Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

NGUYỄN KHẮC KHOAN

DI VẬT CỔ
TRONG ĐỀN NGUYỄN KHẮC KHOAN

                                                                          Nguyễn Anh Ngọc

          Đền thờ Nguyễn Khắc Khoan hay còn gọi là Gia Loan tự ở thôn Vĩnh Mỗ thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc có nét kiến trúc kiểu chữ đinh ( ) gồm 3 gian nhà tiền tế và 1 gian hậu cung được xây dựng trên gò đất hình quy phục (rùa nằm) giữa cánh đồng bằng, hướng mặt ra phía Nam nơi có dòng sông Loan chảy vòng cung bao quanh lấy ngôi đền tạo nên thế lưu thuỷ liên hoàn.
          Theo thuật phong thuỷ vị trí ngôi đền tuy không đủ thêm ba yếu tố thanh long, bạch hổ, chu tước nhưng người xưa đã biết chọn huyền vũ độc lập mà vẫn tạo được phúc trạch, bởi nhà phong thuỷ đã vận dụng gò cao (dương) phía sau lưng làm điểm tựa để mở hướng thuận ra sông Loan (âm), hai yếu tố kết hợp hài hòa sẽ sinh vượng khí bốn mùa. Đó là nét chung trong quan niệm chọn đất dựng nhà của người Việt xưa.
          Bên cạnh các giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh, phong thuỷ, trong ngôi đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ đặc sắc có giá trị nghiên cứu như: Hoành phi, câu đối và Khám thờ khắc phù điêu chân dung tướng quân Nguyễn Khắc Khoan và hai bộ tướng là những tác phẩm tuyệt tác của bàn tay lao động và trí óc sáng tạo được kết hợp với thẩm mỹ, kỹ thuật điêu khắc tài hoa của người nghệ sỹ năm xưa đã thể hiện sinh động đề tài trên chất liệu gỗ sơn son thếp vàng tạo nên sắc độ ngoạn mục, lung linh khi gặp ánh sáng tương phản từ đèn, nến làm tôn lên vẻ đẹp huyền bí, thâm nghiêm nơi thờ tự. Hơn nữa bằng bố cục cân xứng, đường nét tạo hình hài hoà, mềm mại nhưng tinh tế diễn tả được cái thần khí của nhân vật thần linh và ngôn ngữ ca ngợi tố chất anh hùng trước thế cuộc thời đại.
          Để từng bước hình dung và cảm nhận vẻ đẹp của Ngôn ngữ - Mỹ thuật qua các di vật cổ đặc sắc trong ngôi đền, người viết sắp xếp trình bày theo hai nhóm giá trị tiêu biểu sau:
          Nhóm Văn tự: Bên cạnh các thần tích, sắc thần (giấy) hiện trong đền còn lưu giữ hai bức Hoành phi và đôi Câu đối cổ bằng gỗ được chạm khắc lối chữ chân khoáng đạt, bay bổng và phụ hoạ với các nét trang trí hoa văn triện uyển chuyển, lấp lánh trong sắc thái sơn son thếp vàng truyền thống.
          Bức thứ nhất: Hoành phi đề bốn chữ Hán “Thiên hạ anh hùng” treo trang trọng ở gian giữa nhà tiền tế. Nội dung ngôn ngữ ca ngợi anh hùng thiên hạ Nguyễn Khắc Khoan tự xưng là Thái Bình trong thời thập nhị sứ quân (945-967) được các nghệ sỹ năm xưa chạm nổi nét chữ chân tinh tế, kết hợp với hoa văn chạy triện xung quanh bốn góc vuông tạo nên bố cục cân xứng, hài hoà, đồng thời tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm thờ tự.
          Bức thứ hai: Hoành phi có đề ba chữ Hán “Tối linh từ” nghĩa là ngôi đền linh thiêng, luôn bảo trợ phù hộ dân làng được treo ở chính giữa hậu cung, nơi đặt Khám thờ khắc phù điêu chân dung tướng quân Nguyễn Khắc Khoan.
          Ở phía dưới bức hoành phi treo đôi câu đối dọc hai bên hàng cột tiền hậu cung, mỗi vế đối gồm mười một từ, có thanh điệu bằng trắc.
          Vế mở: “Ngô vương kỷ dĩ hậu thiên biên dư niên vu kim”
               đối: “Nguyễn Gia Loan tri giang thập nhị sứ quan kỳ nhất
Tam dịch:     Ngô Vương Xí lấy khí tiết của trời đến nay còn chưa hết
                   Nguyễn Gia Loan biết việc nước mười hai sứ quân trông mong là một
Qua các dòng Hán tự ngắn gọn, xúc tích trên như chuyển tải được cái tinh tế trong sáng của ngôn từ ca ngợi thân thế, sự nghiệp của tướng quân Nguyễn Khắc Khoan trước bối cảnh lịch sử, xã hội phân tranh; đất nước bị chia cắt thành mười hai sứ (945-967) nhưng ở góc độ nào đó trong xã hội vẫn có thể ghi nhận công lao đóng góp của ông đối với công cuộc xây dựng dải Tam Đới rộng lớn, mà huyện Yên Lạc là một bộ phận của vùng đất cổ đó; và đồng thời đứng bên cạnh các giá trị về minh văn là sự góp mặt của người nghệ sỹ năm xưa đã thể hiện rất thành công trong tác phấm Văn tự kết hợp với yếu tố Mỹ thuật để làm nên tác phẩm tuyệt tác, qua đó có thể nói rằng các nghệ sỹ vừa là nhà điêu khắc tài hoa nhưng lại rất đỗi uyên bác về thư pháp.
          Nhóm mỹ thuật gồm 3 bức phù điêu.
          Bức thứ nhất: Phù điêu chân dung Nguyễn Khắc Khoan được tạc ngồi trong khám thờ có chiều cao khoảng 80cm. Đầu đội mũ xung thiên, khuôn mặt vuông, mắt én, mày ngài, đôi tai dài phúc hậu, thân mặc áo gấm in long vân, ở ngực thêu ô vuông có hình kỳ lân, bụng thắt đai có hoạ tiết rồng, mặt nguyệt. Tay phải cầm hốt bài (lệnh), tay trái đặt hờ trên đầu gối, chân đi hia. Ngắm tư thế tướng quân ngồi ung dung, tự tại trên long ngai chạm hình lưỡng long chầu nguyệt. Ở các đường nét chạm chân dung, rồng chầu được các nghệ sỹ xưa kia thể hiện tinh tế ở từng chi tiết nhỏ tạo nên cho bức chạm sinh động, hấp dẫn gợi cho người xem cảm nhận tướng quân như linh thần biểu tượng qua sức mạnh của đôi rồng ẩn mình, vươn đầu ra từ đám mây nước cuộn nổi gợi cho người xem liên tưởng tới bức tranh “long vân tụ hội”. Ở đường diềm trang trí đỉnh khám thờ có chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt và hoạ tiết hình triện được cách điệu trang trí hai bên diềm cánh. Toàn bộ chân dung và khám thờ được người nghệ sỹ năm xưa quét lớp sơn then, son rồi thếp vàng quỳ tạo cho bức chân dung lunh linh huyền ảo trước ánh sáng chợp chờn của ngọn đèn nến.
          Bức thứ hai: Phù điêu quan võ có tên là Ôn Nhời tướng quân (theo thần tích) được tạc đứng trong khám thờ có chiều cao khoảng 65cm được đặt thờ ở bên phải lối cửa ra vào hậu cung. Chân dung quan võ đầu đội mũ giáp trụ tròn, khuôn mặt nghiêm nghị, thân mặc hai lớp áo, lớp trong dài quá gối, lớp ngoài áo giáp ngắn có dạng tròn che trước ngực, ở cả hai lớp áo đều có điểm hoa văn gợn nởi, bụng thắt đai bệ vệ, tay phải cầm trường đao dựng đứng theo thân mình, tay trái đặt lên trước ngực như thể hiện lòng trung thực. Chân trái co, chân phải duỗi như đặt cả trọng tâm cơ thể lên cuồng mây cuộn nổi được các nghệ sỹ điêu khắc chạm bong nổi nhịp điệu, khoẻ khoắn cho cả bố cục.
Bức thứ ba: Phù điêu quan văn có tên là Nhẹ Nhời quân sư (theo thần tích) được tạc trong khám đặt thờ ở bên trái lối cửa ra vào hậu cung. Ở bức chạm này về cơ bản được tạc giống hình tượng tướng quân Ôn Nhời ở các chi tiết nét mặt, trang phục, thần thái,...và chỉ khác ở chi tiết tay trái cầm trường đao, tay phải đặt lên trước ngực thể hiện lòng tôn kính và trung thực với bề trên. Chân phải doãi, chân trái co lên đặt trên một đám mây cuộn nổi với các đường lượn mềm mại nhưng tạo mảng khối chắc khoẻ cho cả bố cục tạo hình. Xung quanh các diềm trang trí khám thờ có chạm nổi hình rồng và chữ triện.
Dưới góc độ mỹ thuật ba bức phù điêu sơn son thếp vàng chân dung tướng quân Nguyễn Khắc Khoan cùng hai bộ tướng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc trong dòng mỹ thuật dân gian Việt Nam. Ở nó có sự kế thừa và phảng phất phong cách thể hiện các bức chạm gỗ và sơn thếp ở đình Thổ Tang (tk XVII) và có nét tương đồng với các bức chạm gỗ văn quan, võ tướng bài trí trong đền Thính (xã Tam Hồng). Trên cơ sở nghiên cứu mỹ thuật thời Nguyễn và một số di vật thờ tự hiện còn lưu giữ trong đền có thể phỏng đoán ba bức phù điêu có niên đại vào khoảng thể kỷ XIX (?).
Từ hai nhóm giá trị tiêu biểu trong Đền thờ Nguyễn Khắc Khoan như gợi mở nội dung ẩn chứa các giá trị lịch sử, văn hoá tâm linh thật truyền cảm. Nếu như người xem cảm nhận ở mảng Văn tự là ngôn ngữ chuyển tải tới người đọc bằng sự ghi tạc thân thế, sự nghiệp và ngợi ca người anh hùng Nguyễn Khắc Khoan qua các bức Hoành phi, câu đối thì ở mảng Mỹ thuật lại lấy ngôn ngữ tạo hình để mô phỏng chân dung qua mảng khối, đường nét theo cảm nhận, suy tưởng để phác hoạ nên hình ảnh tướng quân có thần thái, oai phong lẫm liệt, để người đời chiêm nghiệm và thể hiện lòng ngưỡng mộ. Hai giá trị trong một di tích tuy là những mảng thể hiện theo ngôn ngữ rất riêng nhưng cùng đồng nhất thần bí, tôn vinh sự nghiệp anh hùng của tướng quân Nguyễn Khắc Khoan.
Như chúng ta thấy trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, kiến trúc ngôi đền có bị đổi thay nhưng các di vật cổ vẫn được nhân dân bảo toàn gìn giữ như một giá trị bất biến của linh hồn gắn kết với ngôi đền, gắn kết với dân làng, mong cầu “Quốc thái dân an”. Đó là cái làm nên nội dung văn hoá tâm linh đặc sắc mà ít nơi có được, và cũng chính từ những giá trị trên ngôi đền đã được UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.
Điều đặc biệt quan tâm hơn nữa khi nghĩ tới các di vật cổ có giá trị tiêu biểu trong ngôi đền là vấn đề quản lý bảo tồn; bởi hiện nay vị trí ngôi đền nằm giữa cánh đồng vắng, ngay bên cạnh đường liên huyện, việc quản lý trông nom còn mỏng và thưa thớt, nên chăng các cơ quan quản lý văn hoá ở cơ sở và chính quyền địa phương cần có phương án bảo vệ di tích và đặc biệt là các di vật cổ có giá trị nghiên cứu, bảo tồn. Để trong tương lai không xa, đền thờ Nguyễn Khắc Khoan sẽ là địa chỉ đỏ nằm trong tam giác gắn kết với Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu - Chùa Biện Sơn thành một quần thể di tích hấp dẫn các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ, mỹ thuật và khách tham quan du lịch về vùng đất Yên Lạc nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung./.
                                                                                                                                                                            NAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét