Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

TỤC NGỮ CA DAO VỀ CON RỒNG                           
                  Đức Quang

          Từ xa xưa những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao,...được hình thành nên từ nếp nghĩ, phép ứng xử của mỗi người trong cộng đồng sinh hoạt, lao động; lâu dần những câu nói được tu từ, gọt rũa để trở thành ngôn ngữ mang nội hàm nói bóng, ví von, so sánh,..nhằm ám chỉ một đối tượng trong mối quan hệ, thay cho lời nói trực tiếp, cụ thể tới đối tượng. Bởi trong quan niệm ứng xử của người Việt xưa “Nói thực thì mất lòng”.
Vậy để đạt được mục đích khen- chê, khuyên- can....đối tượng, mà không sợ nói quá, hay sự phản ứng trực tiếp; người xưa đã mượn hình tượng những con vật ngay trong cuộc sống thường nhật như trâu, bò, lợn, gà, chuột và cả nhưng con vật không có thật như con Rồng để gọt rũa thành những ngôn ngữ, mang nội hàm nói ví theo ngữ cảnh, hoàn cảnh khác nhau của từng đối tượng. Tuy nhiên điều đặc biệt, những ngôn ngữ sử dụng hình tượng (rồng, chó, mèo, lợn,...) trong tục ngữ, ca dao lại phác hoạ khá rõ nét về đặc tính con vật khiến người nghe thoảng cũng thấy vui, nhưng suy ngẫm ý nghĩa thật sâu sắc, thi vị.
Trên cơ sở các câu ca dao, tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, người viết chọn lọc những câu hay về Rồng; kết hợp với ngôn ngữ chủ quan để giải nghĩa từ và câu nhằm ngõ hầu giúp bạn đọc thư giãn với những tiếng cười trào lộng trong ngày xuân.
          Để khen người gặp phải sự may mắn đặc biệt trong cuộc sống, nhất là trong việc kết hôn: Làm trai lấy được vợ hiền/Như cầm đồng tiên mua được của ngon hoặc: Phận gái lấy được chồng khôn/Xem bằng ca vượt vũ môn hoá rồng.
          Chỉ sự gặp gỡ tương phùng trong tình yêu nam nữ như duyên trời đã định trước: Tình cờ ta gặp mình đây/ Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
          Ngụ ý chỉ con nhà ai, giống nhà ấy hoặc ám chỉ sự xuất thân của một người từ thành phần xã hội nào: Trứng rồng lại nở ra rồng/Lưu đưu lại nở ra dòng lưu đưu.
          Quan niệm dân gian của người Việt xưa về quan sát các hiện tượng thiên nhiên (trời, mây, mưa,...) để đoán định việc canh tác nông nghiệp thuận lợi: Rồng đen lấy nước được mùa/Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày. Bởi quan niệm rồng đen cái gọi “vòi rồng” xuất hiện ngoài biển khơi, báo hiệu mưa thuận gió hoà, làm tốt tươi ruộng đồng. Còn rồng trắng báo hiệu thời tiết nắng làm khô hạn ruộng đồng, sẽ dẫn đến mất mùa đói kém; đến vua cũng phải rời ngai vàng để đi kiếm ăn, huống hồ là người nông dân.
          Hoặc đôi khi những lúc chuyện vui, đùa vui người ta lại nói ngược ý quan niệm thời tiết: Rồng đen lấy nước thì nắng/Rồng trắng lấy nước thì mưa.
          Ý chê bai những người sống kệch cỡm không tương xứng hay đua đòi nhưng không phù hợp với mình: Đầu rồng đuôi tôm hoặc Đầu rồng đuôi phụng le te/Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con.
          Ám chỉ một người có địa vị xã hội hoặc giàu sang vì một lý do nào đó mới đến nhà người không bằng vai, phải nứa trong xã hội: Rồng đến nhà tôm.
          Trách người không biết việc hoặc không có lập trường, bảo làm việc này ra việc khác: Vẽ rồng nên giun.
          Chỉ người hay phô trương vẻ bên ngoài hoặc ám chỉ người có tính cầu kỳ, loè loẹt quá mức: Thêu rồng, vẽ phượng hoặc Chạm rồng chổ phượng.
          Khen hoặc khuyên người tìm nơi đất tốt để táng thân chủ, gia quyến: Mả táng hàm rồng.
          Chỉ sự gặp gỡ cơ duyên trong cuộc sống: Như cá gặp nước, như rồng gặp mây.
          Ý nói người có biểu hiện tài năng xuất chúng: Rồng bay phượng múa.
          Khen người ăn uống khoẻ mạnh, hay làm việc gì cũng nhanh nhẹn: Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo.
          Ám chỉ hai kẻ mạnh tranh giành nhau một công việc hoặc một miếng mồi ngon: Lưỡng long tranh châu.
          Ngụ ý về một cách sống gấp, sống hưởng thụ; hay hy vọng được sống một cuộc sống vương giả: Một ngày dựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài.
          Để chế giễu mỉa mai kẻ bất chính, không có thực tài nhưng lại ăn trên ngồi chốc:  Rồng nằm bể bắc phơi râu/ Đến khi nước cạn hở đầu hở đuôi.
          Hoặc ở một câu khác lấy ý từ câu trên, nhưng lại là lời trách cứ của người con gái đối với người con trai: Rồng nằm bể cạn phôi râu/Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi.
          Ám chỉ người con gái nhà giàu, kén chọn chồng môn đăng hộ đối nhưng chưa gặp, vẫn mãi ở thì: Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng/Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư.
          Ý khen một cặp đôi nào đó khéo léo, phối hợp ăn ý trong cuộc sống hay ứng xử: Rồng giao đầu, phụng giao đuôi.
          Chỉ nơi đất kinh đô xưa (kinh thành Huế thời Nguyễn): Rồng chầu ngoài Huế.
          Ý chỉ một tình bạn, một mối quan hệ xã hội muôn lòng như một: Rồng mây tụ hội.
          Ám chỉ người ăn nói lập lờ không chỉ rõ vấn đề hay muốn dấu đố một việc gì đó: Rồng thiên uốn khúc.
          Chỉ người dám chấp nhận ở với một người không hợp mình; hoặc ám chỉ một người cao sang vì một lý do nào đó phải sống chung với người bần hàn: Rồng ở với giun.
          Ám chỉ người ngồi không nhưng thường xuyên nghĩ ra việc không đâu vào đâu để bắt người khác làm: Vẽ rồng, vẽ rắn.
          Ý chỉ một người giàu có; hoặc thông minh nhưng vì một lý do hoàn cảnh nào đó mà phải chấp nhận sống, hoặc sống cùng một người kém cỏi: Rồng vàng tắm nước ao tù/Người khôn ở với người ngu bực mình
          Ý chỉ sẽ mang lại kết quả thành công to lớn sau một chuyến đi phiêu lưu; đặc biệt chỉ sự quyết tâm thi cử đỗ đạt của các nho sinh: Mồng một cá đi ăn thề/Mồng tám cá về cá vượt vũ môn.
          Nói nên trong tình yêu thì dù người kia có những nhược điểm xấu cũng được coi là đẹp: Gánh mũi em tám gánh lông/Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.
          So sánh cái đẹp nội tâm, hình thức của tình yêu đôi nứa: Thân em như trến mít chạm rồng/Thân anh như kèo chua chạm phụng, đẹp vô cùng anh ơi.
          Mỗi câu tục ngữ, ca dao mang hình ảnh Rồng đọc qua thấy vui, mà thư giãn; hay suy ngẫm về phép đối nhân xử thế của người xưa để lại; ngày Xuân xem qua, ngẫm nghĩ từng câu chữ âu cũng là dịp giúp mỗi chúng ta biết cách hành xử sao cho đẹp, ích nước-lợi nhà, hướng tới chân-thiện-mỹ trong cuộc sống thường nhật./.
                                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét