Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

ĐỀN ĐÁ PHÚ ĐA ĐIỂM DU LỊCH NHIỀU HỨA HẸN

                                                                                             Nguyễn Anh Ngọc

          Đền đá Phú Đa (xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường) là một công trình kiến trúc thờ tự đặc sắc ở Vĩnh Phúc, được xây dựng từ năm Cảnh Hưng thứ 28 (1768), đời vua Lê Hiến Tông*.
          Đền thờ Lãng phương hầu Nguyễn Danh Thường, nguyên Tiên phong đặc tiến, phụ quốc thượng tướng quân, Tham mưu trung quân đô đốc phủ, khâm sai kiểm sát thất thành dưới thời Lê-Trịnh; vì có công lớn với triều đình nên ông được ban đặc ân xây dựng sinh từ (đền thờ) ngay  lúc còn sống để thờ mình.
Về Kiến trúc: ngôi đền có kiểu hình chữ “Tam” gồm các hạng mục liên kết cổng đền-đại bái-từ đường; mỗi hạng mục nằm cách nhau một khoảng sân rộng và giếng trời tạo nên không gian thoáng mát; để giảm bớt sự trống trải, và tôn lên vẻ đẹp thẩm mỹ, nhà kiến trúc xưa đã bài trí, sắp đặp không gian nghệ thuật tượng như rồng, sư tử, voi, ngựa, võ sỹ,…làm điểm nhấn ấn tượng cho toàn bộ kiến trúc. Nhìn bao quát, khi xây dựng ngôi đền người thợ xưa đã chọn đá xanh và gỗ lim làm vật liệu xây dựng chính, hơn nữa người thợ xưa đã tính toán, sử dụng cách kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ lòng thuyền, vừa đảm bảo chịu lực bền, nhưng lại mang tính thẩm mỹ, ở một số chi tiết kết cấu được chạm trổ các hình vân mây, sóng nước cách điệu, còn nhìn chung các thành phần gỗ đều được người thợ bào trơn, đóng bén, mộng chặt. Như thế với chất liệu bền vững từ đá xanh, gỗ lim, mà trải qua gần 250 năm dưới điều kiện thiên nhiên, khí hậu, chiến tranh khắc nghiệt nhưng ngôi đền hiện vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng như thế mà người dân quanh vùng có câu ca:
“Bắt đền ra đền Phú Đa
Bao giờ đền đổ ta ra ta đền”
Về mỹ thuật: Ngôi đền được ví như một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc đá thu nhỏ, cả thảy có đến 48 tác phẩm độc đáo vào bậc nhất ở Vĩnh Phúc, các tác phẩm đá ở đây gợi cho chúng ta liên tưởng tới không gian bài trí thờ tự trong các lăng tẩm vua Nguyễn ở cố đô Huế. Cách bài trí các tác phẩm lại được sắp đặt theo yêu cầu thờ tự và không gian trang trí kiến trúc từ ngoài vào trong như:
-Trụ hoa biểu: được bài trí trước không gian của cổng đền khoảng 20m; hai cặp trụ đối hình vuông, cao chừng 4m, mặt giữa có chạm nổi Hán văn, xung quanh trang trí chạy triện, long mã, phượng, vân mây đẹp tinh tế, đường nét chạm mềm mại, uyển chuyển sinh động. Phía trên đỉnh trụ tạc tượng nghê chầu mặt về phía đền.
- Rồng đá: có chiều dài khoảng 1m50, được sắp đặt hai bên bậc lên xuống của cổng đền; hình rồng mang nét đặc trưng của thời Lê như đầu, mũi to, bờm tóc xoắn, miệng ngậm ngọc, hai chân trước ôm cầu, thân rồng tạc gần giống con sấu  có chạm nổi các vân mây cuồn cuộn, gợị cho người xem như rồng vừa hạ xuống từ chín tầng mây; nhưng ở ý nghĩa sâu xa, hình rồng còn tượng trưng cho sự cao quý của chủ nhân được thờ tự.
- Chó đá: mang ý nghĩa trung thành với con người nên được bài trí đối ngẫu hai bên cổng đền thành một cặp phạm trù âm dương hoà hợp. Về bố cục tượng chó được tạc ngồi chầu, cao khoảng 1m, đầu dài, to, tai cụp, thân tròn béo, hai chân trước chống thắng, cổ đeo vòng lục lạc. Nhìn chung các đường nét khối tượng khoẻ mạnh, tinh tế.
- Tượng võ sỹ: gồm có 8 bức tạc đứng trên khối đá liền bệ, cao chừng 1.60m. Các bức tượng được sắp đặt, bài trí theo cặp đối, xếp hàng ngang theo khoảng cách không gian trong cổng đền và ngoài sân đại bái. Các bức tượng phỏng tác theo 4 chân dung, tư thế chầu khác nhau. Nhưng nét chung các khuôn mặt tượng đều ở độ tuổi trung niên, mắt xếch, dâu dài, thân hình nở nang khoẻ mạnh, mặc áo giáp, chân đi dày, đầu đội mũ tròn múi khía, Toàn thân tượng đứng nghiêm, khuôn mặt hơi cúi, tay cầm vũ khí như chuỳ, long đao, trường côn và kiếm. Qua các tượng hầu bài trí trong không gian thờ như khẳng định quyền lực và địa vị sinh thời của Nguyễn Danh Thường.
- Voi: cao chừng 1.50m, dài 1.50m, được bài trí đối đan xen giữa khoảng cách đứng của các cặp võ sỹ; tạo nên khoảng cách cân đối, đường bệ. Voi được các nghệ nhân điêu khắc tạc cân đối, khoẻ mạnh, đầu nhô cao, hùng dũng, vòi quặp, tai úp sát vào thân, ngà cong, mắt mở tinh anh.
- Ngựa: được bài trí thành cặp đối đan xen giữa các tượng võ sỹ ở khoảng không gian sân; ngựa có kích thước lớn, cao chừng 1.50m, dài 1.50m. Dáng ngựa thanh, khoẻ, các chi tiết chạm tinh tế, sinh động, như khuôn mặt, bờm, yên cương, lục lạc,…như gợi cho người xem vẻ quyền quý của chủ nhân trong ngôi đền.
- Tượng quan văn: gồm 4 tượng, bài trí theo hai cặp đối trong nhà đại bái và sinh từ,; Cặp tượng đối trong nhà đại bái được tạc đứng, nét mặt quan văn hiền từ, đầu đội mũ vuông, thân mặc áo thụng dài, chân đi hia. Còn hai bức bài trí ở hè sinh từ tạc giống nhau, khuôn mặt trẻ, thư sinh, thân ngồi xếp bằng, tay phải cầm bút, tay trái cầm sổ, như đang ghi chép giúp việc quan vậy.
Ngoài các bức tượng tiêu biểu trên, trong các hạng mục kiến trúc còn bài trí nhiều vật dụng thờ khác được làm từ đá xanh như: long ngai, án gian, sập, bàn tấu, chậu, bát hương, bia đá,…đều được chạm khắc tinh vi, đường nét mềm mại với các hoạ tiết rồng, vân mây, hoa lá. Sự sắp đặt nghệ thuật, hài hoà giữa các công năng thờ tự làm tăng tính thẩm mỹ, tôn nghiêm cho ngôi đền.
Với những nét kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc lại được đặt trên một vùng đất đắc địa, đền đá Phú Đa quả thực là bức tranh phong thuỷ hữu tình, một di tích quý hiếm của tỉnh, ở đó chứa đựng các triết lý lễ giáo, các kỹ thuật xây dựng và trình độ nghệ thuật điêu khắc đá thời Hậu Lê đẹp độc đáo, sánh ngang với các danh tích lăng tẩm ở cố đô Huế, hay nhà thờ đá Ninh Bình,…Sự đặc sắc ở mặt văn hoá, lịch sử ấy đã hé mở ra một tiềm năng du lịch nhiều hứa hẹn về vùng đất Vĩnh Tường/.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét