Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Tranh thờ Cao Lan-Vĩnh Phúc


GIẢI MÃ BỨC TRANH CỔ
Nguyễn Anh Ngọc
Tranh thờ trong tín ngưỡng Đạo giáo có mối quan hệ mật thiết với thầy cúng (mo, tào) và hệ thống đồ thờ khác như: mũ, áo, ấn, kiếm, mặt nạ, bùa chú,…phục vụ các nghi lễ theo phong tục, tập quán của cộng đồng người dân tộc. Gắn liền với lễ cúng ấy tranh thờ đóng vai trò quan trọng về mặt diễn tả hình thức tín ngưỡng thể hiện khát vọng, lối tư duy, cách hành xử giữa con người và các vị thần linh.Tuy nhiên ở mỗi nội dung đề tài trong tranh thờ nó chỉ phục vụ theo từng mục đích mang tính riêng biệt trong các nghi lễ của gia đình hay cộng đồng xã hội.
Tranh thờ Nam Tào (giấy dó, tk XIX) (Sưu tập của Nguyễn Anh Ngọc)
Quá trình tìm hiểu tín ngưỡng tranh thờ của dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô người viết sưu tầm được bức tranh cổ khá còn nguyên vẹn, hình vẽ và màu sắc tươi nguyên trên giấy dó, nội dung hấp dẫn, lôi cuốn sự giải mã ý cổ nhân. Trên cơ sở so sánh nội dung, nhân vật, chữ viết, có thể phỏng đoán đây là bức vẽ quan Nam Tào, niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX; và rất có thể bức vẽ chỉ là một trong bộ tranh đôi Nam Tào - Bắc Đẩu. Theo lai lịch các vị thần trong Đạo giáo, hai vị quan giúp việc Ngọc Hoàng thượng đế là quan Nam Tào chuyên coi sự sinh và ghi chép những việc tốt, còn quan Bắc Đẩu theo dõi việc tử (chết) và ghi chép cái xấu.
Về nghệ thuật bức tranh được bố cục, diễn tả theo ba lớp chiều dọc (30x70cm) các nhân vật trong tranh được sắp xếp thể hiện theo cấu trúc tranh thờ Phật, Tam toà, Tứ phủ,… nhưng phảng phất mô típ, màu sắc các dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội) hay tranh làng Sình (Huế). Tuy nhiên các nét vẽ trên tranh thờ Nam Tào có phần nghiêng về tả thực, tinh tế với lối vẽ công bút, dầm bút tạo nên mảng khối, màu sắc trong tranh thật uyển chuyển, sinh động dàn trải theo ba tầng nhân vật dựa trên mô phỏng kiến trúc thượng tầng (thiên đình- hạ giới- âm phủ) được diễn ý theo quy tắc cao thấp, chức sắc trong xã hội biểu thị trên một vùng không gian, thời gian thực ảo khác nhau bằng các mảng khối màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng,.. tự nhiên mang tính ước lệ biểu trưng hơn tả thực.
Ở tầng trên quan Nam Tào với khuôn mặt bầu tròn nghiêm nghị, đầu đội mũ kiểu cánh chuồn, xung quanh đầu có vòng hào quang, thân mặc áo thụng trước ngực có hình tròn thêu vân mây, bụng thắt đai, tay phải cầm bút, tay trái cầm sổ theo dõi sự sinh tồn và ghi chép những việc tốt của con người dưới hạ giới. Để biểu đạt hình tượng vị thần chủ, người hoạ công xưa đã dụng ý vẽ to hình ảnh quan Nam Tào nổi bật ở vị trí cao nhất; phía sau có một văn quan đứng hầu, thân hơi cúi khum, hai tay chắp lễ như chờ sự chỉ bảo.
Tầng giữa là hình vẽ ba vị văn quan đứng xếp hàng ngang, khuôn mặt hiền từ, râu dài, đầu đội mũ tròn, áo thụng, sắc phục mỗi vị quan có khác nhau, hai tay chắp lễ trước ngực với dáng vẻ nghiêm trang, cung kính. Ở chi tiết các nhân vật thần phụ, nét chung được vẽ nhỏ giống nhau không cụ thể ở đặc tính nhân vật, trang phục, có lẽ người hoạ công vẽ tranh thờ đã giữ nghiêm ý tưởng tôn giáo nhằm tôn vinh vị thần chủ. Đó là nét chung trong cách thể hiện tranh thờ.
Tầng cuối nội dung được khắc hoạ rõ nét qua nhân vật thần Sấm với khuôn mặt dữ tợn, râu quai nón, mình cởi trần, mặc quần thụng bó gối, chân đứng trên tầng mây cuộn nổi, người hơi cúi như dùng lực kéo ngược vòng tròn luân hồi đang chạy tuần tự theo chiều kim đồng hồ để thực hiện lệnh trừng phạt của thiên đình với những người phạm tội dưới hạ giới. Vòng tròn luân hồi được thể hiện với năm dải mây có hình người, trâu, bò, lợn, gà, cá, tôm,… nối tiếp quay vòng; phải chăng những linh hồn đó còn phải ở lại kiếp sống trần gian để tu chính quả. Đối diện với mảng không gian trầm luân là một dải mây trắng có chữ Thiên Sinh (Hán) bay từ giữa vòng luân hồi lên cao đưa linh hồn ba người ăn mặc đẹp, khuôn mặt an nhàn phúc hậu, tay cầm lệnh bài đi về phía thiên đàng tiêu dao nơi cảnh bụt.
Với lối biểu đạt logic theo một trật tự từ thiên đình-hạ giới-âm phủ người hoạ công vẽ tranh thờ đã rất thành công ở cả lĩnh vực hình thức và nội dung thể hiện. Làm cho bức tranh thờ Nam Tào không chỉ đẹp mà còn hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc tới mọi thành viên trong cộng đồng xã hội, thông qua nghệ thuật miêu tả nhân vật (Nam Tào, thần Sấm, kiếp người, thiên đàng, âm phủ) theo quan niệm dân gian đã truyền tải ngôn ngữ đượm chất tâm linh giáo huấn, nhằm khuyến khích cái thiện, cái công bằng, ai ăn ở phúc đức sau khi thác (chết) sẽ được lên thiên đàng, còn người sống bất nhân, thất đức sẽ bị Diêm Vương (Vua địa ngục) trừng phạt đầu thai nơi kiếp khác để cải tà, qui chính.
Nội dung bức tranh như dàn trải ra một bộ phận thế giới thần linh trong Đạo giáo, từ cao tới thấp, chính đến phụ, từ gần tới xa như được cộng hưởng với nhau bằng một tư duy nghệ thuật và giáo dục đậm tính tôn giáo, khiến hệ thần Đạo giáo trong tranh được thăng hoa một cách trực tiếp có hậu ở hồi kết; người xem tranh thông qua đó mà tự răn mình, xét lại những việc mình đã làm và sống để tu nhân tích đức, tránh xa mọi thói hư tật xấu, đẩy lùi cái ác trong xã hội, hướng cuộc sống vươn tới thân-thiện-mỹ.
Từ giải mã bức tranh, chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa thờ tranh Nam Tào của đồng bào người Cao Lan ở Vĩnh Phúc nói riêng và dòng tranh thờ nói chung; hoặc giả thiết nếu đặt bức tranh thờ Nam Tào ra ngoài tín ngưỡng Đạo giáo, ta vẫn gặp những tư duy giáo dục con người sâu sắc chứa đựng trong nội dung tranh thờ mà mỗi người xem dù ở trình độ nào đều có thể cảm được. Đó là tính dân gian cộng hưởng với tín ngưỡng thờ thần trong ý niệm vẽ tranh thờ hay thờ tranh (có nội dung) của người xưa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét