Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Tranh thờ Cao Lan-Vĩnh Phúc


GIẢI MÃ BỨC TRANH CỔ
Nguyễn Anh Ngọc
Tranh thờ trong tín ngưỡng Đạo giáo có mối quan hệ mật thiết với thầy cúng (mo, tào) và hệ thống đồ thờ khác như: mũ, áo, ấn, kiếm, mặt nạ, bùa chú,…phục vụ các nghi lễ theo phong tục, tập quán của cộng đồng người dân tộc. Gắn liền với lễ cúng ấy tranh thờ đóng vai trò quan trọng về mặt diễn tả hình thức tín ngưỡng thể hiện khát vọng, lối tư duy, cách hành xử giữa con người và các vị thần linh.Tuy nhiên ở mỗi nội dung đề tài trong tranh thờ nó chỉ phục vụ theo từng mục đích mang tính riêng biệt trong các nghi lễ của gia đình hay cộng đồng xã hội.
Tranh thờ Nam Tào (giấy dó, tk XIX) (Sưu tập của Nguyễn Anh Ngọc)
Quá trình tìm hiểu tín ngưỡng tranh thờ của dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô người viết sưu tầm được bức tranh cổ khá còn nguyên vẹn, hình vẽ và màu sắc tươi nguyên trên giấy dó, nội dung hấp dẫn, lôi cuốn sự giải mã ý cổ nhân. Trên cơ sở so sánh nội dung, nhân vật, chữ viết, có thể phỏng đoán đây là bức vẽ quan Nam Tào, niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX; và rất có thể bức vẽ chỉ là một trong bộ tranh đôi Nam Tào - Bắc Đẩu. Theo lai lịch các vị thần trong Đạo giáo, hai vị quan giúp việc Ngọc Hoàng thượng đế là quan Nam Tào chuyên coi sự sinh và ghi chép những việc tốt, còn quan Bắc Đẩu theo dõi việc tử (chết) và ghi chép cái xấu.
Về nghệ thuật bức tranh được bố cục, diễn tả theo ba lớp chiều dọc (30x70cm) các nhân vật trong tranh được sắp xếp thể hiện theo cấu trúc tranh thờ Phật, Tam toà, Tứ phủ,… nhưng phảng phất mô típ, màu sắc các dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội) hay tranh làng Sình (Huế). Tuy nhiên các nét vẽ trên tranh thờ Nam Tào có phần nghiêng về tả thực, tinh tế với lối vẽ công bút, dầm bút tạo nên mảng khối, màu sắc trong tranh thật uyển chuyển, sinh động dàn trải theo ba tầng nhân vật dựa trên mô phỏng kiến trúc thượng tầng (thiên đình- hạ giới- âm phủ) được diễn ý theo quy tắc cao thấp, chức sắc trong xã hội biểu thị trên một vùng không gian, thời gian thực ảo khác nhau bằng các mảng khối màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng,.. tự nhiên mang tính ước lệ biểu trưng hơn tả thực.
Ở tầng trên quan Nam Tào với khuôn mặt bầu tròn nghiêm nghị, đầu đội mũ kiểu cánh chuồn, xung quanh đầu có vòng hào quang, thân mặc áo thụng trước ngực có hình tròn thêu vân mây, bụng thắt đai, tay phải cầm bút, tay trái cầm sổ theo dõi sự sinh tồn và ghi chép những việc tốt của con người dưới hạ giới. Để biểu đạt hình tượng vị thần chủ, người hoạ công xưa đã dụng ý vẽ to hình ảnh quan Nam Tào nổi bật ở vị trí cao nhất; phía sau có một văn quan đứng hầu, thân hơi cúi khum, hai tay chắp lễ như chờ sự chỉ bảo.
Tầng giữa là hình vẽ ba vị văn quan đứng xếp hàng ngang, khuôn mặt hiền từ, râu dài, đầu đội mũ tròn, áo thụng, sắc phục mỗi vị quan có khác nhau, hai tay chắp lễ trước ngực với dáng vẻ nghiêm trang, cung kính. Ở chi tiết các nhân vật thần phụ, nét chung được vẽ nhỏ giống nhau không cụ thể ở đặc tính nhân vật, trang phục, có lẽ người hoạ công vẽ tranh thờ đã giữ nghiêm ý tưởng tôn giáo nhằm tôn vinh vị thần chủ. Đó là nét chung trong cách thể hiện tranh thờ.
Tầng cuối nội dung được khắc hoạ rõ nét qua nhân vật thần Sấm với khuôn mặt dữ tợn, râu quai nón, mình cởi trần, mặc quần thụng bó gối, chân đứng trên tầng mây cuộn nổi, người hơi cúi như dùng lực kéo ngược vòng tròn luân hồi đang chạy tuần tự theo chiều kim đồng hồ để thực hiện lệnh trừng phạt của thiên đình với những người phạm tội dưới hạ giới. Vòng tròn luân hồi được thể hiện với năm dải mây có hình người, trâu, bò, lợn, gà, cá, tôm,… nối tiếp quay vòng; phải chăng những linh hồn đó còn phải ở lại kiếp sống trần gian để tu chính quả. Đối diện với mảng không gian trầm luân là một dải mây trắng có chữ Thiên Sinh (Hán) bay từ giữa vòng luân hồi lên cao đưa linh hồn ba người ăn mặc đẹp, khuôn mặt an nhàn phúc hậu, tay cầm lệnh bài đi về phía thiên đàng tiêu dao nơi cảnh bụt.
Với lối biểu đạt logic theo một trật tự từ thiên đình-hạ giới-âm phủ người hoạ công vẽ tranh thờ đã rất thành công ở cả lĩnh vực hình thức và nội dung thể hiện. Làm cho bức tranh thờ Nam Tào không chỉ đẹp mà còn hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc tới mọi thành viên trong cộng đồng xã hội, thông qua nghệ thuật miêu tả nhân vật (Nam Tào, thần Sấm, kiếp người, thiên đàng, âm phủ) theo quan niệm dân gian đã truyền tải ngôn ngữ đượm chất tâm linh giáo huấn, nhằm khuyến khích cái thiện, cái công bằng, ai ăn ở phúc đức sau khi thác (chết) sẽ được lên thiên đàng, còn người sống bất nhân, thất đức sẽ bị Diêm Vương (Vua địa ngục) trừng phạt đầu thai nơi kiếp khác để cải tà, qui chính.
Nội dung bức tranh như dàn trải ra một bộ phận thế giới thần linh trong Đạo giáo, từ cao tới thấp, chính đến phụ, từ gần tới xa như được cộng hưởng với nhau bằng một tư duy nghệ thuật và giáo dục đậm tính tôn giáo, khiến hệ thần Đạo giáo trong tranh được thăng hoa một cách trực tiếp có hậu ở hồi kết; người xem tranh thông qua đó mà tự răn mình, xét lại những việc mình đã làm và sống để tu nhân tích đức, tránh xa mọi thói hư tật xấu, đẩy lùi cái ác trong xã hội, hướng cuộc sống vươn tới thân-thiện-mỹ.
Từ giải mã bức tranh, chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa thờ tranh Nam Tào của đồng bào người Cao Lan ở Vĩnh Phúc nói riêng và dòng tranh thờ nói chung; hoặc giả thiết nếu đặt bức tranh thờ Nam Tào ra ngoài tín ngưỡng Đạo giáo, ta vẫn gặp những tư duy giáo dục con người sâu sắc chứa đựng trong nội dung tranh thờ mà mỗi người xem dù ở trình độ nào đều có thể cảm được. Đó là tính dân gian cộng hưởng với tín ngưỡng thờ thần trong ý niệm vẽ tranh thờ hay thờ tranh (có nội dung) của người xưa./.

Người tôi tâm đắc

ANH NÔNG DÂN MÊ ĐỒ CỔ
                                                                                                                   Nguyễn Anh Ngọc

          Nhận thức trước các giá trị văn hoá làng quê đang ngày dần mai một; từ những năm 90 của thế kỷ XX, anh nông dân Nguyễn Văn Trường ở xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã ấp ủ, cóp nhặt, sưu tầm các đồ gốm, sứ cổ trong xóm ngoài làng với một ý nghĩ “gìn giữ văn hoá cho làng”.
          Với bản chất của người nông dân, nhưng lại mang nặng niềm đam mê tìm tòi nghiên cứu đồ cổ; chính vì vậy cứ hễ có thời gian rảnh dỗi ngoài giờ đi cày, đi cấy, anh lại say mê tìm hiểu, hay đạp xe đi sưu tầm; dù là mảnh gốm sứ vỡ hay sứt mẻ anh đều gom góp đem về nâng niu, gìn giữ, bởi với anh “các hiện vật cổ đều có hồn và đượm chứa nét văn hoá, lịch sử,  ngôn ngữ, hơi thở của một xã hội” chính vì vậy các hiện vật đối với anh đều có giá trị nghiên cứu.
          Qua không gian trưng bày của anh mới cảm nhận hết được mục đích “gìn giữ văn hoá” thật lớn lao, thi vị, cùng ý nghĩa. Để thoả lòng đam mê thưởng ngoạn và tiện bề cho bà con dân làng đến tìm hiểu văn hoá, lịch sử hay tìm lại hình ảnh đồ vật xưa trong gia đình; anh trưng bày tất cả cổ vật mà anh sưu tầm được lên cổng, tường rào, vách nhà, hòn non bộ,..v.v...Cả không gian choán ngợp bởi trên 4.000 nghìn cổ vật, từ rìu đồng Đông Sơn, mảnh gốm Gò Mun, Phùng Nguyên, vò, hũ thời Hán (tk I-II) đến bát, đĩa, ấm,...thời Lý, Trần, Lê (từ tk X-XVIII), độc bình, chum, vại,...thời Nguyễn (tk XIX-XX), và cả cối giã gạo của người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Nhưng có lẽ nổi bật hơn trong không gian trưng bày của anh là bộ sưu tập đa dạng đĩa gốm, sứ ước khoảng 3.800 chiếc phần lớn có niên đại thời Lê Mạc (tk XVII-XVIII), Nguyễn (tk XIX), và đời Thanh (Trung Quốc). Bộ sưu tập đĩa nổi bật ở các mảng trang trí mỹ thuật; về chủ đề thiên nhiên khá phong phú với đề tài: Hoa điểu (chim hoa), Thạch trúc (tre trúc và đá), Tam hữu (hoa mai, cúc, trúc), Tùng hạc (chim hạc và cây tùng), Lý ngư (cá chép), Phượng vũ (chim phượng)..v.v..Bên cạnh đó còn có mảng đề tài vẽ người trong tích truyện như Thất hiền trúc lâm, Lã Vọng, Trà tổ, Phúc lộc thọ..v.v...
          Nhưng điều ngạc nhiên hơn khi tiếp xúc với anh nông dân Nguyễn Văn Trường lại nằm ở sự am tường về đồ cổ, từ chất liệu, kỹ thuật chế tác, nung lửa, và nghệ thuật trang trí gốm, sứ,...rồi công dụng của từng đồ vật, niên đại lịch sử, xuất xứ từ lò gốm sứ trong nước hay nước ngoài, anh đều tường tận, giảng giải cho khách tham quan hay bà con dân làng mỗi lần đến xem hoặc tìm hiểu. Khi chia sẻ và đặt câu hỏi, người chơi cổ vật ắt hẳn phải có kinh tế. Anh chỉ cười và giải thích “Người chơi cổ vật cũng có năm bảy đường, nhưng theo anh hiện nay có ba loại: loại thứ nhất là chơi gia truyền nghĩa là hiểu biết, có kinh tế nên họ chơi theo sưu tập, đồ vật đẹp, lành lặn. Loại thứ hai có hiểu biết, ý thức lưu giữ nhưng không có kinh tế (tôi thuộc loại này), nên thường chỉ sưu tầm được đồ vỡ, sứt mẻ, hoặc cả mảnh vụn,.. Loại thứ ba là vừa chơi, vừa buôn bán cả đồ thật và giả”. Anh tâm sự “trước đây nhìn những cổ vật có giá trị văn hoá trong làng theo chân người buôn ra đi, anh cảm thấy xót sa, nhưng lực bất tòng tâm”; chính vì điều này mà anh luôn cố gắng lao động để giành giụm những đồng tiền ít ỏi cho việc bổ sung vào bộ sưu tập “nhằm góp phần gìn giữ  văn hoá cho làng”. Hiện nay tuy cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng anh luôn trăn trở làm giàu thêm bộ sưu tập của mình; và anh hy vọng các hiện vật của anh sẽ có ý nghĩa giúp thế hệ mai sau hiểu hơn về lịch sử, văn hoá; nhất là văn hoá làng quê đang ngày dần mai một.
          Trước việc làm mang đầy ý nghĩa của anh, nhiều người dân trong xóm, ngoài làng biết chuyện còn mang đến biếu không những đồ vật gốm, sứ trong gia đình mà trước đó nhiều lái buôn đồ cổ đã ngã giá bằng con lợn hoặc vài tạ thóc; nhằm góp vốn làm giàu thêm “bộ sưu tập” của  anh nông dân mê đồ cổ.
Dù theo anh các đồ cổ trong bộ sưu tập anh sở hữu có giá trị kinh tế không cao, nhưng hẳn giá trị lịch sử, văn hoá của nó khó bề mà đo được. Việc làm của anh nông dân Nguyễn Văn Trường mang đầy ý nghĩa văn hoá; khi mà cuộc sống đô thị đang từng ngày len lỏi, tác động tới cuộc sống, sinh hoạt ở các làng quê, thì vấn đề bảo tồn văn hoá thật đáng quan tâm gìn giữ.
Hy vọng trong tương lai gần, không gian trưng bày cổ vật của anh sẽ là điểm du lịch văn hoá hấp dẫn; đồng thời là địa chỉ góp phần nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hoá lịch sử của dân tộc nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng./.

         
 


         

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Tranh thờ Mẫu ở Vĩnh Phúc

TRANH THỜ TRONG PHỦ MẪU
                                        Nguyễn Anh Ngọc
Tín ngưỡng thờ Mẫu tam toà, tứ phủ ở vùng đồng bằng Bắc bộ có từ thuở sơ khai, khởi nguồn từ tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thuỷ cổ đại của người Việt.
Quá trình hình thành, tồn tại của tín ngưỡng thờ Mẫu là một chuỗi dung hợp hài hoà giữa ý thức tín ngưỡng bản địa với hệ tôn giáo, đạo giáo mang yếu tố ngoại lai để trở thành một phức hệ Phật-Đạo-Mẫu cùng phát triển trong xã hội.
Bộ tranh thờ cổ dưới đây là một phác hoạ tiêu biểu chuyển tải tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ từ xa xưa.
Để hiểu hơn về tục thờ Mẫu; tác giả giới thiệu đôi nét về tín ngưỡng qua Bộ tranh thờ trong phủ Mẫu thuộc sưu tập của Nguyễn Anh Ngọc. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Tam giáo (Phật-Đạo-Mẫu):
Tranh: Tam giáo (Phật - Đạo - Mẫu) chất liệu gỗ, sơn khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX
 Là bức vẽ dung hợp Phật-Đạo-Mẫu theo quan niệm tín ngưỡng-tôn giáo của người Việt xưa; được các hoạ công vẽ tranh thờ dân gian hình tượng hoá khái niệm và ước lệ thu gọn vũ trụ, Phật-Đạo-Mẫu trong bức tranh này.
Qua khái quát tầng không gian ước lệ, giữa thực và ảo: Khi trời đất khai sinh, vũ trụ bao la được phân định thành những cõi khác nhau: Cõi Phật ( Tam thế: Quá khứ-Hiện tại-Tương lai), cõi Trời (Ngọc Hoàng), (Mẫu Thượng thiên) cõi Rừng (Chúa Thượng ngàn), cõi Nước (Mẫu Thuỷ), cõi Đất (Mẫu Địa),...ngự trị vũ trụ.
Theo quan niệm: người Việt xưa luôn coi đây là các vị chân tiên, thần phật trị vì các cõi, miền nên họ thấu hiểu mọi việc trong vũ trụ; và họ luôn gia ân, giang tay cưu mang, giúp đỡ mọi người dưới cõi đời.
Chúa Thượng ngàn: 
Tranh: Chúa Thượng ngàn (gỗ, sơn) khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX
Với quan niệm vũ trụ bao la được phân chia thành nhiều miền, cõi khác nhau; nhưng quan niệm sơ khai rõ nét nhất là bốn cõi:Trời-Rừng-Nước-Đất.
 Mẫu Thượng Ngàn là vị thánh mẫu toàn năng, trông coi miền rừng, núi (Nhạc phủ); được vẽ thành bức Động Sơn Trang độc lập, thờ bên trái trong phủ Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.
Hình tượng Mẫu được vẽ với khuôn mặt trái xoan, nhân hậu, bao dung, đầu đội vương miện, có tia hào quang toả sáng; thân mặc trang phục màu xanh, thường ngồi võng đào, tay trái cầm quạt, tay phải bắt quyết; hai bên có các tỳ nữ đứng hầu, dâng hương hoa, đăng, trà,....
Theo quan niệm “rừng vàng, biển bạc” người Việt xưa luôn đặt niềm tin ở miền giàu có tự nhiên – nơi rừng núi sản sinh ra hoa, trái, chim, muông,...nuôi sống con người từ thời hồng hoang, nguyên thuỷ.
Trần Triều Đại vương: 
Tranh: Trần Triều Đại Vương (gỗ, sơn) khoảng cuối thế kỷ XIX đầu XX
Là bức vẽ Quan Phủ Trần triều, tức là Hưng Đạo Vương-Trần Quốc Tuấn (Vị tướng văn, võ song toàn tk XIII-XIV) được dân gian tôn vinh là Cha (Tháng tám giỗ Cha/Tháng ba giỗ Mẹ) phối thờ bên phải trong phủ Mẫu .
Trong tranh Hưng Đạo Vương ngồi oai phong dưới trướng thêu lưỡng long trầu nguyệt; mặt ngài hồng hào, râu dài, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc triều phục màu đỏ, đeo cân đai bối tử; tay phải cầm kiếm, tay trái cầm lệnh bài. Bên tả, hữu có hai bộ tướng đứng hầu, vị đứng bên phải (hữu) mặt mày dữ tợn, mặc áp giáp, tay cầm đoản kiếm là quan võ; vị đứng bên trái (tả) là quan văn khuôn mặt hiền từ, tay cầm ống văn-giấy tờ. Phía trước có hai người hầu, giúp việc.
Trong thực tế, Trần Hưng Đạo đã hiển linh trở thành vị Thánh (Đức Thánh Trần) với quyền pháp, uy lực thực thi hành pháp nơi cửa Mẫu,...trừ tà, diệt ma, chữa bệnh bằng phép thuật giúp đỡ dân làng.
Thần Ngũ Hổ:
Tranh: Thần Ngũ Hồ (gỗ, sơn) khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX
Theo quan niệm của người xưa, thần hổ là vị chúa tể sơn lâm (vùng rừng, núi) vị thần linh (đệ tử) gần gũi với Mẫu Thượng Ngàn; nên trong phủ thờ Mẫu thường bài trí ban thờ ngũ hổ - ngũ dinh. Hình vẽ trong bức tranh thờ là năm vị thần:
         Hoàng hổtướng quân: ngồi ở vị trí trung tâm, trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương-ứng với hành Thổ (vàng).
        Thanh hổ tướng quân: trấn giữ phương Đông - ứng với hành mộc (xanh).
        Bạch hổ tướng quân: trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim (trắng).
        Xích hổ tướng quân: trấn giữ phương Nam - ứng với hành hoả (đỏ).
       Hắc hổ tướng quân: trấn giữ phương Bắc - ứng với hành thuỷ (đen).
Xung quanh năm vị thần hổ còn có cờ thần, kiếm lệnh; các quan, quân giúp việc trấn áp tà khí năm phương, bảo vệ nơi linh thiêng cửa Mẫu.
 

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011


HÌNH TƯỢNG MÈO
TRONG TRANH ĐÁM CƯỚI CHUỘT
  Nguyễn Anh Ngọc

“Tết về nhớ bánh trưng xanh
Nhớ đám cưới chuột, nhớ tranh lợn gà”

          Nhắc tới dòng tranh Tết dân gian Đông Hồ, chúng ta như được trở lại với những đề tài quen thuộc Chăn trâu thổi sáo, Hứng Dừa, Đánh ghen, Gà đại cát, Lợn đàn, Vinh hoa phú quý,...Bởi nó mang thông điệp ước mơ, cùng niềm khát vọng của người dân lao động về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc; song bên cạnh còn có mảng đề tài mang tính phê phán những thói hư, tật xấu của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến xưa; mà đại diện tiêu biểu cho mảng đề tài đó là bức “Đám cưới chuột”, hài ước và châm biếm là hai giá trị cốt lõi để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem qua bao thế hệ.
          Nội dung tranh “Đám cưới chuột” dàn trải trên một vùng không gian ước lệ, bằng lối phân mảng bố cục biểu diễn đồng hiện; với các lớp chính, phụ đối tiếp. Bằng cái nhìn tinh tế, chân thực tác giả lấy chủ đề đám rước dâu của tầng lớp trung lưu trong xã hội phong kiến để phác hoạ một đám cưới chuột tưng bừng, nhộn nhịp diễn ra rất đúng nghi lễ, ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau. Chuột chàng (chú rể) cưỡi ngựa hồng đi trước, thân mặc áo gấm xanh, vẻ mặt hoan hỉ, ngoái lại nhìn chuột nàng (cô dâu) dịu dàng ngồi trên kiệu, theo sau là đoàn chuột vác lọng tía, và đám rước kiệu hoa với biển đề “nghênh hôn”. Song song với đoàn rước dâu là đoàn chuột khăn áo chỉnh tề, trịnh trọng với tiếng kèn, tiếng trống mang theo lễ vật chim, cá nghinh cống nạp “quan mèo” để cầu mong đám rước dâu của họ hàng được diễn ra yên ổn.
Hình ảnh vị “quan mèo” trong Đám cưới chuột  được người hoạ công vẽ tranh dân gian bố cục ngồi đối lập ở góc trái của bức tranh; sự bố trí nhân vật mèo ở vị trí này đủ gợi ý giúp người xem tranh nhận thức và liên tưởng tới bộ mặt trái của xã hội (tệ tham ô, ăn đút lót, hà hiếp dân lành,...) luôn hiện hữu; mà hình ảnh đó không gì khác ngoài vị “quan mèo” to béo đang ngồi bệ vệ, choán ngợp cả một góc trên cùng với hàm ý “quan” trên; còn họ hàng nhà chuột mang hình ảnh ẩn dụ của những người dân lao động cùng cực dưới xã hội phong kiến phải khúm núm phục dịch, tấu nhạc làm vui và dâng lễ vật chim, cá cho “quan mèo” để cầu mong mọi chuyện êm đẹp, cuộc sống yên bình. Qua đường nét diễn tả, khuôn mặt vị “quan mèo” tuy tỏ vẻ dò xét, thận trọng nhưng vẫn đưa tay nhận lễ biếu (chim câu, cá chép) từ họ hàng nhà chuột. Cử chỉ đồng thuận này cho thấy sự ngầm hiểu ý giữa kẻ dâng lễ và kẻ nhận lễ; để làm ngơ, bỏ qua cho một công việc, hoặc có thể bỏ qua cả một chuỗi quy luật vì ý thức phục tùng dâng lễ để được “quan mèo” gia ân bình an (ngày vu quy của vợ chồng chuột).
          Để biểu đạt rõ nét chủ đề nội dung, nhân vật; người hoạ công còn chú thích chữ: Nghênh hôn (đám cưới), Tác lạc (làm vui), Thử bối đệ ngư (đàn chuột dâng cá), Miêu nhi thủ lễ (chú mèo giữ lễ) giúp người xem tranh cảm nhận trực quan và thi vị trong tiếng cười trào lộng. Bởi trong thực tế, mèo là kẻ khắc tinh với họ hàng nhà chuột, và chuột luôn sợ hãi, cảnh giác mèo,...ấy vậy mà người hoạ công dân gian lại khéo sắp đặt hình ảnh tương phản để diễn tả mối quan hệ cộng sinh giữa mèo - chuột trong việc hệ trọng: Đám cưới. Đó là nét độc đáo, tính thời sự của bức tranh.
          Không biết bức tranh ra đời từ bao giờ, khoảng thời điểm nào. Nhưng suy diễn chắc hẳn nó được sáng tác dưới chế độ xã hội phong kiến hà khắc; nên khi hoàn thành, đúng lẽ bức tranh phải được đặt một cái tên bám sát với chủ đề phê phán tệ quan tham, ăn hối lộ, đút lót, nhũng nhiễu dân lành. Nhưng để tránh sự phản ứng trực tiếp từ phía giai cấp thống trị, bức tranh được đặt tên dưới vỏ bọc “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy” vui nhộn, hóm hỉnh; nhưng ẩn chứa mạnh mẽ lời phê phán tích cực của nhân dân lao động trước nạn tham ô, nhũng nhiễu của bọn quan lại, cường hào; đồng thời là tiếng cười chế giễu sâu cay của người dân lao động đối với giai cấp thống trị. Điều hơn nữa trong “Đám cưới chuột” đã giải quyết có tình, có lý bằng lối ứng xử mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp; là thông điệp của người xưa gửi lại cho muôn đời./.
                                                                                                          N.A.N

CHÙM BỨC CHẠM CHỦ ĐỀ “GIA ĐÌNH”
TRONG ĐIÊU KHẮC ĐÌNH LÀNG THỔ TANG – VĨNH PHÚC
                                                                          Nguyễn Anh Ngọc

          Trong nghệ thuật điêu khắc đình làng Vĩnh Phúc, đình Thổ Tang có một vị trí đặc biệt, nơi hội tụ những tinh hoa kiến trúc, nghệ thuật từ thời Lê (tk XVII). Ngôi đình được các nhà nghiên cứu khoa học xếp vào tốp những ngôi đình làng có mặt sớm ở đồng bằng Bắc bộ như đình Hương Canh (Bình Xuyên),  Đình Bảng (Bắc Ninh), Tây Đằng, Chu Quyến (Hà Tây),…vậy.
           Nói như thế, có nghĩa đình làng Thổ Tang không chỉ có giá trị nghiên cứu về mặt niên đại, kiến trúc, lịch sử mà còn chứa đựng nét độc đáo nằm ngay trong mảng mỹ thuật điêu khắc trang trí. Hầu như trên các thành phần kiến trúc thân kẻ, bẩy, rường…đều được bàn tay tài hoa của người thợ mộc thời Lê thể hiện bằng cả tâm hồn nghệ sỹ thông qua cảm tác từ những sinh hoạt, lao động thường nhật của người nông dân để phác hoạ lên 21 bức chạm hoàn chỉnh, theo 4 nhóm đề tài: Lễ Hội (hội xuống đồng, đá cầu, chơi cờ, múa hát,..) Sinh hoạt, lao động (gia đình, săn bắn, uống rượu,…), Cát tường (bát tiên quá hải, cửu long tranh trâu, phượng,…), Thiên nhiên (đầm sen, chim, cá, rùa, hươu, nai,…).
Quan sát chung chủ đề trang trí trong kiến trúc đình Thổ Tang mang tính đơn lẻ, đặt tản mạn, ngẫu hứng trên các thành phần kiến trúc nhưng khi tư duy đem chúng sắp xếp theo một logic khoa học, trước mặt người xem như một bức tranh thu nhỏ xã hội nông thôn Vĩnh Phúc dưới thời Lê (tk XVII) sinh động, lôi cuốn.
Ở giới hạn nghiên cứu hẹp, người viết tâm đắc nhất với chùm đề tài Gia đình được nhà điêu khắc thời Lê chú tâm phác hoạ cảnh tình yêu, hạnh phúc của lứa đôi cùng góc khuất, bi kịch trong bộ phận gia đình người Việt xưa (tk XVII) được chạm chổ với đường nét mộc mạc, hồn nhiên gợi cho người xem sự liên tưởng đến hình ảnh chú tễu, tò he hay rối nước trong hội làng,...nhưng lại chất chứa đầy suy tư trên khuôn mặt của từng nhân vật qua mỗi hoàn cảnh; để rồi trải qua ngót 300 năm trước biến cố, thăng trầm nhưng các bức chạm vẫn tồn tại trên kiến trúc đình làng như một thông điệp mang ý nghĩa giáo huấn về cuộc sống gia đình của người xưa gửi tới hôm nay; hẳn phải chăng đó là tinh thần chung của dân làng Thổ Tang khi lấy “Hoà vi quý” làm gốc.
Về nghệ thuật, chùm bức chạm với chủ đề  Gia đình được bố cục trong hình chữ nhật (1.40cm x 50cm) với 5 hoạt cảnh/nội dung: tình yêu-hạnh phúc-bi kịch gia đình được dàn trải theo lối tranh toàn đồ. Như thế, chắc hẳn trong suy tư của người thợ điêu khắc xưa còn có cả cái nhìn nhân sinh quan của nhà xã hội học khi biết khai thác hình ảnh chân thực từ cuộc sống bình dị, cùng niềm khát vọng hạnh phúc của người nông dân để ca ngợi cuộc sống; nhưng đồng thời người sáng tác nghệ thuật còn biết lấy mặt trái từ cuộc sống đó để phê phán những thói hư, tật xấu trong bộ phận nhỏ gia đình dưới xã hội thời Lê (tk XVII) qua 5 chủ đề:
Tình yêu: là hình ảnh đôi nam thanh, nữ tú được chạm ở vị trí trung tâm với nét phác hoạ mộc mạc, cách điệu hình khối, nhưng thể hiện được chiều sâu của nhân vật. Cô gái với khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt tình tứ quàng tay qua cổ chành trai thật tự nhiên, còn anh chàng không bỏ lỡ cơ hội yêu đương qua bàn tay đặt hờ lên ngực cô gái; với mô típ này nhà điêu khắc xưa đã mạnh dạn đưa hoạt cảnh tình ái vào trốn thâm nghiêm hay lời cầu mong phồn thực? có lẽ dù ở ý nghĩa nào đi chăng nữa các nhân vật trong bức chạm đã làm thay đổi ý nghĩ về nơi thờ thành hoàng, ngôi nhà chung của cộng đồng làng xã.
Gia đình hạnh phúc: được nhà điêu khắc xưa chạm hoạt cảnh gia đình với cha-mẹ-con cái thật đầm ấm, hạnh phúc trước mắt người xem. Bằng hình tượng người chồng đang đọc sách cho người vợ hiền và đứa con nhỏ nghe,…không gian diễn ra tuy nhỏ nhoi, đơn sơ mà hạnh phúc ấm áp, chan hoà.
Vợ chồng lười: xuất hiện như sự nối tiếp chủ đề “tình yêu” qua hình ảnh người chồng nằm nghiêng chân co chân duỗi, vợ ngồi đưa tay xoa bóp chân cho chồng thật vô tư hồn nhiên, họ cùng cười. Phải chăng sự diễn tả nhân vật chỉ là nét ngẫu nhiên hay nhà điêu khắc xưa muốn mượn hình hàm ý câu “há miệng chờ sung” trong dân gian để phê phán những người ham chơi, lười lao động nhưng lại muốn hưởng thụ cuộc sống.
           Gia đình bất hoà: được miêu tả trong không gian náo nhiệt, ồn ào. Người chồng với khuôn mặt giận dữ, tay trái chống sườn, tay phải cầm gậy chỉ về phía người vợ; người vợ được nhà điêu khắc diễn tả nội tâm qua khuôn mặt buồn rầu hai tay khoanh trước ngực như chịu sự mắng nhiếc từ phía người chồng, dưới chân người mẹ đứa trẻ khoảng tuổi lên ba đang sợ sệt, nép vào thân mẹ; chắc hẳn đứa trẻ cũng rất đau lòng khi chứng kiến cảnh cãi vã của bậc làm cha làm mẹ.
          Đánh ghen: bức chạm phác hoạ hình ảnh người đàn ông có tuổi, giàu sang, có tính đa mang đèo bòng; có gia đình rồi mà vẫn cặp kè khoác vai cô vợ bé tình tứ. Ở phía trước một người đàn bà khác-vợ cả với khuôn mặt giận dữ, miệng như đang la hét, xông tới đánh ghen tình địch; nội dung này gợi cho người xem liên tưởng tới bức tranh dân gian Đánh ghen của Đông Hồ với dòng chữ nôm “Mèo mả gà đồng, thử xem một trận xem chồng về ai”. Bức chạm tuy chạm mộc mạc nhưng đầy kịch tính, ngôn ngữ phê phán mạnh mẽ bi kịch bộ phận nhỏ gia đình có người chồng năm thê, bảy thiếp trong xã hội phong kiến xưa.
Từ năm nội dung trong một bức chạm dưới góc độ quan sát của xã hội học thời nay có thể thấy cái tình của nhà điêu khắc xưa khi biết dựa vào mối sinh quan của gia đình-xã hội để khắc họa, rồi dàn trải bức tranh theo chiều hướng tâm lý, kịch tính lên cao; bắt đầu từ “Tình yêu nam nữ”, “Gia đình hạnh phúc”, đến “Vợ chồng lười” rồi bi kịch gia đình qua “Gia đình bất hoà”, “Đánh ghen”; sự diễn tả đó gây cho người xem bất ngờ, nhưng thú vị trước khát vọng hạnh phúc lứa đôi, nhưng đồng thời cũng rất đỗi suy tư về cuộc sống gia đình. Để từ đó, mỗi người xem hãy tự mình biết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình, sống có trách nhiệm với gia đình, con cái; tránh xa những thói hư tật xấu trong xã hội, cùng nhau hướng cuộc sống tới chân-thiện-mỹ./.
ĐỀN ĐÁ PHÚ ĐA ĐIỂM DU LỊCH NHIỀU HỨA HẸN

                                                                                             Nguyễn Anh Ngọc

          Đền đá Phú Đa (xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường) là một công trình kiến trúc thờ tự đặc sắc ở Vĩnh Phúc, được xây dựng từ năm Cảnh Hưng thứ 28 (1768), đời vua Lê Hiến Tông*.
          Đền thờ Lãng phương hầu Nguyễn Danh Thường, nguyên Tiên phong đặc tiến, phụ quốc thượng tướng quân, Tham mưu trung quân đô đốc phủ, khâm sai kiểm sát thất thành dưới thời Lê-Trịnh; vì có công lớn với triều đình nên ông được ban đặc ân xây dựng sinh từ (đền thờ) ngay  lúc còn sống để thờ mình.
Về Kiến trúc: ngôi đền có kiểu hình chữ “Tam” gồm các hạng mục liên kết cổng đền-đại bái-từ đường; mỗi hạng mục nằm cách nhau một khoảng sân rộng và giếng trời tạo nên không gian thoáng mát; để giảm bớt sự trống trải, và tôn lên vẻ đẹp thẩm mỹ, nhà kiến trúc xưa đã bài trí, sắp đặp không gian nghệ thuật tượng như rồng, sư tử, voi, ngựa, võ sỹ,…làm điểm nhấn ấn tượng cho toàn bộ kiến trúc. Nhìn bao quát, khi xây dựng ngôi đền người thợ xưa đã chọn đá xanh và gỗ lim làm vật liệu xây dựng chính, hơn nữa người thợ xưa đã tính toán, sử dụng cách kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ lòng thuyền, vừa đảm bảo chịu lực bền, nhưng lại mang tính thẩm mỹ, ở một số chi tiết kết cấu được chạm trổ các hình vân mây, sóng nước cách điệu, còn nhìn chung các thành phần gỗ đều được người thợ bào trơn, đóng bén, mộng chặt. Như thế với chất liệu bền vững từ đá xanh, gỗ lim, mà trải qua gần 250 năm dưới điều kiện thiên nhiên, khí hậu, chiến tranh khắc nghiệt nhưng ngôi đền hiện vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng như thế mà người dân quanh vùng có câu ca:
“Bắt đền ra đền Phú Đa
Bao giờ đền đổ ta ra ta đền”
Về mỹ thuật: Ngôi đền được ví như một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc đá thu nhỏ, cả thảy có đến 48 tác phẩm độc đáo vào bậc nhất ở Vĩnh Phúc, các tác phẩm đá ở đây gợi cho chúng ta liên tưởng tới không gian bài trí thờ tự trong các lăng tẩm vua Nguyễn ở cố đô Huế. Cách bài trí các tác phẩm lại được sắp đặt theo yêu cầu thờ tự và không gian trang trí kiến trúc từ ngoài vào trong như:
-Trụ hoa biểu: được bài trí trước không gian của cổng đền khoảng 20m; hai cặp trụ đối hình vuông, cao chừng 4m, mặt giữa có chạm nổi Hán văn, xung quanh trang trí chạy triện, long mã, phượng, vân mây đẹp tinh tế, đường nét chạm mềm mại, uyển chuyển sinh động. Phía trên đỉnh trụ tạc tượng nghê chầu mặt về phía đền.
- Rồng đá: có chiều dài khoảng 1m50, được sắp đặt hai bên bậc lên xuống của cổng đền; hình rồng mang nét đặc trưng của thời Lê như đầu, mũi to, bờm tóc xoắn, miệng ngậm ngọc, hai chân trước ôm cầu, thân rồng tạc gần giống con sấu  có chạm nổi các vân mây cuồn cuộn, gợị cho người xem như rồng vừa hạ xuống từ chín tầng mây; nhưng ở ý nghĩa sâu xa, hình rồng còn tượng trưng cho sự cao quý của chủ nhân được thờ tự.
- Chó đá: mang ý nghĩa trung thành với con người nên được bài trí đối ngẫu hai bên cổng đền thành một cặp phạm trù âm dương hoà hợp. Về bố cục tượng chó được tạc ngồi chầu, cao khoảng 1m, đầu dài, to, tai cụp, thân tròn béo, hai chân trước chống thắng, cổ đeo vòng lục lạc. Nhìn chung các đường nét khối tượng khoẻ mạnh, tinh tế.
- Tượng võ sỹ: gồm có 8 bức tạc đứng trên khối đá liền bệ, cao chừng 1.60m. Các bức tượng được sắp đặt, bài trí theo cặp đối, xếp hàng ngang theo khoảng cách không gian trong cổng đền và ngoài sân đại bái. Các bức tượng phỏng tác theo 4 chân dung, tư thế chầu khác nhau. Nhưng nét chung các khuôn mặt tượng đều ở độ tuổi trung niên, mắt xếch, dâu dài, thân hình nở nang khoẻ mạnh, mặc áo giáp, chân đi dày, đầu đội mũ tròn múi khía, Toàn thân tượng đứng nghiêm, khuôn mặt hơi cúi, tay cầm vũ khí như chuỳ, long đao, trường côn và kiếm. Qua các tượng hầu bài trí trong không gian thờ như khẳng định quyền lực và địa vị sinh thời của Nguyễn Danh Thường.
- Voi: cao chừng 1.50m, dài 1.50m, được bài trí đối đan xen giữa khoảng cách đứng của các cặp võ sỹ; tạo nên khoảng cách cân đối, đường bệ. Voi được các nghệ nhân điêu khắc tạc cân đối, khoẻ mạnh, đầu nhô cao, hùng dũng, vòi quặp, tai úp sát vào thân, ngà cong, mắt mở tinh anh.
- Ngựa: được bài trí thành cặp đối đan xen giữa các tượng võ sỹ ở khoảng không gian sân; ngựa có kích thước lớn, cao chừng 1.50m, dài 1.50m. Dáng ngựa thanh, khoẻ, các chi tiết chạm tinh tế, sinh động, như khuôn mặt, bờm, yên cương, lục lạc,…như gợi cho người xem vẻ quyền quý của chủ nhân trong ngôi đền.
- Tượng quan văn: gồm 4 tượng, bài trí theo hai cặp đối trong nhà đại bái và sinh từ,; Cặp tượng đối trong nhà đại bái được tạc đứng, nét mặt quan văn hiền từ, đầu đội mũ vuông, thân mặc áo thụng dài, chân đi hia. Còn hai bức bài trí ở hè sinh từ tạc giống nhau, khuôn mặt trẻ, thư sinh, thân ngồi xếp bằng, tay phải cầm bút, tay trái cầm sổ, như đang ghi chép giúp việc quan vậy.
Ngoài các bức tượng tiêu biểu trên, trong các hạng mục kiến trúc còn bài trí nhiều vật dụng thờ khác được làm từ đá xanh như: long ngai, án gian, sập, bàn tấu, chậu, bát hương, bia đá,…đều được chạm khắc tinh vi, đường nét mềm mại với các hoạ tiết rồng, vân mây, hoa lá. Sự sắp đặt nghệ thuật, hài hoà giữa các công năng thờ tự làm tăng tính thẩm mỹ, tôn nghiêm cho ngôi đền.
Với những nét kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc lại được đặt trên một vùng đất đắc địa, đền đá Phú Đa quả thực là bức tranh phong thuỷ hữu tình, một di tích quý hiếm của tỉnh, ở đó chứa đựng các triết lý lễ giáo, các kỹ thuật xây dựng và trình độ nghệ thuật điêu khắc đá thời Hậu Lê đẹp độc đáo, sánh ngang với các danh tích lăng tẩm ở cố đô Huế, hay nhà thờ đá Ninh Bình,…Sự đặc sắc ở mặt văn hoá, lịch sử ấy đã hé mở ra một tiềm năng du lịch nhiều hứa hẹn về vùng đất Vĩnh Tường/.



NHÓM ĐỀ TÀI TRANG TRÍ   
THÁP BÌNH SƠN
                                                                              Nguyễn Anh Ngọc

          Nằm trong kiến trúc chùa Vĩnh Khánh, Tháp Bình Sơn mang trong mình những minh triết Phật giáo tựa đẹp đoá sen hồng toả hương thu hút nhiều nhà nghiên cứu như Bercier, Chu Quang Trứ, Bùi Đăng Sinh, Nguyễn Quý Đôn, Tạ Huy Đức,…tìm hiểu, viết công bố trên sách, báo. Tuy nhiên trong nghiên cứu, các tác giả phần lớn đi vào khía cạnh lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng,…mà ít đề cập đến mảng mỹ thuật trang trí, một mảng đóng vai trò quan trọng về mặt diễn tả hình thức tín ngưỡng, hay nói đúng hơn đó là phạm trù chuyển tải cô đọng những triết lý “sắc sắc, không không” của Đạo Phật tới du khách lên chùa lễ Phật hay thưởng lãm cảnh bụt. Bởi nếu coi tháp Bình Sơn là một công trình kiến trúc tuyệt tác được kiến tạo bằng đất nung, thì mảng mỹ thuật là sự cô đọng những đề tài trang trí Phật giáo đặc sắc được thể hiện bằng đôi bàn tay tài hoa của những người thợ gốm thời Trần trên đất Vĩnh Phúc.
          Chẳng vì thế mà vẻ đẹp nâu trầm cổ kính của cây tháp Phật đã đi vào câu ca của vùng đất ven sông:
“Hỡi ai qua bến đò Then
Dừng chân mà ngắm tháp tiên bên đường”
Dừng chân bên tháp tiên, du khách tìm về vẻ đẹp ngót ngàn năm tuổi qua mảng gốm hồng mộc mạc, nhưng ấm áp với những đề tài trang trí hoa sen, sóng nước, lá đề, hoa cúc, rồng, sư tử,…được trình bày trên khắp mặt phẳng, lồi, lõm của kiến trúc; bằng lối thể hiện đồ án cân xứng, đường nét mềm mại, nhịp điệu giữa mảng khối tạo nên cho mỗi nội dung của mảng nghệ thuật đặc sắc và sinh động; mang dụng ý của nhà thiết kế kiến trúc nhiều hơn là sự trang trí ngẫu hứng của các nhóm thợ; chính vì vậy mà giữa hai mảng kiến trúc và mỹ thuật ở tháp Bình Sơn đã được hòa quyện chặt chẽ, tạo nên tính đồng bộ, mềm mại hơn cho kiến trúc tháp vốn từ chất liệu đất nung mộc mạc.
          Cảm nhận ý nghĩa nhóm đề tài mỹ thuật trang trí trên tháp Bình Sơn tựa giống như tìm nghĩa một thông điệp hay sự giải mã ngôn ngữ tạo hình qua mảng khối không chỉ đơn thuần giữ vai trò trang trí làm sang cho kiến trúc, mà còn chứa đựng cả ý niệm sâu lắng của người xưa qua tám nhóm đề tài trang trí kiến trúc (bệ tháp, khám thờ và các tầng tháp) như sau:
          Hình sư tử: Được các nghệ sỹ gốm thời Trần thể hiện trên đường diềm trang trí quanh đế tháp với lối bố cục mảng khối khoẻ, nhịp điệu. Theo quan niệm dân gian sư tử còn được gọi là ông sấm mang biểu tượng của sức mạnh, trí tuệ bảo vệ nơi Phật pháp; nét chung của mô típ sư tử là mặt thuôn, thân dài, đuôi mượt,..và mỗi con trong một tư thế vờn cầu khoẻ mạnh, sinh động tựa như chúng vừa hoá thân vào gốm để tồn tại vĩnh hằng cùng thời gian.
          Hoa cúc dây: Mang biểu trưng của mặt trời (dương) nhưng ẩn chứa hình ảnh của tu sỹ, tăng, ni được trình bày theo dải băng dài trên bệ và các vị trí tiếp nối giữa các tầng tháp tạo nên nét mềm mại, uyển chuyển cho kiến trúc. Đồ án hoa cúc dây ở tháp Bình Sơn được cách điệu đơn giản, dây cúc tạo hình sin nhịp nhàng, kết hợp với cành, lá, hoa xen kẽ. Đặc biệt các cánh hoa cúc được tỉa nhỏ, xếp tròn mềm mại, gợi cho người xem một tâm linh siêu thoát nhẹ nhàng nơi cửa Phật.
          Hoa sen: Một loài hoa thanh tao, tinh khiết mang biểu tượng của đức Phật Thích Ca và giáo lý được cách điệu thành hai lớp bố cục tạo nên đế tháp chắc khoẻ nhưng thanh thoát hướng theo cùng phong cách bay bổng của kiến trúc. Lớp trên cánh sen ngửa, lớp dưới cánh sen úp, dáng cánh to, nhọn, diềm cánh có các hình móc xoắn toả sang hai bên, lòng cánh có các chấm tròn tựa như những hạt sương long lanh huyền ảo. Qua đó có thể thấy, bằng sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật và kiến trúc, nhà thiết kế đã gợi cho người xem một ấn tượng gợi cảm như cây tháp mọc trên toà sen nở rộ. Mô típ kiến trúc, nghệ thuật tháp Bình Sơn gần giống với cây tháp sứ mô hình thờ ở chùa Chò xã Yên Phương, Yên Lạc (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh).
          Như vậy có thể thấy, trên cùng nhóm hoạ tiết trang trí; hoa cúc (dương) và hoa sen (âm) ở tháp Bình Sơn mang đậm nét nghệ thuật trang trí thời Lý ở chùa Bút Tháp, Phật Tích; và ở chúng mang tính mỹ cảm cao siêu với biểu tượng của cặp phạm trù trong triết lý âm dương tạo nên sự cân bằng, hoà hợp là ước vọng của người nghệ sỹ năm xưa muốn gửi gắm, mong cầu hạnh phúc tới muôn người.
          Hoa văn hình học: Được bố cục dày đặc trên đường diềm đế tháp với bố cục hình trám nổi; trong mỗi hình trám có khắc nổi hình thoi, xung quanh điểm các dấu móc hỏi “?” và mây cách điệu hình khánh. Sự kết hợp nhuần nhuyễn trong nghệ thuật tạo hình bằng khối óc tư duy đầy sức sáng tạo của người thợ đã gợi cho người xem không nhàm chán trước những hoạ tiết đơn điệu, góc cạnh của kiến trúc vuông.
          Hình con rồng: Là một trong những môtíp nghệ thuật trang trí phổ biến dưới thời phong kiến nước ta, nó được gán với sức mạnh vũ trụ, mưa thuận, gió hoà và quyền uy của vương triều. Trên tháp Bình Sơn, đồ án rồng được trang trí nổi trong vòng tròn đồng tâm hai bên cửa khám thờ (theo một số tài liệu khám dùng để đặt tượng Phật hoặc di cốt của thiền sư) rồng mang nét đặc trưng thời Trần như đầu to, mào lửa mập, thân rồng cuộn tròn lượn hình song nước, bộ vây lưng nhỏ, chân trước đưa lên vuốt tóc, ngắm chúng thật ung dung ngộ nghĩnh
          Hoa văn song nước: Trên tháp Bình Sơn có dạng hình núi phảng phất sự kế thừa nghệ thuật trang trí ở cuối thời Lý, như chân song choãi, ngọn song thuôn dần từ dưới lên trên, lòng ngọn sóng tạo lõm, lớp lớp kế tiếp nhau đều đặn, nhịp điệu.
          Hình tháp nhỏ (tháp Bồ Tát): Được bố cục trong hình vuông trang trí dày đặc trên các tầng tháp, thoạt trông ta cứ ngỡ là sự ngẫu nhiên trong trang trí, nhưng đó là triết lý luân hồi của đạo Phật, theo phạm trù âm dương hình tháp được bố cục trong ô vuông như gợi tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa, xung quanh hình tháp có các tia hào quang toả sáng, lớp trong nhỏ và dấn lớn ra phía ngoài.
          Lá đề: Là một trong những hoạ tiết trang trí phổ biến trên tháp Bình Sơn. Hình lá đề gợi cho người xem nhớ về cội bồ đề nơi Phật Thích Ca tu đắc đạo; được nhà thiết kế cách điệu từ quầng lửa sáng đầu thường gặp trong các đồ án trang trí thời Lý, với phần thân dưới rộng và búp dần về phía ngọn. Trong mỗi lá đề lại điểm đan xen các mảnh ngọc bội và sừng tê đặt đối ngẫu, phía dưới có hình hoa lá cách điệu đơn giản mà vẫn gợi nét thẩm mỹ trang trí cao.
          Bên cạnh nhóm đề tài trang trí chính, còn có những họa tiết trang trí phụ không rõ đề tài, hơn nữa một số chi tiết lại bị phai mờ, bào mòn qua năm tháng mà người xem khó đoán định. Nhưng khi bao quát chung cho thấy, sự có mặt của những họa tiết phụ cũng không thừa, chúng càng tôn lên vẻ đẹp của nhóm đề tài trang trí chính. Vậy phải chăng đó là ý đồ của các nghệ sỹ tài ba năm xưa.
          Từ ngôn ngữ tạo hình cho thấy, tám nhóm đề tài trang trí Phật giáo trên tháp Bình Sơn đã chuyển tải cô đọng những triết lý luân thường của Đạo Phật, mà ở đó người nghệ sỹ gốm năm xưa muốn gợi mở cho người xem nhiều suy tưởng khác nhau về con đường bát chính đạo (chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính niệm, chính định, chính kiến, chính tư duy, chính tịnh tiến) đang lắng sâu trong sự trầm tĩnh của mảng gốm hồng thô mộc để dần từ đó toát lên thông điệp Phật pháp tới nhân gian, thức tỉnh thiền tâm trong mỗi người khi đứng bên tháp Phật./.


        TRANH HỔ
                                      Nguyễn Anh Ngọc                                                       

          Tín ngưỡng thờ thần hổ đã có từ xa xưa, mang nguồn gốc sơ khai nguyên thuỷ bên cạnh tín ngưỡng thờ Mẫu (Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Thuỷ, Mẫu Địa), thờ cha (Đức Thánh Trần), thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Vũ, Pháp Lôi) thờ thiên nhiên (cây đa, hòn đá,...).Tuy nhiên theo từng mục đích tâm linh mà trong dân gian người ta đặt niềm tin ở một vị thần hoặc thờ cộng hưởng nhiều thần linh (đa thần giáo) khác nhau theo quan niệm riêng của người thờ (tín chủ).
Để linh thiêng hoá các vị thần trong tâm thức dân gian, qua nhiều thế hệ người ta bắt đầu xây dựng hình tượng từ vô hình thành hữu hình cho từng vị thần. Ví như Mẫu Thượng Thiên - Mẹ trời (áo màu đỏ), Mẫu Thượng Ngàn - Mẹ rừng, núi (áo màu xanh).v.v..Không nằm ngoài những quan niệm trên, ở tín ngưỡng thờ thần hổ các hoạ công vẽ tranh thờ Hàng Trống xưa đã khắc hoạ hình tượng vị thần hổ oai vũ,  mỗi vị mang một sắc phục khác nhau dựa trên quan niệm ngũ sắc, ngũ hành và nhiều ý niệm dân gian khác qua hai bức tranh thờ sau:  
1.Tranh Ngũ hổ: Là một bức vẽ phổn thể 5 nhận vật (Hoàng hổ, Thanh hổ, Bạch hổ, Xích hổ, Hắc hổ) được bố cục, trình bày theo một trật từ trong ra ngoài, cao tới thấp, từ chính đến phụ dựa trên nguyên lý ngũ hành (Kim-mộc-thuỷ-hoả-thổ), ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung ương) để thể hiện uy vũ vị thần hổ. Từ quan sát thực tế, người hoạ công vẽ tranh thờ lấy nguyên mẫu từ con hổ hoang dã trong đại ngàn để phác hoạ hình tượng thần hổ có sức mạnh phi thường, qua dáng ngồi, đứng, cưỡi mây, lướt gió oai phong, đường bệ với mảng khối cơ bắp khoẻ mạnh, linh hoạt; các chi tiết mặt, râu, mũi, vằn lông,...sắc nét dữ tợn; đặc biệt là những con mắt hổ luôn rực lửa nội lực của loài mãnh thú. Bằng lối vẽ công bút, dầm bút, người hoạ công vẽ tranh thờ xưa đã biểu đạt rõ nét tính cương-nhu trong thần hổ, mà ở đó mỗi vị thần hổ lại được gán với một hành, một phương, một sắc màu và những ý niệm đầy tính triết lý của người xưa qua hình tượng:
Hoàng hổ tướng quân: được vẽ ngồi ở vị trí trung tâm, trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương - ứng với hành Thổ. Màu vàng thể hiện sự thuận lợi, thăng tiến cùng niềm tin, sự bền vững, lâu dài.
Thanh hổ tướng quân: trấn giữ phương Đông - ứng với hành mộc. Màu xanh thể hiện sự êm đềm và dịu dàng. Tượng trưng cho sức khoẻ, sự phát triển.
Bạch hổ tướng quân: trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim. Màu vàng thể hiện sự ổn định. Tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết.
Xích hổ tướng quân: trấn giữ phương Nam - ứng với hành hoả. Màu đỏ thể hiện sự vui vẻ, hạnh phúc. Tượng trưng cho tốc độ, tính lãnh đạo, quyền lực cá nhân.
Hắc hổ tướng quân: trấn giữ phương Bắc - ứng với hành thuỷ. Màu đen thể hiện sự thanh thản, yên tĩnh. Tượng trưng cho trí tuệ, sự thông minh.
          Từ cách diễn giải trên, tranh thờ Ngũ hổ là sự hội tụ kết tinh của những sắc màu và hệ thống triết lý:
          Ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Trong ngũ hành lại chia: tương sinh (Thuỷ sinh mộc, mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thuỷ), Tương khắc (Kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thuỷ, thuỷ khắc hoả, hoả khắc kim).
          Ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen). Từ năm màu cơ bản có thể thiên biến muôn vạn màu sắc khác nhau
          Ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm). Từ phương góc, lại có các phương cạnh Đông - Tây, Nam - Bắc..v.v..
          Tứ quý (xuân, hạ, thu, đông). Là bốn mùa phân chia rõ rệt trong năm; nhưng ở cuối của mỗi mùa lại có sự chuyển dịch gọi là giao mùa.

*Bảng đối chiếu so sánh:

Ngũ hổ
Ngũ hành
Ngũ sắc
Ngũ phương
Tứ quý
Hổ trắng
Kim
Trắng
Tây
Thu
Hổ xanh
Mộc
Xanh
Đông
Xuân
Hổ đen
Thuỷ
Đen
Bắc
Đông
Hổ đỏ
Hoả
Đỏ
Nam
Hạ
Hổ vàng
Thổ
Vàng
Trung ương



Dựa trên cách thể hiện nguyên lý theo quan niệm văn hoá phương Đông, người xem tranh/thờ tranh có thể suy luận theo nhiều hướng khác nhau để dịch chuyển vấn đề từ Ngũ hổ (Hổ vàng, Hổ xanh, Hổ trắng, Hổ đỏ, Hổ đen) tới ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), Ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), Ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm), Tứ quý (xuân, hạ, thu, đông); hơn nữa khi suy luận rộng, mỗi màu sắc trong tranh lại tương quan với tính cách của từng nhân vật hổ, theo quan niệm tượng trưng sắc màu trong dân gian nhằm biểu đạt nổi bật chủ đề miêu tả, làm cho tổng thể bức tranh hổ thêm thần bí, lôi cuốn người dùng (thờ cúng) và người xem (thưởng thức nghệ thuật).
  2. Tranh nhất Hổ: Là những bức vẽ  đơn nguyên: Hắc hổ (Hổ đen), Bạch hổ, (Hổ trắng), Xích hổ (Hổ đỏ), Hoàng hổ (Hổ vàng), Thanh hổ (Hổ xanh). Các nhân vật thần hổ đơn có nét cơ bản giống nhau ở tư thế ngồi, khuôn mặt nhìn chính diện với ánh mắt tròn rực lửa dữ tợn, đuôi uốn cong giơ lên như đang ngoe nguẩy, sẵn sàng quật xuống tạo sức bật mãnh liệt; xung quanh thần hổ có mây ngũ sắc vờn cuộn nổi, cờ thần, kiếm lệnh thể hiện vị thần chủ một phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm); tuy nhiên mỗi nhân vật thần hổ được thể hiện khác nhau ở màu sắc biểu đạt theo nguyên lý ngũ hành: kim = màu trắng, mộc = màu xanh, thuỷ = màu đen, hoả = màu đỏ, thổ = màu vàng.
Để sử dụng một trong hai bức tranh thờ trên, nếu người dùng (thờ tranh) trong gia đình phải dựa trên cung mệnh (hợp với gia chủ) phương vị (hướng ngôi nhà) để sắp đặt ban thờ thần hổ trong nhà, nơi kinh doanh, làm việc...Ví dụ người sinh năm Bính Thìn (1976) có mệnh là thổ thì hợp với Xích Hổ (hổ đỏ), vì hoả (lửa) sinh thổ (đất). Còn ở phủ, miếu, đền (làng, xã) tuỳ thuộc vào vị trí yêu cầu thờ tự mà người ta thờ Ngũ hổ hay Nhất hổ.
Nằm ngoài tín ngưỡng, bức tranh Ngũ Hổ, Nhất Hổ không những làm đẹp cho không gian ngôi nhà người Việt mà còn phản ánh chu kỳ phân chia năm theo lịch 12 con Giáp (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) của cư dân nông nghiệp; trong đó hổ (dần) xếp hàng thứ ba trong một vòng quay của chu kỳ (12 năm). Điều này cũng bắt nguồn từ xa xưa, khi mà các kỹ thuật in ấn  lịch còn hạn chế, chưa phổ biến, thì việc treo các bức tranh hổ, tranh gà...trong nhà  còn giúp người xưa ghi nhớ đó là năm con gì để nhận biết các năm tiếp theo. Bằng cách ghi nhớ này người xưa gọi 12 năm là một giáp, và 60 năm gọi là một hội.
Ngày xuân năm Canh Dần, tìm đôi nét về tín ngưỡng tranh thờ thần hổ trong xã hội xưa & nay, âu cũng là dịp hiểu hơn về một bộ phận trong hệ thống tín ngưỡng đa thần của người Việt, mà ở đó tín ngưỡng thờ thần hổ rất có thể có mối quan hệ nào đó gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu (trong điện thờ mẫu thường có ban thờ ngũ dinh-ngũ hổ) một tín ngưỡng mang đượm nét sơ khai nguyên thuỷ thiên về thờ vũ trụ (Trời-Đất-Nước-Rừng, núi), mà trong đó, hổ là chúa tể sơn lâm (vùng rừng, núi) vị thần linh (đệ tử) gần gũi với Mẫu Thượng Ngàn. Tuy nhiên suy tưởng ở nghĩa nào đi chăng nữa, quan niệm về thờ thần hổ đã có từ bao đời nay, danh xưng trong dân gian còn gọi là ông, ngài, quan...và được dân gian thờ tự tôn kính, mong cầu được thần hổ chở che, trấn áp tà khí, bảo hộ bình an gia đình hay cộng đồng xã hội./.
N.A.N