Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

NHÓM ĐỀ TÀI TRANG TRÍ   
THÁP BÌNH SƠN
                                                                              Nguyễn Anh Ngọc

          Nằm trong kiến trúc chùa Vĩnh Khánh, Tháp Bình Sơn mang trong mình những minh triết Phật giáo tựa đẹp đoá sen hồng toả hương thu hút nhiều nhà nghiên cứu như Bercier, Chu Quang Trứ, Bùi Đăng Sinh, Nguyễn Quý Đôn, Tạ Huy Đức,…tìm hiểu, viết công bố trên sách, báo. Tuy nhiên trong nghiên cứu, các tác giả phần lớn đi vào khía cạnh lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng,…mà ít đề cập đến mảng mỹ thuật trang trí, một mảng đóng vai trò quan trọng về mặt diễn tả hình thức tín ngưỡng, hay nói đúng hơn đó là phạm trù chuyển tải cô đọng những triết lý “sắc sắc, không không” của Đạo Phật tới du khách lên chùa lễ Phật hay thưởng lãm cảnh bụt. Bởi nếu coi tháp Bình Sơn là một công trình kiến trúc tuyệt tác được kiến tạo bằng đất nung, thì mảng mỹ thuật là sự cô đọng những đề tài trang trí Phật giáo đặc sắc được thể hiện bằng đôi bàn tay tài hoa của những người thợ gốm thời Trần trên đất Vĩnh Phúc.
          Chẳng vì thế mà vẻ đẹp nâu trầm cổ kính của cây tháp Phật đã đi vào câu ca của vùng đất ven sông:
“Hỡi ai qua bến đò Then
Dừng chân mà ngắm tháp tiên bên đường”
Dừng chân bên tháp tiên, du khách tìm về vẻ đẹp ngót ngàn năm tuổi qua mảng gốm hồng mộc mạc, nhưng ấm áp với những đề tài trang trí hoa sen, sóng nước, lá đề, hoa cúc, rồng, sư tử,…được trình bày trên khắp mặt phẳng, lồi, lõm của kiến trúc; bằng lối thể hiện đồ án cân xứng, đường nét mềm mại, nhịp điệu giữa mảng khối tạo nên cho mỗi nội dung của mảng nghệ thuật đặc sắc và sinh động; mang dụng ý của nhà thiết kế kiến trúc nhiều hơn là sự trang trí ngẫu hứng của các nhóm thợ; chính vì vậy mà giữa hai mảng kiến trúc và mỹ thuật ở tháp Bình Sơn đã được hòa quyện chặt chẽ, tạo nên tính đồng bộ, mềm mại hơn cho kiến trúc tháp vốn từ chất liệu đất nung mộc mạc.
          Cảm nhận ý nghĩa nhóm đề tài mỹ thuật trang trí trên tháp Bình Sơn tựa giống như tìm nghĩa một thông điệp hay sự giải mã ngôn ngữ tạo hình qua mảng khối không chỉ đơn thuần giữ vai trò trang trí làm sang cho kiến trúc, mà còn chứa đựng cả ý niệm sâu lắng của người xưa qua tám nhóm đề tài trang trí kiến trúc (bệ tháp, khám thờ và các tầng tháp) như sau:
          Hình sư tử: Được các nghệ sỹ gốm thời Trần thể hiện trên đường diềm trang trí quanh đế tháp với lối bố cục mảng khối khoẻ, nhịp điệu. Theo quan niệm dân gian sư tử còn được gọi là ông sấm mang biểu tượng của sức mạnh, trí tuệ bảo vệ nơi Phật pháp; nét chung của mô típ sư tử là mặt thuôn, thân dài, đuôi mượt,..và mỗi con trong một tư thế vờn cầu khoẻ mạnh, sinh động tựa như chúng vừa hoá thân vào gốm để tồn tại vĩnh hằng cùng thời gian.
          Hoa cúc dây: Mang biểu trưng của mặt trời (dương) nhưng ẩn chứa hình ảnh của tu sỹ, tăng, ni được trình bày theo dải băng dài trên bệ và các vị trí tiếp nối giữa các tầng tháp tạo nên nét mềm mại, uyển chuyển cho kiến trúc. Đồ án hoa cúc dây ở tháp Bình Sơn được cách điệu đơn giản, dây cúc tạo hình sin nhịp nhàng, kết hợp với cành, lá, hoa xen kẽ. Đặc biệt các cánh hoa cúc được tỉa nhỏ, xếp tròn mềm mại, gợi cho người xem một tâm linh siêu thoát nhẹ nhàng nơi cửa Phật.
          Hoa sen: Một loài hoa thanh tao, tinh khiết mang biểu tượng của đức Phật Thích Ca và giáo lý được cách điệu thành hai lớp bố cục tạo nên đế tháp chắc khoẻ nhưng thanh thoát hướng theo cùng phong cách bay bổng của kiến trúc. Lớp trên cánh sen ngửa, lớp dưới cánh sen úp, dáng cánh to, nhọn, diềm cánh có các hình móc xoắn toả sang hai bên, lòng cánh có các chấm tròn tựa như những hạt sương long lanh huyền ảo. Qua đó có thể thấy, bằng sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật và kiến trúc, nhà thiết kế đã gợi cho người xem một ấn tượng gợi cảm như cây tháp mọc trên toà sen nở rộ. Mô típ kiến trúc, nghệ thuật tháp Bình Sơn gần giống với cây tháp sứ mô hình thờ ở chùa Chò xã Yên Phương, Yên Lạc (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh).
          Như vậy có thể thấy, trên cùng nhóm hoạ tiết trang trí; hoa cúc (dương) và hoa sen (âm) ở tháp Bình Sơn mang đậm nét nghệ thuật trang trí thời Lý ở chùa Bút Tháp, Phật Tích; và ở chúng mang tính mỹ cảm cao siêu với biểu tượng của cặp phạm trù trong triết lý âm dương tạo nên sự cân bằng, hoà hợp là ước vọng của người nghệ sỹ năm xưa muốn gửi gắm, mong cầu hạnh phúc tới muôn người.
          Hoa văn hình học: Được bố cục dày đặc trên đường diềm đế tháp với bố cục hình trám nổi; trong mỗi hình trám có khắc nổi hình thoi, xung quanh điểm các dấu móc hỏi “?” và mây cách điệu hình khánh. Sự kết hợp nhuần nhuyễn trong nghệ thuật tạo hình bằng khối óc tư duy đầy sức sáng tạo của người thợ đã gợi cho người xem không nhàm chán trước những hoạ tiết đơn điệu, góc cạnh của kiến trúc vuông.
          Hình con rồng: Là một trong những môtíp nghệ thuật trang trí phổ biến dưới thời phong kiến nước ta, nó được gán với sức mạnh vũ trụ, mưa thuận, gió hoà và quyền uy của vương triều. Trên tháp Bình Sơn, đồ án rồng được trang trí nổi trong vòng tròn đồng tâm hai bên cửa khám thờ (theo một số tài liệu khám dùng để đặt tượng Phật hoặc di cốt của thiền sư) rồng mang nét đặc trưng thời Trần như đầu to, mào lửa mập, thân rồng cuộn tròn lượn hình song nước, bộ vây lưng nhỏ, chân trước đưa lên vuốt tóc, ngắm chúng thật ung dung ngộ nghĩnh
          Hoa văn song nước: Trên tháp Bình Sơn có dạng hình núi phảng phất sự kế thừa nghệ thuật trang trí ở cuối thời Lý, như chân song choãi, ngọn song thuôn dần từ dưới lên trên, lòng ngọn sóng tạo lõm, lớp lớp kế tiếp nhau đều đặn, nhịp điệu.
          Hình tháp nhỏ (tháp Bồ Tát): Được bố cục trong hình vuông trang trí dày đặc trên các tầng tháp, thoạt trông ta cứ ngỡ là sự ngẫu nhiên trong trang trí, nhưng đó là triết lý luân hồi của đạo Phật, theo phạm trù âm dương hình tháp được bố cục trong ô vuông như gợi tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa, xung quanh hình tháp có các tia hào quang toả sáng, lớp trong nhỏ và dấn lớn ra phía ngoài.
          Lá đề: Là một trong những hoạ tiết trang trí phổ biến trên tháp Bình Sơn. Hình lá đề gợi cho người xem nhớ về cội bồ đề nơi Phật Thích Ca tu đắc đạo; được nhà thiết kế cách điệu từ quầng lửa sáng đầu thường gặp trong các đồ án trang trí thời Lý, với phần thân dưới rộng và búp dần về phía ngọn. Trong mỗi lá đề lại điểm đan xen các mảnh ngọc bội và sừng tê đặt đối ngẫu, phía dưới có hình hoa lá cách điệu đơn giản mà vẫn gợi nét thẩm mỹ trang trí cao.
          Bên cạnh nhóm đề tài trang trí chính, còn có những họa tiết trang trí phụ không rõ đề tài, hơn nữa một số chi tiết lại bị phai mờ, bào mòn qua năm tháng mà người xem khó đoán định. Nhưng khi bao quát chung cho thấy, sự có mặt của những họa tiết phụ cũng không thừa, chúng càng tôn lên vẻ đẹp của nhóm đề tài trang trí chính. Vậy phải chăng đó là ý đồ của các nghệ sỹ tài ba năm xưa.
          Từ ngôn ngữ tạo hình cho thấy, tám nhóm đề tài trang trí Phật giáo trên tháp Bình Sơn đã chuyển tải cô đọng những triết lý luân thường của Đạo Phật, mà ở đó người nghệ sỹ gốm năm xưa muốn gợi mở cho người xem nhiều suy tưởng khác nhau về con đường bát chính đạo (chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính niệm, chính định, chính kiến, chính tư duy, chính tịnh tiến) đang lắng sâu trong sự trầm tĩnh của mảng gốm hồng thô mộc để dần từ đó toát lên thông điệp Phật pháp tới nhân gian, thức tỉnh thiền tâm trong mỗi người khi đứng bên tháp Phật./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét