Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

NĂM RỒNG NÓI CHUYỆN TỲ HƯU

                                                                  
          Nguồn gốc Tỳ Hưu bắt nguồn từ những bí mật trong hoàng cung rồi dần truyền ra dân gian Trung Quốc cách ngày nay mấy thế kỷ; còn ở Việt Nam vật linh (Tỳ Hưu) này cũng chỉ được du nhập rõ nét nhất vào khoảng một thập niên trở lại đây, nhưng phổ biến được giới sành chơi (kinh doanh, nhà giàu,..) truyền tai nhau dùng bài trí trong nhà, văn phòng làm việc hoặc gắn trên mặt nhẫn, dây chuyền với ý niệm chiêu tài-tiến bảo cho thân chủ. Thế nhưng Tỳ Hưu là gì? nguồn gốc và ý nghĩa của vật linh này ra sao thì ít người rõ, hoặc có hiểu cũng đôi chút mà thôi.
          Theo truyền thuyết Trung Quốc, Tỳ Hưu là một trong chín con của Rồng sinh ra nhưng không giống rồng, nếu có giống cũng chỉ đôi nét nhỏ, thứ tự tên gọi các linh thú như sau:
          Tỳ Hưu (tên gọi khác là Tu Lỳ): có đặc điểm đầu giống Kỳ Lân, có một sừng hoặc hai sừng, thân gấu trắng, có cánh trên lưng, thường đứng ở tư thế cuộn tròn, há miệng, lưỡi cong, răng sắc nhọn, thân không có hậu môn. Tỳ Hưu một sừng được coi là giống cực kỳ hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu ma (dùng trấn tà); loại hai sừng có tên gọi là khác là Tu Lỳ, sở thích chuyên ăn vàng, bạc, châu báu trong trời đất nên được coi là vật linh chiêu tài-tiến bảo cho người dùng.
          Nhai Xế (Nhai tí): loài mình rồng, đầu chó sói, cương liệt hung dữ, khát máu hiếu sát, thích chém giết chiến trận. Vì thế Nhai Xế được khắc ở thân vũ khí: ngậm lưỡi phủ, lưỡi gươm đao, trên vỏ gươm, chuôi cầm khí giới để thêm phần sát khí.
          Trào Phong: có thân phượng, có thể hóa thành chim, đặc điểm thích sự nguy hiểm, nhìn ra vọng rộng. Do đó Trào Phong được tạc ngồi trên nóc nhà, đầu mái nhà nhìn về phía xa.
          Bồ Lao: thích tiếng động lớn, âm thanh vang dội, vì thế quai chuông khắc hình Bồ Lao hai đầu quay ra hai bên ôm chặt quả chuông.
          Toan Nghê: hình thù giống sư tử, thích khói lửa, mùi thơm, nuốt khói phun sương. Do đó Toan Nghê được khắc trên các lư hương, đỉnh trầm, ngồi trầm mặc trên đỉnh hay bám hai bên.
          Bí Hí (còn gọi là Quy Phu): giống con rùa, thích mang nặng, có thể cõng được tam sơn ngũ nhạc không bao giờ mỏi. Vì thế Bí Hí cõng bia, trụ đá, nhiều người nhầm với rùa.
          Bệ Ngạn (Bệ hãn) còn gọi là Hiến chương: như con hổ, thích nghe phán xử, phân định; vì thế Bệ Ngạn được tạc ở công đường, nhà ngục, trên các tấm biển công đường.
          Phụ Hí: mình dài giống rồng, thích văn chương thanh nhã, lời văn hay chữ tốt. Vì thế Phụ hí tạc trên đỉnh hoặc hai bên thân bia đá.
          Si Vẫn (Li vẫn, Si vĩ): miệng trơn họng to, rất thích nuốt các vật lớn, lại có thể phun nước làm mưa. Vì thế Si Vẫn được tạc trên nóc nhà để phòng hỏa hoạn, khác với Trào Phong là đầu quay vào trong, nuốt lấy xà nhà hoặc bờ nóc.
          Ngoài chín con vật nêu trên; trong một truyền thuyết khác còn giải thích thêm ba linh vật có cùng nguồn gốc với Tỳ Hưu. Đó  là:
          Thao Thiết: sở thích ăn uống, càng nhiều đồ ăn càng tốt. Vì thế được khắc trên các vạc lớn, lại tượng trưng cho việc thu lấy tài lộc giống Tì Hưu.
          Công Phúc có tên khác Bát phúc, Bát hạ): thích nước, nên được khắc tạc ở chân cầu, đê đập, cống nước để canh giữ.
          Tiêu Đồ (Thúc đồ, Phô thủ): đầu giống sư tử, thích sự kín đáo yên tĩnh. Vì thế được tạc ngoài cửa, ngụ ý giữ yên cho ngôi nhà. Đầu Phô Thủ ngậm thêm cái vòng để khách đến dùng nó mà gõ.
          Như vậy trong mười hai con vật có cùng nguồn gốc với Tỳ Hưu, chúng ta thấy ở hình tượng mỗi con, dân gian lại gán cho nó một đặc điểm, tính cách và tác dụng khác nhau, nên người dùng cũng dựa trên các đặc điểm đó để dùng cho phù hợp như trang trí trên nóc nhà, cửa cổng, bia đá, quả chuông, gươm kiếm..v.v..
          Trong giới hạn bài viết, tác giả xin trở lại giải thích vài nét về linh vật Tỳ Hưu qua  nguồn gốc, hình tượng, và ý niệm cát tường trong dân gian.
          Tỳ Hưu có đặc điểm đầu giống Kỳ Lân, miệng dài và rộng, lưỡi cong, răng sắc nhọn, đầu có một sừng hoặc hai sừng, thân gấu trắng, có cánh trên lưng, thân không có hậu môn. Tỳ Hưu một sừng chỉ có tác dụng trấn trạch, trừ tà vì nó được là giống cực kỳ hung dữ, chuyên cắn hút tinh huyết của các loài yêu ma; loại hai sừng có tên gọi là Tu Lỳ, sở thích chuyên ăn vàng, bạc, châu báu trong trời đất nên được dân gian ưa dùng để chiêu tài-tiến bảo.
         
          Vì sao Tỳ Hưu không có hậu môn? dân gian giải thích Tỳ Hưu là con thứ chín của Long Vương, thức ăn của nó là kim ngân, châu báu, vì thế toàn thân nó toát lên bảo khí một cách tự nhiên, cho nên Ngọc Hoàng ưa thích Tỳ Hưu hơn cả cóc vàng. Được sống trên Thiên đình, Tỳ Hưu ăn nhiều nặng bụng cho nên có lần nó đã đi bậy khiến Ngọc Hoàn tức giận cho nó một cái tát vào mông, khiến cho hậu môn của nó bị bịt kín lại, từ đó kim ngân châu báu nó ăn vào và không thể ra. nên dân gian tin rằng nó chính là vật chiêu tài tiến bảo
          Tại sao Tỳ Hưu phải được tạc bằng đá ngọc quý mới linh nghiệm, vì theo người Trung Hoa, chữ vương có một dấu chấm thành chữ ngọc; hiểu nghĩa là ai dùng ngọc sẽ là người vương giả giàu sang.
          Hướng đặt phong thuỷ: Tỳ Hưu phải được đặt trên cung tài lộc của gia chủ, và hướng mắt ra ngoài để cho nó ăn vàng bạc trong trời đất, nếu đặt ngược lại nó sẽ ăn hết của cải trong nhà gia chủ. Nếu đã đặt trong nhà, thì nên đặt một đôi, con đực tượng trung cho tài vận (vận tiền tài), con cái tượng trưng cho tài khố (kho tiền) vì quan niệm có tiềng thì phải có kho để lưu trữ. Còn nếu đeo trên người (mặt dây chuyền hoặc nhẫn) thì nên chọn một con, tránh đeo hai con vì chúng sẽ đánh nhau không tốt cho người dùng.
          Điều đặc biệt là kiêng kỵ không được chạm vào miệng Tỳ Hưu, vì làm như thế nó sẽ hút hết tài lộc của người sờ. Tuy nhiên để phát huy tác dụng, mỗi ngày, gia chủ cần xoa chơi một lúc nhằm đánh thức linh vật dậy, vì dân gian tin rằng “xoa đầu Tỳ Hưu một cái vận trình thịnh vượng, xoa tiếp một cái tài vận cuồn cuộn, xoa ba cái bình bộ thanh vân”. còn nếu gia chủ không đánh thức Tỳ Hưu sẽ ngủ triền miên, không phát huy tác dụng như ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét