Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011


HÌNH TƯỢNG MÈO
TRONG TRANH ĐÁM CƯỚI CHUỘT
  Nguyễn Anh Ngọc

“Tết về nhớ bánh trưng xanh
Nhớ đám cưới chuột, nhớ tranh lợn gà”

          Nhắc tới dòng tranh Tết dân gian Đông Hồ, chúng ta như được trở lại với những đề tài quen thuộc Chăn trâu thổi sáo, Hứng Dừa, Đánh ghen, Gà đại cát, Lợn đàn, Vinh hoa phú quý,...Bởi nó mang thông điệp ước mơ, cùng niềm khát vọng của người dân lao động về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc; song bên cạnh còn có mảng đề tài mang tính phê phán những thói hư, tật xấu của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến xưa; mà đại diện tiêu biểu cho mảng đề tài đó là bức “Đám cưới chuột”, hài ước và châm biếm là hai giá trị cốt lõi để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem qua bao thế hệ.
          Nội dung tranh “Đám cưới chuột” dàn trải trên một vùng không gian ước lệ, bằng lối phân mảng bố cục biểu diễn đồng hiện; với các lớp chính, phụ đối tiếp. Bằng cái nhìn tinh tế, chân thực tác giả lấy chủ đề đám rước dâu của tầng lớp trung lưu trong xã hội phong kiến để phác hoạ một đám cưới chuột tưng bừng, nhộn nhịp diễn ra rất đúng nghi lễ, ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau. Chuột chàng (chú rể) cưỡi ngựa hồng đi trước, thân mặc áo gấm xanh, vẻ mặt hoan hỉ, ngoái lại nhìn chuột nàng (cô dâu) dịu dàng ngồi trên kiệu, theo sau là đoàn chuột vác lọng tía, và đám rước kiệu hoa với biển đề “nghênh hôn”. Song song với đoàn rước dâu là đoàn chuột khăn áo chỉnh tề, trịnh trọng với tiếng kèn, tiếng trống mang theo lễ vật chim, cá nghinh cống nạp “quan mèo” để cầu mong đám rước dâu của họ hàng được diễn ra yên ổn.
Hình ảnh vị “quan mèo” trong Đám cưới chuột  được người hoạ công vẽ tranh dân gian bố cục ngồi đối lập ở góc trái của bức tranh; sự bố trí nhân vật mèo ở vị trí này đủ gợi ý giúp người xem tranh nhận thức và liên tưởng tới bộ mặt trái của xã hội (tệ tham ô, ăn đút lót, hà hiếp dân lành,...) luôn hiện hữu; mà hình ảnh đó không gì khác ngoài vị “quan mèo” to béo đang ngồi bệ vệ, choán ngợp cả một góc trên cùng với hàm ý “quan” trên; còn họ hàng nhà chuột mang hình ảnh ẩn dụ của những người dân lao động cùng cực dưới xã hội phong kiến phải khúm núm phục dịch, tấu nhạc làm vui và dâng lễ vật chim, cá cho “quan mèo” để cầu mong mọi chuyện êm đẹp, cuộc sống yên bình. Qua đường nét diễn tả, khuôn mặt vị “quan mèo” tuy tỏ vẻ dò xét, thận trọng nhưng vẫn đưa tay nhận lễ biếu (chim câu, cá chép) từ họ hàng nhà chuột. Cử chỉ đồng thuận này cho thấy sự ngầm hiểu ý giữa kẻ dâng lễ và kẻ nhận lễ; để làm ngơ, bỏ qua cho một công việc, hoặc có thể bỏ qua cả một chuỗi quy luật vì ý thức phục tùng dâng lễ để được “quan mèo” gia ân bình an (ngày vu quy của vợ chồng chuột).
          Để biểu đạt rõ nét chủ đề nội dung, nhân vật; người hoạ công còn chú thích chữ: Nghênh hôn (đám cưới), Tác lạc (làm vui), Thử bối đệ ngư (đàn chuột dâng cá), Miêu nhi thủ lễ (chú mèo giữ lễ) giúp người xem tranh cảm nhận trực quan và thi vị trong tiếng cười trào lộng. Bởi trong thực tế, mèo là kẻ khắc tinh với họ hàng nhà chuột, và chuột luôn sợ hãi, cảnh giác mèo,...ấy vậy mà người hoạ công dân gian lại khéo sắp đặt hình ảnh tương phản để diễn tả mối quan hệ cộng sinh giữa mèo - chuột trong việc hệ trọng: Đám cưới. Đó là nét độc đáo, tính thời sự của bức tranh.
          Không biết bức tranh ra đời từ bao giờ, khoảng thời điểm nào. Nhưng suy diễn chắc hẳn nó được sáng tác dưới chế độ xã hội phong kiến hà khắc; nên khi hoàn thành, đúng lẽ bức tranh phải được đặt một cái tên bám sát với chủ đề phê phán tệ quan tham, ăn hối lộ, đút lót, nhũng nhiễu dân lành. Nhưng để tránh sự phản ứng trực tiếp từ phía giai cấp thống trị, bức tranh được đặt tên dưới vỏ bọc “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy” vui nhộn, hóm hỉnh; nhưng ẩn chứa mạnh mẽ lời phê phán tích cực của nhân dân lao động trước nạn tham ô, nhũng nhiễu của bọn quan lại, cường hào; đồng thời là tiếng cười chế giễu sâu cay của người dân lao động đối với giai cấp thống trị. Điều hơn nữa trong “Đám cưới chuột” đã giải quyết có tình, có lý bằng lối ứng xử mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp; là thông điệp của người xưa gửi lại cho muôn đời./.
                                                                                                          N.A.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét