Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

        TRANH HỔ
                                      Nguyễn Anh Ngọc                                                       

          Tín ngưỡng thờ thần hổ đã có từ xa xưa, mang nguồn gốc sơ khai nguyên thuỷ bên cạnh tín ngưỡng thờ Mẫu (Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Thuỷ, Mẫu Địa), thờ cha (Đức Thánh Trần), thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Vũ, Pháp Lôi) thờ thiên nhiên (cây đa, hòn đá,...).Tuy nhiên theo từng mục đích tâm linh mà trong dân gian người ta đặt niềm tin ở một vị thần hoặc thờ cộng hưởng nhiều thần linh (đa thần giáo) khác nhau theo quan niệm riêng của người thờ (tín chủ).
Để linh thiêng hoá các vị thần trong tâm thức dân gian, qua nhiều thế hệ người ta bắt đầu xây dựng hình tượng từ vô hình thành hữu hình cho từng vị thần. Ví như Mẫu Thượng Thiên - Mẹ trời (áo màu đỏ), Mẫu Thượng Ngàn - Mẹ rừng, núi (áo màu xanh).v.v..Không nằm ngoài những quan niệm trên, ở tín ngưỡng thờ thần hổ các hoạ công vẽ tranh thờ Hàng Trống xưa đã khắc hoạ hình tượng vị thần hổ oai vũ,  mỗi vị mang một sắc phục khác nhau dựa trên quan niệm ngũ sắc, ngũ hành và nhiều ý niệm dân gian khác qua hai bức tranh thờ sau:  
1.Tranh Ngũ hổ: Là một bức vẽ phổn thể 5 nhận vật (Hoàng hổ, Thanh hổ, Bạch hổ, Xích hổ, Hắc hổ) được bố cục, trình bày theo một trật từ trong ra ngoài, cao tới thấp, từ chính đến phụ dựa trên nguyên lý ngũ hành (Kim-mộc-thuỷ-hoả-thổ), ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung ương) để thể hiện uy vũ vị thần hổ. Từ quan sát thực tế, người hoạ công vẽ tranh thờ lấy nguyên mẫu từ con hổ hoang dã trong đại ngàn để phác hoạ hình tượng thần hổ có sức mạnh phi thường, qua dáng ngồi, đứng, cưỡi mây, lướt gió oai phong, đường bệ với mảng khối cơ bắp khoẻ mạnh, linh hoạt; các chi tiết mặt, râu, mũi, vằn lông,...sắc nét dữ tợn; đặc biệt là những con mắt hổ luôn rực lửa nội lực của loài mãnh thú. Bằng lối vẽ công bút, dầm bút, người hoạ công vẽ tranh thờ xưa đã biểu đạt rõ nét tính cương-nhu trong thần hổ, mà ở đó mỗi vị thần hổ lại được gán với một hành, một phương, một sắc màu và những ý niệm đầy tính triết lý của người xưa qua hình tượng:
Hoàng hổ tướng quân: được vẽ ngồi ở vị trí trung tâm, trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương - ứng với hành Thổ. Màu vàng thể hiện sự thuận lợi, thăng tiến cùng niềm tin, sự bền vững, lâu dài.
Thanh hổ tướng quân: trấn giữ phương Đông - ứng với hành mộc. Màu xanh thể hiện sự êm đềm và dịu dàng. Tượng trưng cho sức khoẻ, sự phát triển.
Bạch hổ tướng quân: trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim. Màu vàng thể hiện sự ổn định. Tượng trưng cho sự trong trắng, thuần khiết.
Xích hổ tướng quân: trấn giữ phương Nam - ứng với hành hoả. Màu đỏ thể hiện sự vui vẻ, hạnh phúc. Tượng trưng cho tốc độ, tính lãnh đạo, quyền lực cá nhân.
Hắc hổ tướng quân: trấn giữ phương Bắc - ứng với hành thuỷ. Màu đen thể hiện sự thanh thản, yên tĩnh. Tượng trưng cho trí tuệ, sự thông minh.
          Từ cách diễn giải trên, tranh thờ Ngũ hổ là sự hội tụ kết tinh của những sắc màu và hệ thống triết lý:
          Ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ). Trong ngũ hành lại chia: tương sinh (Thuỷ sinh mộc, mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thuỷ), Tương khắc (Kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thuỷ, thuỷ khắc hoả, hoả khắc kim).
          Ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen). Từ năm màu cơ bản có thể thiên biến muôn vạn màu sắc khác nhau
          Ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm). Từ phương góc, lại có các phương cạnh Đông - Tây, Nam - Bắc..v.v..
          Tứ quý (xuân, hạ, thu, đông). Là bốn mùa phân chia rõ rệt trong năm; nhưng ở cuối của mỗi mùa lại có sự chuyển dịch gọi là giao mùa.

*Bảng đối chiếu so sánh:

Ngũ hổ
Ngũ hành
Ngũ sắc
Ngũ phương
Tứ quý
Hổ trắng
Kim
Trắng
Tây
Thu
Hổ xanh
Mộc
Xanh
Đông
Xuân
Hổ đen
Thuỷ
Đen
Bắc
Đông
Hổ đỏ
Hoả
Đỏ
Nam
Hạ
Hổ vàng
Thổ
Vàng
Trung ương



Dựa trên cách thể hiện nguyên lý theo quan niệm văn hoá phương Đông, người xem tranh/thờ tranh có thể suy luận theo nhiều hướng khác nhau để dịch chuyển vấn đề từ Ngũ hổ (Hổ vàng, Hổ xanh, Hổ trắng, Hổ đỏ, Hổ đen) tới ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), Ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), Ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm), Tứ quý (xuân, hạ, thu, đông); hơn nữa khi suy luận rộng, mỗi màu sắc trong tranh lại tương quan với tính cách của từng nhân vật hổ, theo quan niệm tượng trưng sắc màu trong dân gian nhằm biểu đạt nổi bật chủ đề miêu tả, làm cho tổng thể bức tranh hổ thêm thần bí, lôi cuốn người dùng (thờ cúng) và người xem (thưởng thức nghệ thuật).
  2. Tranh nhất Hổ: Là những bức vẽ  đơn nguyên: Hắc hổ (Hổ đen), Bạch hổ, (Hổ trắng), Xích hổ (Hổ đỏ), Hoàng hổ (Hổ vàng), Thanh hổ (Hổ xanh). Các nhân vật thần hổ đơn có nét cơ bản giống nhau ở tư thế ngồi, khuôn mặt nhìn chính diện với ánh mắt tròn rực lửa dữ tợn, đuôi uốn cong giơ lên như đang ngoe nguẩy, sẵn sàng quật xuống tạo sức bật mãnh liệt; xung quanh thần hổ có mây ngũ sắc vờn cuộn nổi, cờ thần, kiếm lệnh thể hiện vị thần chủ một phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm); tuy nhiên mỗi nhân vật thần hổ được thể hiện khác nhau ở màu sắc biểu đạt theo nguyên lý ngũ hành: kim = màu trắng, mộc = màu xanh, thuỷ = màu đen, hoả = màu đỏ, thổ = màu vàng.
Để sử dụng một trong hai bức tranh thờ trên, nếu người dùng (thờ tranh) trong gia đình phải dựa trên cung mệnh (hợp với gia chủ) phương vị (hướng ngôi nhà) để sắp đặt ban thờ thần hổ trong nhà, nơi kinh doanh, làm việc...Ví dụ người sinh năm Bính Thìn (1976) có mệnh là thổ thì hợp với Xích Hổ (hổ đỏ), vì hoả (lửa) sinh thổ (đất). Còn ở phủ, miếu, đền (làng, xã) tuỳ thuộc vào vị trí yêu cầu thờ tự mà người ta thờ Ngũ hổ hay Nhất hổ.
Nằm ngoài tín ngưỡng, bức tranh Ngũ Hổ, Nhất Hổ không những làm đẹp cho không gian ngôi nhà người Việt mà còn phản ánh chu kỳ phân chia năm theo lịch 12 con Giáp (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) của cư dân nông nghiệp; trong đó hổ (dần) xếp hàng thứ ba trong một vòng quay của chu kỳ (12 năm). Điều này cũng bắt nguồn từ xa xưa, khi mà các kỹ thuật in ấn  lịch còn hạn chế, chưa phổ biến, thì việc treo các bức tranh hổ, tranh gà...trong nhà  còn giúp người xưa ghi nhớ đó là năm con gì để nhận biết các năm tiếp theo. Bằng cách ghi nhớ này người xưa gọi 12 năm là một giáp, và 60 năm gọi là một hội.
Ngày xuân năm Canh Dần, tìm đôi nét về tín ngưỡng tranh thờ thần hổ trong xã hội xưa & nay, âu cũng là dịp hiểu hơn về một bộ phận trong hệ thống tín ngưỡng đa thần của người Việt, mà ở đó tín ngưỡng thờ thần hổ rất có thể có mối quan hệ nào đó gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu (trong điện thờ mẫu thường có ban thờ ngũ dinh-ngũ hổ) một tín ngưỡng mang đượm nét sơ khai nguyên thuỷ thiên về thờ vũ trụ (Trời-Đất-Nước-Rừng, núi), mà trong đó, hổ là chúa tể sơn lâm (vùng rừng, núi) vị thần linh (đệ tử) gần gũi với Mẫu Thượng Ngàn. Tuy nhiên suy tưởng ở nghĩa nào đi chăng nữa, quan niệm về thờ thần hổ đã có từ bao đời nay, danh xưng trong dân gian còn gọi là ông, ngài, quan...và được dân gian thờ tự tôn kính, mong cầu được thần hổ chở che, trấn áp tà khí, bảo hộ bình an gia đình hay cộng đồng xã hội./.
N.A.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét