàng cột tiền hậu cung, mỗi vế đối gồm mười một từ, có thanh điệu bằng trắc.
          Vế mở: “Ngô vương kỷ dĩ hậu thiên biên dư niên vu kim”
               đối: “Nguyễn Gia Loan tri giang thập nhị sứ quan kỳ nhất
Tam dịch:     Ngô Vương Xí lấy khí tiết của trời đến nay còn chưa hết
                   Nguyễn Gia Loan biết việc nước mười hai sứ quân trông mong là một
Qua các dòng Hán tự ngắn gọn, xúc tích trên như chuyển tải được cái tinh tế trong sáng của ngôn từ ca ngợi thân thế, sự nghiệp của tướng quân Nguyễn Khắc Khoan trước bối cảnh lịch sử, xã hội phân tranh; đất nước bị chia cắt thành mười hai sứ (945-967) nhưng ở góc độ nào đó trong xã hội vẫn có thể ghi nhận công lao đóng góp của ông đối với công cuộc xây dựng dải Tam Đới rộng lớn, mà huyện Yên Lạc là một bộ phận của vùng đất cổ đó; và đồng thời đứng bên cạnh các giá trị về minh văn là sự góp mặt của người nghệ sỹ năm xưa đã thể hiện rất thành công trong tác phấm Văn tự kết hợp với yếu tố Mỹ thuật để làm nên tác phẩm tuyệt tác, qua đó có thể nói rằng các nghệ sỹ vừa là nhà điêu khắc tài hoa nhưng lại rất đỗi uyên bác về thư pháp.
          Nhóm mỹ thuật gồm 3 bức phù điêu.
          Bức thứ nhất: Phù điêu chân dung Nguyễn Khắc Khoan được tạc ngồi trong khám thờ có chiều cao khoảng 80cm. Đầu đội mũ xung thiên, khuôn mặt vuông, mắt én, mày ngài, đôi tai dài phúc hậu, thân mặc áo gấm in long vân, ở ngực thêu ô vuông có hình kỳ lân, bụng thắt đai có hoạ tiết rồng, mặt nguyệt. Tay phải cầm hốt bài (lệnh), tay trái đặt hờ trên đầu gối, chân đi hia. Ngắm tư thế tướng quân ngồi ung dung, tự tại trên long ngai chạm hình lưỡng long chầu nguyệt. Ở các đường nét chạm chân dung, rồng chầu được các nghệ sỹ xưa kia thể hiện tinh tế ở từng chi tiết nhỏ tạo nên cho bức chạm sinh động, hấp dẫn gợi cho người xem cảm nhận tướng quân như linh thần biểu tượng qua sức mạnh của đôi rồng ẩn mình, vươn đầu ra từ đám mây nước cuộn nổi gợi cho người xem liên tưởng tới bức tranh “long vân tụ hội”. Ở đường diềm trang trí đỉnh khám thờ có chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt và hoạ tiết hình triện được cách điệu trang trí hai bên diềm cánh. Toàn bộ chân dung và khám thờ được người nghệ sỹ năm xưa quét lớp sơn then, son rồi thếp vàng quỳ tạo cho bức chân dung lunh linh huyền ảo trước ánh sáng chợp chờn của ngọn đèn nến.
          Bức thứ hai: Phù điêu quan võ có tên là Ôn Nhời tướng quân (theo thần tích) được tạc đứng trong khám thờ có chiều cao khoảng 65cm được đặt thờ ở bên phải lối cửa ra vào hậu cung. Chân dung quan võ đầu đội mũ giáp trụ tròn, khuôn mặt nghiêm nghị, thân mặc hai lớp áo, lớp trong dài quá gối, lớp ngoài áo giáp ngắn có dạng tròn che trước ngực, ở cả hai lớp áo đều có điểm hoa văn gợn nởi, bụng thắt đai bệ vệ, tay phải cầm trường đao dựng đứng theo thân mình, tay trái đặt lên trước ngực như thể hiện lòng trung thực. Chân trái co, chân phải duỗi như đặt cả trọng tâm cơ thể lên cuồng mây cuộn nổi được các nghệ sỹ điêu khắc chạm bong nổi nhịp điệu, khoẻ khoắn cho cả bố cục.
Bức thứ ba: Phù điêu quan văn có tên là Nhẹ Nhời quân sư (theo thần tích) được tạc trong khám đặt thờ ở bên trái lối cửa ra vào hậu cung. Ở bức chạm này về cơ bản được tạc giống hình tượng tướng quân Ôn Nhời ở các chi tiết nét mặt, trang phục, thần thái,...và chỉ khác ở chi tiết tay trái cầm trường đao, tay phải đặt lên trước ngực thể hiện lòng tôn kính và trung thực với bề trên. Chân phải doãi, chân trái co lên đặt trên một đám mây cuộn nổi với các đường lượn mềm mại nhưng tạo mảng khối chắc khoẻ cho cả bố cục tạo hình. Xung quanh các diềm trang trí khám thờ có chạm nổi hình rồng và chữ triện.
Dưới góc độ mỹ thuật ba bức phù điêu sơn son thếp vàng chân dung tướng quân Nguyễn Khắc Khoan cùng hai bộ tướng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc trong dòng mỹ thuật dân gian Việt Nam. Ở nó có sự kế thừa và phảng phất phong cách thể hiện các bức chạm gỗ và sơn thếp ở đình Thổ Tang (tk XVII) và có nét tương đồng với các bức chạm gỗ văn quan, võ tướng bài trí trong đền Thính (xã Tam Hồng). Trên cơ sở nghiên cứu mỹ thuật thời Nguyễn và một số di vật thờ tự hiện còn lưu giữ trong đền có thể phỏng đoán ba bức phù điêu có niên đại vào khoảng thể kỷ XIX (?).
Từ hai nhóm giá trị tiêu biểu trong Đền thờ Nguyễn Khắc Khoan như gợi mở nội dung ẩn chứa các giá trị lịch sử, văn hoá tâm linh thật truyền cảm. Nếu như người xem cảm nhận ở mảng Văn tự là ngôn ngữ chuyển tải tới người đọc bằng sự ghi tạc thân thế, sự nghiệp và ngợi ca người anh hùng Nguyễn Khắc Khoan qua các bức Hoành phi, câu đối thì ở mảng Mỹ thuật lại lấy ngôn ngữ tạo hình để mô phỏng chân dung qua mảng khối, đường nét theo cảm nhận, suy tưởng để phác hoạ nên hình ảnh tướng quân có thần thái, oai phong lẫm liệt, để người đời chiêm nghiệm và thể hiện lòng ngưỡng mộ. Hai giá trị trong một di tích tuy là những mảng thể hiện theo ngôn ngữ rất riêng nhưng cùng đồng nhất thần bí, tôn vinh sự nghiệp anh hùng của tướng quân Nguyễn Khắc Khoan.
Như chúng ta thấy trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, kiến trúc ngôi đền có bị đổi thay nhưng các di vật cổ vẫn được nhân dân bảo toàn gìn giữ như một giá trị bất biến của linh hồn gắn kết với ngôi đền, gắn kết với dân làng, mong cầu “Quốc thái dân an”. Đó là cái làm nên nội dung văn hoá tâm linh đặc sắc mà ít nơi có được, và cũng chính từ những giá trị trên ngôi đền đã được UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.
Điều đặc biệt quan tâm hơn nữa khi nghĩ tới các di vật cổ có giá trị tiêu biểu trong ngôi đền là vấn đề quản lý bảo tồn; bởi hiện nay vị trí ngôi đền nằm giữa cánh đồng vắng, ngay bên cạnh đường liên huyện, việc quản lý trông nom còn mỏng và thưa thớt, nên chăng các cơ quan quản lý văn hoá ở cơ sở và chính quyền địa phương cần có phương án bảo vệ di tích và đặc biệt là các di vật cổ có giá trị nghiên cứu, bảo tồn. Để trong tương lai không xa, đền thờ Nguyễn Khắc Khoan sẽ là địa chỉ đỏ nằm trong tam giác gắn kết với Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu - Chùa Biện Sơn thành một quần thể di tích hấp dẫn các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, mỹ thuật và khách tham quan du lịch về vùng đất Yên Lạc nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung./.
                                                                                                                                                                            NAN

Năm 2012 - Nữ tướng Lê Ngọc Trinh

Phần I
SỰ TÍCH DANH TUỚNG LÊ NGỌC TRINH  (20 - 43 Sau CN)

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
(Hồ Chí Minh)

Chuyện xưa kể rằng: Vào những năm đầu công nguyên, ở làng Lũng Ngòi (nay là Lũng Ngoại, xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) có vị tổ 3 đời dòng họ Lê vốn quê gốc xứ Hải Dương lên định cư. Thời đó đất Kinh Môn chìm trong binh lửa tàn phá, ông tổ họ Lê chuyển lên làng Lũng Ngòi định cư làm nghề bốc thuốc chữa bệnh. Đến đời con trai ông là Lê Quang sinh được 2 người con trai. Một người là Lê Định, năm 23 tuổi sau khi lập gia đình lại trở về quê cũ sinh sống, giữ cơ nghiệp tổ tông; còn người con thứ là Lê Hoàn kết duyên với bà Nguyễn Thị Tấn người gốc ở xóm Ngòi. Ông làm nghề bốc thuốc, bà làm ruộng; hai ông bà là người sống có đạo đức lấy nhân nghĩa làm trọng, luôn giang tay giúp đỡ người nghèo quanh vùng, coi mạng người là quý mà không ham lợi nên mọi người đều kính trọng gọi là ông lang Lũng Ngòi.
          Vào một buổi chiều trên đường đi hái thuốc về, vợ chồng ông Lang ngồi nghỉ chân bên đầm sen ở Đàm Luân. Lúc đó trời đã sang quá chiều, cánh đồng lúa trải dài xanh ngát tới tận chận trời, gió đưa hương lúa, hương sen thơm ngát; những bông sen đua sắc thắm hồng xoè cánh phô nhị vàng khẽ lay động, mấy chú chim chích bông nhỏ xíu nhảy nhót trên những bông sen, làm lay động làn nước lấp lánh ánh chiều vàng. Lê Hoàn và vợ say mê trước khung cảnh đẹp thơ mộng, bịn dịn không nỡ cất bước. Ông thở dài và nói: " Giang sơn Âu Lạc ta thật gấm vóc, tiếc rằng bao lâu nay bị giặc ngoại xâm giày xéo tang thương ". Nghe lời ông nói, trong lòng bà vẫn biết ông có tâm sự nên chỉ nói: "Ông ạ, tối mãi cũng có lúc sáng, mưa mãi cũng có lúc nắng; biết đâu đến đời con chúng ta lại được thấy những sự đổi thay huy hoàng đó ". Bà nói xong lại chợt buồn vì nghĩ đến chuyện con cái; bởi vợ chồng làm bạn với nhau kể cũng đã lâu thế mà chưa sinh được một mụn con cho vui cửa vui nhà. Bà vừa rứt lời, bỗng trời nổi gió nhẹ, dưới ánh nắng ban chiều vàng như dát mật xuất hiện một đôi chim phượng từ đâu bay tới, trao lượn trên mặt đầm, sắc lông rực rỡ toả sáng quyện vào làn khói lam chiều, rồi lại sải cánh bay đi, chốc lát đã lẫn khuất trong những đám mây trời. Trước cảnh tượng lạ thường, ông khẽ vui: “Chim Phượng xuất hiện, thiên hạ thái bình; gặp chim phượng hôm nay hẳn rằng trời muốn báo cho chúng ta điềm vui mừng gì đây”. Bà thoảng cười, rồi nhìn sang ông nói nhỏ: “Điềm vui gì cũng chẳng bằng có một đứa con cho vui cửa vui nhà ông ạ”.
          Từ lúc gặp đôi chim phượng, về nhà bà Tấn thấy mình thụ thai, đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà sinh đôi được hai con gái. Ông Lê Hoàn vui mừng đặt tên người chị là Lê Ngọc Thanh, em là Lê Ngọc Trinh; dân làng quen gọi hai chị em là Ả Chàng và Ả Chạ.
          Thời gian thấm thót thoi đưa, hai chị em Ả Chàng và Ả Chạ giờ đã trở thành thiếu nữ xinh tươi, toả hương như đoá sen hồng. Lê Ngọc Thanh là chị, dung nhan đằm thắm, nết na hiền dịu, khéo may vá thêu thùa và giỏi việc đồng ruộng; còn Ngọc Trinh trái lại dung mạo sắc sảo, mắt sáng long lanh, môi như hoa lựu, không bao giờ yên chân yên tay, luôn cười nói vui nhộn và thích chơi đánh trận giả cùng lũ trẻ mục đồng. Trong cuộc chơi trận giả, Ngọc Trinh thường được lũ trẻ suy tôn làm thủ lĩnh, rồi chia hai phe để chơi; phe nào thua sẽ phải cống nạp cho bên thắng bắp ngô, củ khoai hoặc kiệu đội thắng trận đi dọc khắp làng.
          Năm Lê Ngọc Thanh 19 tuổi, một viên quan đô hộ người Hán cho người đến mai mối dạm hỏi Ngọc Thanh về làm tì thiếp, nhưng ông bà Lê Hoàn và Ngọc Thanh không thuận tình. Mấy hôm sau, viên quan đô hộ liền cậy thế cho lính đến bắt nàng về dinh sở. Từ ngày bị ép làm tỳ thiếp, Ngọc Thanh buồn phiền, ngày càng sinh bệnh vài tháng sau qua đời. Ông bà Lê Hoàn căm giận kẻ ngoại xâm thống trị ức hiếp dân lành, xót thương con gái ra đi ở tuổi xuân nên uất ức mang bệnh nặng rồi lần lượt qua đời. Trước khi lâm chung, Lê Hoàn cầm tay Ngọc Trinh căn dặn: "Con có tố chất anh hùng, không như hạng nhi nữ thường tình. Vì nước mất nên nhà mang nhục, con hãy ghi nhớ thù nhà, nợ nước phải trả".  
Sau ngày an táng cha mẹ. Ngọc Trinh sang ở cùng gia đình ông cậu; nhưng trong lòng không nguôi nhớ cha mẹ và chị cùng lời cha dặn lúc lâm chung. Hàng đêm dưới ánh trăng sao, Ngọc Trinh thường cùng trai tráng trong làng say mê luyện tập võ nghệ, ai cũng mong muốn một ngày được cầm gươm giết giặc. Một lần Ngọc Trinh đem chuyện hỏi ông cậu: “Kết bạn với người tuấn kiệt, anh tài rồi chiêu binh, luyện võ dựng cờ khởi nghĩa chống chống phu chống thuế cho dân làng, giặc đến thì đánh đuổi, việc đó là quan trọng nhất trong lúc này phải thế không cậu ? ". Ông cậu đáp: “Ý chí của cháu rất tốt, nhưng cần phải có sự chuẩn bị tốt; nếu không bước vội thì vấp, cháo nóng ăn ngay sẽ bị bỏng. Vả lại quân cần có lương, có lương mới đánh được lâu dài. Hơn nữa có lương cũng chưa đủ, lại nên chia quân thành đội ngũ, hiệu lệnh nghiêm minh, kỷ cương chặt chẽ, có thế mới tránh khỏi là quân ô hợp. Như vậy chúng ta không nên ham luyện tập mà lơi lỏng việc cày cấy, lại nên cử các đầu lĩnh, đội ngũ rõ ràng, cháu nghĩ thế nào ?". Lê Ngọc Trinh vui mừng đáp rằng: "Lời cậu dạy bảo làm cháu sáng ý ra nhiều. Bởi lúc này nghĩa binh chúng ta còn mỏng, lương thực còn ít, ta nên giữ kín hình tích, khỏi bị giặc Hán dẹp non  phải không cậu".
          Một chiều cuối thu, những cơn gió heo may mơn man trên ngọn cỏ, những bông lau trắng muốt khẽ bay như những hàng cờ trước gió. Ngọc Trinh viếng phần mộ cha mẹ và chị ở đồng Ngoài (), xúc động nén giọt nước mắt, Ngọc Trinh nghẹn ngào: "Ở dưới suối vàng, cha mẹ hãy về phù hộ giúp sức cho con sớm diệt kẻ thù, cho thỏa chí nguyện của cha mẹ và rửa hờn cho chị ". Khấn xong, nước mắt ướt nhoà đôi gò má. Chợt từ những bui cây phía sau có tiếng chân bước; Ngọc Trinh ngoảnh lại, thấy ông cậu đang tới, theo sau có hai người lạ mặt. Ngọc Trinh vội gạt nước mắt thì một người lạ mặt đã nói: "Thù nhà nợ nước, khóc có ích gì. Nước mắt đuổi sao được giặc ?". Ngọc Trinh nhìn người vừa nói, thấy người ấy đã đứng tuổi, mặc áo vải thô rách vai, người thấp và đậm, trán dô, miệng rộng, mắt sáng quắc. Đứng bên cạnh người đó là một người trẻ tuổi, gương mặt gầy gò, vai đeo một bọc nhỏ, lưng thắt dây thừng có gài con dao ngắn. Ngọc Trinh lễ phép cúi đầu chào rồi nói: "Tráng sĩ nói rất phải. Chẳng qua là lòng con nhớ cha mẹ nên mới có những giọt nước mắt ân tình. Các tráng sĩ tới đây gặp tôi, chắc hẳn có điều gì muốn trao đổi ". Hai tráng sỹ chưa kịp trả lời thì ông cậu đứng bên cạnh mới lên tiếng mời mọi người về nhà, cùng bàn việc.
          Dưới ánh sáng ngọn đèn dầu leo lắt cháy trong ngôi nhà tranh, vách nứa, bốn người ngồi uống trà bàn chuyện lúc to, lúc nhỏ. Lúc này Ngọc Trinh mới biết danh tích hai tráng sỹ lạ mặt, người nhiều tuổi là Nguyễn Hiển; còn người ....Hai tráng sỹ là những người có tài chí, thường ngày làm nghề chở đò dọc sông Hồng nên họ biết tin có một đoàn thuyền lương của giặc sắp đi từ sông Đáy ra sông Hồng tiếp tế cho đồn binh giặc ở ngã ba Hạc, nên đến bàn với Ngọc Trinh việc cướp lương thảo. Sau đó ta sẽ thừa thắng dựng cờ khởi nghĩa, rào làng đắp lũy, ra mặt chống giặc. Ông cậu nói: "Từ chuyện cướp lương thực ra chuyện khởi nghĩa, đó là việc lớn không dễ coi thường, chúng ta phải bàn cho kỹ mới được; bởi lúc này tình thế nhiều cuộc khởi nghĩa sôi sục lắm, nhưng vừa rồi Đặng tướng công chủ trưởng châu Bạch Hạc bị giặc sát hại vì đồng mưu với Thi Sách lật đổ nền đô hộ”. Ngọc Chinh liền thưa “Không khởi nghĩa, người dân vẫn bị giặc bắt, nhiều người bị giết; nên ai ai cũng hăng hái một lòng tham gia khởi nghĩa giết giặc, chống áp bức". Mọi người bàn bạc hồi lâu, rồi quyết định thừa dịp này tiến hành khởi nghĩa trong vùng, cướp lương giặc để gây thanh thế, bắt tướng giặc lấy máu tế cờ. Sau buổi bàn bạc lập tức Ngọc Trinh cho mời 18 trang chủ kết nghĩa đến cùng họp bàn việc đánh cướp thuyền lương giặc.
          Mấy ngày sau, đúng như lời dự đoán đoàn thuyền lương của giặc đã đến leo đậu ở bến làng Cao. Lúc này dưới sự chỉ huy của Ngọc Trinh, tất cả các cánh quân mai phục bên bờ sông đã sẵn sàng nhận lệnh. Đúng canh ba, gà gáy khi giặc đang say giấc ngủ, Ngọc Trinh phát lệnh nổi lửa, dân binh trên bộ dưới nước cầm dao, gậy, ào ào xông tới vây kín đoàn thuyền giặc, làm chúng không kịp chở tay. Nguyễn Hiển hai tay hai đao nhảy lên thuyền xông thẳng vào bắt sống tướng giặc Lưu Ứng Khâm. Bên ngoài kia Ngọc Trinh đôn đốc dân binh chuyển lương thực lên bờ, còn các bạn chèo giáp chiến với lính Hán. Những người dân Việt bị giặc bắt chèo thuyền lương lúc này cũng tham gia hợp sức với nghĩa quân đánh giết giặc Hán không còn một mống. Giữa lúc trận tổng tấn công giệt giặc, cướp luơng diễn ra; ông cậu từ đại bản doanh Đàm Luân liền dẫn một toán quân tinh nhuệ chặn đường bộ từ Bạch Hạc xuống làng Cao nhằm đề phòng giặc xuống cứu viện. Nhưng chờ mãi đến khi toàn bộ lương thực trên thuyền của giặc đã được dân binh chuyển xong, sau đó các thuyền giặc bị ta đánh chìm hết mà vẫn không thấy bóng quân Hán cứu viện, ông cậu mới rút quân về trại.
          Sáng hôm sau, Ngọc Trinh cùng 18 chủ trang trại làm lễ tế cờ khởi nghĩa, chém đầu Lưu Ứng Khâm lấy máu bôi cờ và bôi mặt trống đồng. Mọi người tôn Lê Ngọc Trinh làm nữ chủ soái, tôn ông cậu là phó soái, đặt trang sở ở Đàm Luân. Theo đó cả một vùng đất rộng lớn thuộc quản lý riêng, không phụ thuộc vào Phủ thái thú nhà Hán.
Nghe tin Lê Ngọc Chinh ở Đàm Luân dựng cờ khởi nghĩa, tên Thái thú Tô Định liền phái đại quân đến đánh dẹp cuộc khởi nghĩa; nhờ sự tập hợp sức mạnh của dân binh và đoán trước được mọi tình thế nên Ngọc Trinh đã cho phục binh đánh giáp một trận, gây tổn thất lớn cho giặc, buộc chúng thua và rút chạy. Sau trận thắng ấy, nhân dân càng thêm tin tưởng và hăng hái ủng hộ cuộc khởi nghĩa do Ngọc Trinh khởi xướng, nhiều trai tráng khắp vùng tới đầu quân góp sức xây thành, đắp luỹ phòng giặc.
          Một hôm Lê Ngọc Trinh tổ chức bàn kế chống giặc với tướng sỹ, ông cậu liền hiến kế: "Trước sau giặc tất sẽ đến đánh ta để dẹp cái lo của chúng. Nếu chúng ta tập trung cả quân tướng vào một nơi, lương thảo dồn một chỗ, có thể bị vây tuyệt đường bên ngoài, bị hãm vào thế cô lập. Nay ta nên tổ chức liên kết với các trang trại xung quanh cùng đào hào đắp lũy. Đàm Luân sẽ như nhị sen, còn các làng xung quanh là cánh sen, một trang bị vây thì các trang khác cùng tiến đánh, như thế mới là kế sách chống giặc lâu dài". Ngọc Trinh khen phải, liền đích thân đi bàn kế liên kết chống giặc với các trang chủ ở trong vùng, các trang chủ đều nhất trí nghe theo. Trước kế liên kết quân sự giữa các trang với nhau, quả nhiên mấy lần Tô Định cho quân tiến đánh Đàm Luân nhưng đều bị trong đánh ra ngoài đánh vào, gây tổn thất lớn cho giặc, buộc chúng phải lui quân.
          Thời đó, các phong trào khởi nghĩa chống giặc diễn ra ở khắp bốn quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), Nhật Nam (Trung Trung Bộ) và Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông, Trung Quốc) gây cho bọn quan lại, đô hộ hoang mang co cụm trong các thành trì.
          Đến đầu năm 1940, Hai Bà Trưng truyền hịch, phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn được nhiều nghĩa quân ở các quận hưởng ứng. Nghe tin đó, chủ soái Lê Ngọc Trinh liền dẫn nghĩa binh về tụ nghĩa được Bà Trưng phong làm Tả tướng quân.
Sau lễ tế cáo trời đất của Hai Bà Trưng tại Hát Môn, Lê Ngọc Trinh cùng các nghĩa binh tiến đánh Tô Định. Lê Ngọc Trinh tài giỏi bày mưu định kế, dũng cảm cùng cánh quân quân lập nhiều công trạng. Tướng quân Lê Ngọc Trinh một mình, một ngựa rong ruổi khắp Giao Chỉ, lấy cờ thêu chim phượng làm cờ hiệu, vó ngựa tới đâu, giặc tan tới đấy. Một vùng lưu vực các sông Lô, Đáy, Hồng,...đều sạch bóng giặc, hàng chục thành lũy quy thuộc về nghĩa quân. Sau những chiến thắng vang dội, Ngọc Trinh được Trưng nữ chủ phong Đại tướng quân và ban khen tám chữ vàng " Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần " cùng một chiếc trống đồng làm lệnh. Không bao lâu, các mũi tiến quân do Hai Bà Trưng chỉ huy tiến đánh Luy Lâu thủ phủ cuối cùng của 65 thành trì chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ bị hạ; tên Thái thú Tô Định và tàn quân chạy bán sống, bán chết về nước một cách nhục nhã.
          Đất nước sạch bóng quân thù, Bà Trưng lên ngôi vua xưng là Trưng Vương, đóng đô kỳ ở Mê Linh. Trưng Nữ Vương ra lệnh miễn thuế khoá cho dân, xóa bỏ chế độ lao dịch, phu phen, cống nạp và binh pháp cũ. Đồng thời Trưng Vương còn phong tước cho những người có công, giao quyền cai quản các huyện và chia các tướng lĩnh đi trấn giữ các vùng trọng yếu. Đại tướng Lê Ngọc Trinh được phong tước Ngọc Phượng công chúa, đại bản doanh đóng ở Đàm Luân (khu vực Lũng Ngoại, Hoà Loan ngày nay).
          Đất nước thanh bình chưa được bao lâu. Năm 43 Hán Quang Vũ sai Mã Viện làm chủ soái, Lưu Long làm phó soái dẫn 2 vạn binh mã và hàng nghìn thuyền chiến sang phục thù. Tiến vào đất Lĩnh Nam, Mã Viện hạ lệnh cho phó soái Lưu Long đích thân đem quân tiến đánh đồn trại Đàm Luân, và dặn rằng: "Người phải gắng sức, vì thành Đàm Luân là cái lá chắn bên sông vùng đồng bằng phía Tây và Nam Mê Linh, che chở các đồn trại thành lũy trung tâm của Trưng tặc. Phá được Đàm Luân, ngươi tiến quân thật nhanh về Mê Linh, hợp với ta từ Lãng Bạc dồn về, ắt Trưng tặc phải nguy khốn!". Lưu Long vâng lệnh điểm quân mã rầm rộ tiến đánh Đàm Luân bất ngờ. Hai quân giáp chiến từ lúc sáng sớm cho mãi sang chiều mà không phân thắng bại, trống đồng vẫn giục vang trời, giáo đâm dao phạt. Nữ tướng Ngọc Trinh một mình một ngựa tả xung hữu đột, quyết phá trận giặc. Càng đánh dũng khí Nữ tướng càng mạnh, chiến mã hí vang, dựng bờm tung vó. Giặc khiếp hãi oai thần phải rạt sang hai bên không tên nào dám lại gần. Tiếng trống đồng nổi lên oai hùng thúc giục, cờ phượng dương cao tám chữ vàng, quân Nam cùng hô một tiếng dậy đất vang trời tiến lên giết giặc. Tướng giặc Lưu Long giáp đẫm mồ hôi, mặt như chàm đổ, vội hô quân tháo chạy về bản doanh bên kia sông Đáy (thuộc vùng Sơn Đông, Triệu Đề huyện Lập Thạch ngày nay).
          Sau trận thất bại thảm hại của tướng giặc Lưu Long, đích thân lần này tên tướng lão luyện trận mạc Mã Viện kéo đại quân đến đánh Đàm Luân; Đại tướng quân Lê Ngọc Trinh chỉ huy cầm cự với quân Mã Viện ròng rã suốt năm trời, giặc không sao tiến đánh vào được nội địa. Mã Viện bị vua Hán Quang Vũ gửi thư quở trách. Hắn liền họp với các tướng lĩnh bàn kế phá cửa ải Đàm Luân. Mã Viện cho rằng dùng đại quân không thể thắng Lê Ngọc Trinh được, nên mới nghĩ kế nghi binh, cho quân rút hết ra vòng ngoài.
          Trong khoảng ba tháng không thấy giặc quấy nhiễu nên việc canh phòng của dân binh ở Đàm Luân có phần nơi lỏng, chủ quan. Một chiều mùa hè, Lê Ngọc Trinh đang tắm ở đầm sen, chợt có tin cấp báo quân giặc bất ngờ tập kích. Ngọc Trinh chỉ kịp mặc áo mỏng, cầm gươm lên ngựa ra giao chiến. Giặc dùng nỏ bắn tên như mưa về phía tướng quân Ngọc Trinh. Nữ tướng múa kiếm tả xung hữu đột, giết giặc; kiếm gẫy bà liền cởi dải dây lưng buộc đá đánh giặc nhằm khống chế để chờ các cánh quân ứng cứu. Lúc này tên tướng già Mã Viện đã đích thân chỉ huy vây kín các ngả đường, chia đánh nhiều mũi nhỏ, cắt xén trận địa quân ta làm nhiều mảnh. Quân ta bị chặn đánh khắp nơi không ứng cứu căn cứ Đàm Luân được. Tên tướng Mã Viện xông thẳng vào nơi Lê Ngọc Trinh bị vây hãm, thấy nàng quả là tiên nữ giáng trần, hai tay múa kiếm, khí phách anh hùng. Mã Viện bất giác cũng sinh lòng kính phục liền thét quân phải tìm cách bắt sống. Trước thế giặc mạnh như vũ bão, quân ta tan dã, Đại tướng Lê Ngọc Trinh bị thương nặng, biết đại sự đã hỏng liền ngước lên trời than rằng: "Cha mẹ thấy chim phượng ở đầm sen mà sinh thành ra ta, nay ta lại gửi thân ở Đầm Sen này", nói đoạn bà liền trẫm mình xuống đầm sen tuẫn tiết.
*Bài trích trong sách của tác giả Nguyễn Anh Ngọc.