Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011


CHÙM BỨC CHẠM CHỦ ĐỀ “GIA ĐÌNH”
TRONG ĐIÊU KHẮC ĐÌNH LÀNG THỔ TANG – VĨNH PHÚC
                                                                          Nguyễn Anh Ngọc

          Trong nghệ thuật điêu khắc đình làng Vĩnh Phúc, đình Thổ Tang có một vị trí đặc biệt, nơi hội tụ những tinh hoa kiến trúc, nghệ thuật từ thời Lê (tk XVII). Ngôi đình được các nhà nghiên cứu khoa học xếp vào tốp những ngôi đình làng có mặt sớm ở đồng bằng Bắc bộ như đình Hương Canh (Bình Xuyên),  Đình Bảng (Bắc Ninh), Tây Đằng, Chu Quyến (Hà Tây),…vậy.
           Nói như thế, có nghĩa đình làng Thổ Tang không chỉ có giá trị nghiên cứu về mặt niên đại, kiến trúc, lịch sử mà còn chứa đựng nét độc đáo nằm ngay trong mảng mỹ thuật điêu khắc trang trí. Hầu như trên các thành phần kiến trúc thân kẻ, bẩy, rường…đều được bàn tay tài hoa của người thợ mộc thời Lê thể hiện bằng cả tâm hồn nghệ sỹ thông qua cảm tác từ những sinh hoạt, lao động thường nhật của người nông dân để phác hoạ lên 21 bức chạm hoàn chỉnh, theo 4 nhóm đề tài: Lễ Hội (hội xuống đồng, đá cầu, chơi cờ, múa hát,..) Sinh hoạt, lao động (gia đình, săn bắn, uống rượu,…), Cát tường (bát tiên quá hải, cửu long tranh trâu, phượng,…), Thiên nhiên (đầm sen, chim, cá, rùa, hươu, nai,…).
Quan sát chung chủ đề trang trí trong kiến trúc đình Thổ Tang mang tính đơn lẻ, đặt tản mạn, ngẫu hứng trên các thành phần kiến trúc nhưng khi tư duy đem chúng sắp xếp theo một logic khoa học, trước mặt người xem như một bức tranh thu nhỏ xã hội nông thôn Vĩnh Phúc dưới thời Lê (tk XVII) sinh động, lôi cuốn.
Ở giới hạn nghiên cứu hẹp, người viết tâm đắc nhất với chùm đề tài Gia đình được nhà điêu khắc thời Lê chú tâm phác hoạ cảnh tình yêu, hạnh phúc của lứa đôi cùng góc khuất, bi kịch trong bộ phận gia đình người Việt xưa (tk XVII) được chạm chổ với đường nét mộc mạc, hồn nhiên gợi cho người xem sự liên tưởng đến hình ảnh chú tễu, tò he hay rối nước trong hội làng,...nhưng lại chất chứa đầy suy tư trên khuôn mặt của từng nhân vật qua mỗi hoàn cảnh; để rồi trải qua ngót 300 năm trước biến cố, thăng trầm nhưng các bức chạm vẫn tồn tại trên kiến trúc đình làng như một thông điệp mang ý nghĩa giáo huấn về cuộc sống gia đình của người xưa gửi tới hôm nay; hẳn phải chăng đó là tinh thần chung của dân làng Thổ Tang khi lấy “Hoà vi quý” làm gốc.
Về nghệ thuật, chùm bức chạm với chủ đề  Gia đình được bố cục trong hình chữ nhật (1.40cm x 50cm) với 5 hoạt cảnh/nội dung: tình yêu-hạnh phúc-bi kịch gia đình được dàn trải theo lối tranh toàn đồ. Như thế, chắc hẳn trong suy tư của người thợ điêu khắc xưa còn có cả cái nhìn nhân sinh quan của nhà xã hội học khi biết khai thác hình ảnh chân thực từ cuộc sống bình dị, cùng niềm khát vọng hạnh phúc của người nông dân để ca ngợi cuộc sống; nhưng đồng thời người sáng tác nghệ thuật còn biết lấy mặt trái từ cuộc sống đó để phê phán những thói hư, tật xấu trong bộ phận nhỏ gia đình dưới xã hội thời Lê (tk XVII) qua 5 chủ đề:
Tình yêu: là hình ảnh đôi nam thanh, nữ tú được chạm ở vị trí trung tâm với nét phác hoạ mộc mạc, cách điệu hình khối, nhưng thể hiện được chiều sâu của nhân vật. Cô gái với khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt tình tứ quàng tay qua cổ chành trai thật tự nhiên, còn anh chàng không bỏ lỡ cơ hội yêu đương qua bàn tay đặt hờ lên ngực cô gái; với mô típ này nhà điêu khắc xưa đã mạnh dạn đưa hoạt cảnh tình ái vào trốn thâm nghiêm hay lời cầu mong phồn thực? có lẽ dù ở ý nghĩa nào đi chăng nữa các nhân vật trong bức chạm đã làm thay đổi ý nghĩ về nơi thờ thành hoàng, ngôi nhà chung của cộng đồng làng xã.
Gia đình hạnh phúc: được nhà điêu khắc xưa chạm hoạt cảnh gia đình với cha-mẹ-con cái thật đầm ấm, hạnh phúc trước mắt người xem. Bằng hình tượng người chồng đang đọc sách cho người vợ hiền và đứa con nhỏ nghe,…không gian diễn ra tuy nhỏ nhoi, đơn sơ mà hạnh phúc ấm áp, chan hoà.
Vợ chồng lười: xuất hiện như sự nối tiếp chủ đề “tình yêu” qua hình ảnh người chồng nằm nghiêng chân co chân duỗi, vợ ngồi đưa tay xoa bóp chân cho chồng thật vô tư hồn nhiên, họ cùng cười. Phải chăng sự diễn tả nhân vật chỉ là nét ngẫu nhiên hay nhà điêu khắc xưa muốn mượn hình hàm ý câu “há miệng chờ sung” trong dân gian để phê phán những người ham chơi, lười lao động nhưng lại muốn hưởng thụ cuộc sống.
           Gia đình bất hoà: được miêu tả trong không gian náo nhiệt, ồn ào. Người chồng với khuôn mặt giận dữ, tay trái chống sườn, tay phải cầm gậy chỉ về phía người vợ; người vợ được nhà điêu khắc diễn tả nội tâm qua khuôn mặt buồn rầu hai tay khoanh trước ngực như chịu sự mắng nhiếc từ phía người chồng, dưới chân người mẹ đứa trẻ khoảng tuổi lên ba đang sợ sệt, nép vào thân mẹ; chắc hẳn đứa trẻ cũng rất đau lòng khi chứng kiến cảnh cãi vã của bậc làm cha làm mẹ.
          Đánh ghen: bức chạm phác hoạ hình ảnh người đàn ông có tuổi, giàu sang, có tính đa mang đèo bòng; có gia đình rồi mà vẫn cặp kè khoác vai cô vợ bé tình tứ. Ở phía trước một người đàn bà khác-vợ cả với khuôn mặt giận dữ, miệng như đang la hét, xông tới đánh ghen tình địch; nội dung này gợi cho người xem liên tưởng tới bức tranh dân gian Đánh ghen của Đông Hồ với dòng chữ nôm “Mèo mả gà đồng, thử xem một trận xem chồng về ai”. Bức chạm tuy chạm mộc mạc nhưng đầy kịch tính, ngôn ngữ phê phán mạnh mẽ bi kịch bộ phận nhỏ gia đình có người chồng năm thê, bảy thiếp trong xã hội phong kiến xưa.
Từ năm nội dung trong một bức chạm dưới góc độ quan sát của xã hội học thời nay có thể thấy cái tình của nhà điêu khắc xưa khi biết dựa vào mối sinh quan của gia đình-xã hội để khắc họa, rồi dàn trải bức tranh theo chiều hướng tâm lý, kịch tính lên cao; bắt đầu từ “Tình yêu nam nữ”, “Gia đình hạnh phúc”, đến “Vợ chồng lười” rồi bi kịch gia đình qua “Gia đình bất hoà”, “Đánh ghen”; sự diễn tả đó gây cho người xem bất ngờ, nhưng thú vị trước khát vọng hạnh phúc lứa đôi, nhưng đồng thời cũng rất đỗi suy tư về cuộc sống gia đình. Để từ đó, mỗi người xem hãy tự mình biết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình, sống có trách nhiệm với gia đình, con cái; tránh xa những thói hư tật xấu trong xã hội, cùng nhau hướng cuộc sống tới chân-thiện-mỹ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét