Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011


PHÚC LỘC THỌ
Từ dân gian đến chân dung lịch sử
                                                                                                               

Mỗi khi Tết đến Xuân về, mọi nhà thường trang hoàng nhà cửa cho cảnh sắc thêm xuân; bên cạnh những bức tranh Tết, chữ đại tự, câu đối  mang nội dung cát tường, nhiều gia đình còn chú trọng bài trí hình tượng Phúc-Lộc-Thọ.
          Theo quan niệm tín ngưỡng văn hoá dân gian, Phúc-Lộc-Thọ được hiểu nghĩa:
          Phúc (福)  = tốt lành, con đàn cháu đống
          Lộc (禄) = làm quan, hưởng bổng lộc, có địa vị xã hội, tiền của
          Thọ (壽) = sống khoẻ, sống lâu
          Trải qua thời gian, quan niệm về Phúc-Lộc-Thọ không chỉ dừng lại ở thuật ngữ dân gian mà nó còn được tô vẽ, gán ghép với những nhân vật có thực trong xã hội Trung Quốc, tuy ba ông từng giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử nhưng qua phác hoạ chân dung, ba ông đều có cách nghĩ, cách làm, cũng như lối ứng xử khác nhau trong cuộc sống, chính vì lẽ đó mà dân gian ghép nên bộ ba Phúc-Lộc-Thọ để chiêm nghiệm:
Ông Phúc: tên thật là Quách Tử Nghi làm quan đời Đường, ông là vị quan thanh liêm, gia cảnh nghèo túng, thanh bạch. Hai vợ chồng ông bằng tuổi nhau, suốt đời luôn lấy tâm, đức làm việc thiện. Cả gia đình đều quý trọng, thương yêu nhau, trong ấm ngoài êm. Năm ông bà bước sang tuổi 83 thì có chút ngũ đại (cháu đích tôn ở đời thứ năm - quen gọi là ngũ đại đồng đường). Ông Quách Tử Nghi sung sướng quá ôm đứa chút nội trên tay. Ông bà cùng cười lên một tiếng dài rồi ''qui tiên''. Việc ''qui tiên' của ông bà thật là ''nhàn du tiên cảnh''. Người đời ai ai cũng ao ước cuối đời được như ông bà.
Ông Lộc:  tên là Đậu Từ Quân, làm quan đời nhà Tấn. Ông luôn ra sức tìm mọi cách xoay xở cho mình thật nhiều bổng lộc, cuộc đời giàu sang; vẻ bề ngoài trông ông lúc nào cũng oai vệ, bụng to, cân đai xệ xuống. Nhưng về già thì thật buồn thay, năm ông 80 tuổi vẫn chưa có cháu đích tôn để nối dõi tông đường. Dân gian nhìn vào gia cảnh như thế thì cho rằng, làm được nhiều lộc, hưởng không hết vậy để cho ai?
Ông Thọ:  tên là Đông Phương Sóc, làm quan nhà Hán. Ông luôn tìm lời nói thật hay, cử chỉ thật khéo để làm vừa lòng Thiên tử cho nên được nhà vua ban nhiều bổng lộc. Mỗi lần được vàng lụa vua ban, Đông Phương Sóc lại cưới đem về một mỹ nữ. Thê thiếp của ông nhiều vô kể. Có người khuyên bảo ông: “Làm quan đại phu phải lấy lời nói thẳng can vua chứ không nên lấy lời nói đẹp để làm vui lòng vua mà thu bổng lộc''. Ông Sóc cười, nói rằng: Làm quan để có nhiều bổng lộc mà tận hưởng lạc thú. Nếu không, làm quan chi cho mệt xác. Ông Phương Sóc sống lâu đến 125 tuổi, râu tóc bạc phơ, lưng còng hẳn xuống. Đến lúc chết, cháu bốn đời phải thay ông, thay bố mà làm ma chay. Người đời đánh giá sống thọ như thế để  làm gì?
Người xưa đã khéo xếp ba ông lại với nhau cũng là điều hiển nhiên, bởi Phúc-Lộc-Thọ là ba điều mơ ước trong cuộc sống thường nhật của mỗi người, mỗi nhà; tuy nhiên theo đạo lý truyền thống dân tộc thì thời nào cũng vậy, người ta thường cầu Phúc đầu tiên, còn Lộc và Thọ thì biết bao giờ cho đủ. Chẳng thế mà ông Phúc được đặt lên vị trí thứ nhất trong ba vị tam đa. Bởi xuất phát từ quan niệm: có Phúc thì có phần, có phúc đức để lại cho con còn hơn để lại của cải. Suy ngẫm điều răn dạy ấy của người xưa hẳn ngày nay vẫn còn nguyên giá trị./.


         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét